Chiến thắng 30/4 - Mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam

05:04, 03/04/2015

(LĐ online) - Chiến thắng 30/4/1975 là một trong những mốc son chói lọi nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Đó là biểu tượng sáng ngời của Chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, đỉnh cao của khí phách và trí tuệ của con người Việt Nam...

(LĐ online) - Chiến thắng 30/4/1975 là một trong những mốc son chói lọi nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Đó là biểu tượng sáng ngời của Chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, đỉnh cao của khí phách và trí tuệ của con người Việt Nam. Suốt 30 năm kể từ ngày Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, cả dân tộc kiên cường chiến đấu hy sinh để đi tới thắng lợi trọn vẹn “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, “Bắc Nam sum họp”… Chiến thắng 30-4 là chiến thắng của nội lực Việt Nam, của truyền thống văn hoá dân tộc, của sự lãnh đạo tài tình, sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta, đồng thời là sự ủng hộ giúp đỡ chí tình của bạn bè quốc tế, của các nước Xã hội chủ nghĩa anh em, của nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới, trong đó có nhân dân Mỹ.
 
Với mỗi người Việt Nam, ngày 30/4/1975 là một ngày lịch sử trọng đại. Đó là ngày mà chiến tranh dần đi vào dĩ vãng, đất nước sạch bóng thù xâm lược, hoà bình trở lại trên toàn cõi Việt Nam. Đó là ngày đoàn tụ: Non sông thu về một mối, Bắc – Nam liền một dải; đất nước chung tay xây dựng đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội, hướng tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
 
CHIẾN THẮNG 30/4 - CHIẾN CÔNG VĨ ĐẠI CỦA THẾ KỶ XX
 
Trải qua gần 30 năm xây dựng và chiến đấu, Quân đội nhân dân Việt Nam đã không ngừng trưởng thành vững mạnh toàn diện cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Lực lượng vũ trang gồm ba thứ quân: Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích liên tục phát triển; hệ thống các trường chính quy trong quân đội tiếp tục được thành lập, đào tạo được hàng vạn cán bộ theo các chuyên ngành để bổ sung lực lượng kịp thời cho các chiến trường. Để sớm kết thúc chiến tranh, theo đề nghị của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, trong hai năm 1973 - 1974 và đến đầu năm 1975, Bộ Chính trị đã phê chuẩn việc thành lập các quân đoàn: Quân đoàn 1 (10/1973), Quân đoàn 2 (5/1974), Quân đoàn 4 (7/1974), Đoàn 232 (tương đương quân đoàn, 2/1975), Quân đoàn 3 (3/1975), đánh dấu bước phát triển mới của Quân đội nhân dân Việt Nam cả về quy mô tổ chức và trang bị vũ khí, kỹ thuật. Quân đội ta có khả năng mở các chiến dịch tấn công bằng lực lượng binh chủng hợp thành quy mô lớn trên các hướng chiến lược, chiến dịch và đánh tiêu diệt địch với lực lượng lớn.
 
Hiệp định Pa-ri về Việt Nam được ký kết ngày 27/1/1973 là một thắng lợi to lớn  của quân và dân ta, đồng thời là một thất bại nặng nề của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Theo Hiệp định, Mỹ phải cam kết tôn trọng độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, chấm dứt dính líu về quân sự, rút hết quân Mỹ và quân chư hầu ra khỏi miền Nam…Tuy nhiên, với bản chất ngoan cố, đế quốc Mỹ chưa chịu từ bỏ âm mưu duy trì chế độ thực dân mới, chia cắt lâu dài đất nước ta. Trong quá trình rút quân, đế quốc Mỹ vẫn để lại nhiều sĩ quan mặc áo dân sự và giao lại cho quân đội Sài Gòn toàn bộ cơ sở vật chất, vũ khí, phương tiện chiến tranh. Dựa vào viện trợ Mỹ, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu ra sức củng cố ngụy quân, ngụy quyền, liên tiếp mở các cuộc hành quân “tràn ngập lãnh thổ” lấn chiếm vùng giải phóng của ta.
 
Trong hai năm 1973 - 1974, quân và dân ta liên tiếp giành được thắng lợi quan trọng, làm cho cục diện chiến trường tiếp tục thay đổi có lợi cho ta. Hội nghị Bộ Chính trị, tháng 10/1974 và đầu năm 1975 đã kịp thời đánh giá đúng so sánh lực lượng giữa ta và địch trong tình hình mới, chỉ rõ sự xuất hiện thời cơ lịch sử và nêu quyết tâm chiến lược, giải phóng miền Nam, đánh bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.
        
 Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, ngày 4/3/1975, bộ đội ta mở chiến dịch Tây Nguyên, mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Sau một số trận đánh tạo thế và nghi binh chiến dịch, ngày 10 và 11/3/1975, quân ta tiến công bằng sức mạnh binh chủng hợp thành, giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột. Đây là trận đánh then chốt quyết định của chiến dịch, một trận điểm đúng huyệt, tiêu diệt nhiều lực lượng tinh nhuệ và khí tài chiến tranh của địch, làm rối loạn sự chỉ đạo chiến lược và đảo lộn thế phòng thủ của địch ở chiến trường Tây Nguyên. Tiếp đó, từ ngày 14/3 đến ngày 3/4/1975, quân ta tiến công tiêu diệt nhiều vị trí quân địch, giải phóng hoàn toàn tỉnh Kon Tum, Gia Lai và toàn bộ Tây Nguyên.
 
Sau chiến dịch Tây Nguyên nổ ra được một ngày, ngày 5/3/1975, quân ta mở chiến dịch Trị -Thiên- Huế, giải phóng tỉnh Quảng Trị (19/3); từ ngày 21 đến 26/3/1975, quân ta tiến công giải phóng thành phố Huế và tỉnh Thừa Thiên, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân địch trên chiến trường Trị - Thiên.
 
