(LĐ online) - Sáng ngày 13/3/2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn về tình hình oan sai trong hoạt động tố tụng hình sự và bồi thường oan sai theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước...
* Khi để xảy ra oan sai phải xử lý nghiêm cá nhân và đơn vị kết tội oan
(LĐ online) - Sáng ngày 13/3/2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn về tình hình oan sai trong hoạt động tố tụng hình sự và bồi thường oan sai theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh tình hình oan sai trong quá trình tố tụng ảnh hưởng đến quyền con người, quyền nghĩa vụ công dân. Tòa án nhân dân tối cao là cơ quan trung tâm của xét xử. Vụ án có oan hay không, có bỏ lọt tội phạm hay không, có bức cung, nhục hình hay không; Nếu có oan sai thì nguyên nhân do đâu, giải pháp xử lý như thế nào, trách nhiệm của cơ quan pháp luật, của người thực thi pháp luật đến đâu… cần thông tin rõ cho nhân dân được biết nhằm đáp ứng mong mỏi của nhân dân, cử tri cả nước.
|
Đầu cầu Lâm Đồng tham dự trực tuyến phiên chất vấn |
Phiên chất vấn được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV, Đài Tiếng nói Việt Nam, kênh Truyền hình Quốc hội và trực tuyến tại 63 điểm cầu trong cả nước. Tại đầu cầu Lâm Đồng có sự tham dự của đồng chí Vũ Công Tiến - Phó Bí thư, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng, ông Nguyễn Bá Thuyền – Phó Trưởng đoàn chuyên trách, ĐBQH YaDuck và Nguyễn Thu Anh, đại diện lãnh đạo Tòa án tỉnh, Viện KSND, Công an tỉnh, Ban Nội chính…
Đại biểu Quốc hội đã chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về tình hình 5 vụ án đặc biệt nghiêm trọng được dư luận quan tâm như: Vụ án cướp của giết người của Hồ Duy Hải tại Đồng Nai, Nguyễn Văn Chưởng (Hải Phòng), Lê Bá Mai (Bình Phước), Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), Huỳnh Văn Láng (Long An) có để xảy ra oan sai hay không? Tại sao để kéo dài quá lâu các vụ án mà chưa giải quyết dứt điểm, gây hoang mang trong nhân dân, tại sao cùng một hành vi phạm tội nhưng lại kết tội ở 3 mức khác nhau…
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền – Đoàn ĐBQH Lâm Đồng, chất vấn: sau vụ Nguyễn Thanh Chấn bị xét xử oan sai, tôi đã chất vấn Chánh án rằng sau vụ này thì còn bao nhiêu vụ nữa mà ta chưa minh oan cho họ. Chánh án hứa sẽ rà soát, kiểm tra. Vậy từ đó đến nay, Chánh án đã chỉ đạo giải quyết được bao nhiêu vụ oan sai? Đoàn giám sát của UBTVQH đang nghiên cứu 3 vụ án có đơn khiếu kiện oan sai kéo dài là vụ Nguyễn Văn Chưởng bị kết án tử hình về tội giết người, cướp tài sản ở Hải Phòng; vụ Lê Bá Mai bị kết tù chung thân về tội giết người, hiếp dâm ở Bình Phước; vụ Hồ Duy Hải bị kết án tử hình về tội giết người, hiếp dâm ở Long An, tuy chưa có kết luận chính thức nhưng có rất nhiều thiếu sót trong khám nghiệm hiện trường, thu thập chứng cứ, đánh giá chứng cứ, trưng cầu giám định, xét hỏi bị can…Vậy xin hỏi ông Chánh án và Viện trưởng Viện KSND tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an đã có những giải pháp mang tính đột phá để khắc phục tình trạng trên nhằm chống oan sai, không bỏ lọt tội phạm? Khi để xảy ra oan sai thì phải bồi thường và xin lỗi công khai ở nơi cư trú hoặc nơi công tác hoặc đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng các cơ quan tố tụng lại làm việc này rất chậm, gây bức xúc trong nhân dân, vậy 3 ngành chức năng đã khắc phục tình trạng trên như thế nào? Việc thực thi theo Thông tư số 17 và công văn 234 về việc giám định hàm lượng ma túy đối với đối tượng phạm tội ma túy hiện nay đang gặp khó khăn cho cơ quan thực thi pháp luật tại cơ sở, đề nghị nghiên cứu chỉnh sửa cho phù hợp.
Tại phiên họp, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình đã trả lời chất vấn những nội dung mà cử tri quan tâm: Trong số 5 vụ đặc biệt nghiêm trọng nêu trên thì hiện tại chỉ có 1 vụ đủ chứng cứ khẳng định oan sai. Tuy nhiên, trong quá trình xét xử, chúng tôi luôn nêu cao quan điểm nếu có oan thì phải kết luận oan và xử lý đúng pháp luật, kiên quyết không bỏ lọt tội phạm, nêu cao vai trò bảo vệ công lý.
Trong quá trình xét xử, có thể sai sót do nhiều khâu, có thể sai từ điều tra viên, kiểm sát viên hay do bức cung, nhục hình thì sai tới đâu xử lý vi phạm tới đó, thuộc trách nhiệm cơ quan đó. Sắp tới, chúng tôi cũng sẽ nêu cao vai trò được tham gia phiên tòa của các luật sư, người bào chữa cho bị cáo ngay từ khâu ban đầu để đảm bảo khách quan, trung thực.
Thực hiện nghiêm vấn đề tranh tụng, nêu cao vai trò trách nhiệm, năng lực, đạo đức của Thẩm phán…
* Chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng, chủ nhiệm Ủy Ban Dân tộc
Tiếp tục chương trình làm việc của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội, chiều 13/3/2015, các đại biểu Quốc hội đã chất vấn Bộ Trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Giàng Seo Phử về vấn đề liên quan đến việc thực hiện chương trình 135 về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn, những khó khăn và triển vọng đến hết năm 2015; Thực trạng và giải pháp sắp xếp bố trí dân cư vùng thường xảy ra thiên tai, vấn đề di cư tự do, đào tạo nghề, đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS; Giải pháp giải quyết vấn đề ma túy và một số hủ tục mê tín dị đoan trong vùng DTTS.
|
Các đại biểu tham dự trực tuyến tại đầu cầu Lâm đồng |
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thuyền, đoàn Lâm Đồng đã chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT về chương trình 135 giai đoạn 2014 – 2015 (theo Quyết định 551/QĐ – TTg ngày 4/4/2013 của Thủ tướng chính phủ) sẽ kết thúc trong năm 2015. Hiện nay, nhiều công trình đã xuống cấp nghiêm trọng, vậy giai đoạn tiếp theo ( 2016 – 2020) có tiếp tục đầu tư hay có cơ chế chính sách thay thế nào không? Chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo và các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn (theo QĐ 755/QĐ – TTg ngày 20/5/2013 của Thủ tướng chính phủ), trong đó nguồn vốn hỗ trợ sản xuất từ Trung ương là rất hạn chế, chưa kịp thời, khó khăn trong quá trình thực hiện, ảnh hưởng đến hiệu quả và chính sách, vậy giải pháp để giải quyết vấn đề này như thế nào? Tình trạng dân di cư tự do đến các tỉnh Tây Nguyên rất đông, gây khó khăn trong vấn đề an ninh trật tự, an sinh xã hội, vậy Ủy ban Dân tộc có giải pháp gì để khắc phục tình trạng này?
Trả lời các nội dung mà cử tri, các đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Giàng Sao Phử đã nêu bật những khó khăn hiện nay ở các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Theo ông, khó khăn ở các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa hiện nay một phần do các dự án đầu tư vào vùng dân tộc còn dàn chải, năng lực quản lý, điều hành dự án còn hạn chế, đội ngũ cán bộ làm chính sách dân tộc còn nhiều bất cập dẫn đến hiệu quả một số vùng DTTS chưa đạt mục tiêu đề ra.
Thứ trưởng Bộ Kế Hoạch – Đầu tư và Bộ Công an cũng có giải trình trước Quốc hội về việc tập trung đầu tư nguồn lực cho vùng DTTS, giải pháp để giải quyết vấn đề ma túy tại các xã biên giới, vùng cao. Cần đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về phòng chống ma túy đến với bà con dân tộc. Cần ưu tiên kinh phí cho các tỉnh về tuyên truyền bằng tiếng dân tộc. Cần ngăn chặn kịp thời các vụ buôn bán ma túy tại vùng biên giới, cần tiếp tục đầu tư thêm về chương trình 134, chương trình 135 để nâng cao đời sống cho đồng bào, chánh tình trạng buôn bán vận chuyển, sử dụng trái phép chất ma túy như hiện nay trong đồng bào dân tộc.
Nguyệt Thu