Phát huy thắng lợi, từ ngày 26 đến ngày 29/3/1975, quân ta mở chiến dịch Đà Nẵng giải phóng hoàn toàn Đà Nẵng, bán đảo Sơn Trà và thị  xã Hội An (29/3), làm thay đổi hẳn cục diện và so sánh thế trận, lực lượng ngày càng có lợi cho ta. Phối hợp với lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương, bộ đội ta tiến công giải phóng các tỉnh Bình Định, Phú Yên (1/4), Khánh Hòa (3/4), nối liền Tây Nguyên, Trị - Thiên và các tỉnh Trung Bộ.
 
Trên cơ sở những thắng lợi quyết định, ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị đồng ý Chiến dịch giải phóng Sài Gòn lấy tên Chiến dịch Hồ Chí Minh. Thực hiện tư tưởng chỉ đạo: “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, ngày 26-4, quân ta bắt đầu nổ súng tấn công đồng loạt vào các mục tiêu, phá vỡ tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch. Ngày 28/4, một biên đội máy bay A-37 (phi đội Quyết Thắng của Không quân nhân dân Việt Nam) đã ném bom sân bay Tân Sơn Nhất, làm quân địch càng thêm hoảng loạn, việc di tản bằng máy bay của chúng bị ngừng trệ. Ngày 29/4, quân ta tiến công tiêu diệt và làm tan rã các sư đoàn chủ lực số 5, 7, 25, 18 và 22 của quân đội Sài Gòn. Các binh đoàn thọc sâu tiến vào cách trung tâm thành phố Sài Gòn từ 10 đến 20 km. Đại sứ Mỹ và các nhân viên quân sự, binh lính cuối cùng của Mỹ lên máy bay trực thăng rút khỏi Sài Gòn (sáng 30/4). 5 giờ sáng ngày 30/4, quân ta mở đợt tấn công cuối cùng. Vào 10 giờ 45 phút, phân đội xe tăng thọc sâu của Quân đoàn 2 tiến vào Dinh Độc Lập. Quân ta bắt toàn bộ nội các của chính quyền Sài Gòn, buộc Tổng thống Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện. Cờ Tổ quốc tung bay trước tòa nhà chính của Dinh Độc Lập lúc 11 giờ 30 phút. Trong hai ngày (30/4 và 1/5), bộ đội chủ lực và lực lượng vũ trang các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, các Quân khu 8 và 9 nắm thời cơ, phát động quần chúng nổi dậy, tiêu diệt và làm tan rã hàng ngũ địch, giải phóng hoàn toàn các tỉnh đồng bằng Nam Bộ, vùng biển và các đảo ở Tây Nam của Tổ quốc. Hơn 1 triệu quân của quân đội Sài Gòn và cả bộ máy chính quyền địch bị đập tan, chế độ thực dân mới được Mỹ dốc sức xây dựng trong hơn 20 năm với 5 đời tổng thống đã hoàn toàn sụp đổ. Chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng, miền Nam hoàn toàn giải phóng.
 
Chiến dịch Hồ Chí Minh là chiến dịch hợp đồng quân, binh chủng quy mô lớn nhất, giành thắng lợi to lớn nhất. Chiến dịch đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Quân đội nhân dân Việt Nam cả về tổ chức lực lượng và trình độ chỉ huy tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng; là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam, góp phần quyết định kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
         
Trải qua hơn hai mươi năm chiến đấu, quân và dân ta đã đánh thắng một cuộc chiến tranh xâm lược quy mô lớn nhất, dài ngày, ác liệt và dã man nhất (kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai) của một đế quốc hùng mạnh nhất.  
 
30/4 TẠO NÊN “DƯ CHẤN” TRÊN TOÀN CẦU 
 
Sự kiện 30/4/1975 đã tạo nên những “dư chấn” trên toàn cầu và thế giới vô cùng cảm phục ý chí chiến đấu giành độc lập dân tộc của Việt Nam. Không chỉ đăng nhiều tin, bài nhân sự kiện 30/4/1975, báo chí thế giới trong 40 năm qua cũng thường xuyên đề cập lại sự kiện này và có những chuyên đề đánh giá cao thành quả sau 40 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
 
Một ngày sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ngày  1/5/1975, hãng tin Pháp AFP viết "Trong năm 1975, sự kiện nổi bật nhất Châu Á là sự kiện 30/4 của Việt Nam, "dư chấn" rúng động địa cầu.
        
Theo hãng tin này, không còn nghi ngờ gì nữa, sự kiện trên sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến khu vực và thế giới trong tương lai gần". Năm 2010, nhân kỷ niệm 35 năm sự kiện 30/4,  AFP cùng với hãng tin AP của Mỹ và nhiều hãng tin khác tham gia một cuộc triển lãm ảnh mang tên "Việt Nam, 35 năm sau", giới thiệu hàng trăm ấn phẩm ảnh đặc sắc liên quan đến chiến tranh Việt Nam. Theo AFP, đây là những khoảnh khắc trung thực của chiến tranh, hồi chuông cảnh tỉnh nhân loại hãy làm hết sức mình để không xảy ra một cuộc chiến tương tự, cho dù là bên thắng cuộc.
 
Theo bài báo: "Ngày nay Việt Nam đang tiến hành công cuộc Đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam giành được nhiều thành tựu rất đáng tự hào". Báo này dẫn chứng, năm 2000, Tổng thống B.Clinton sang thăm Việt Nam và sau đó  Thủ tướng Phan Văn Khải "đáp lễ" bằng chuyến thăm Mỹ. Ngày 29/4/2010, tờ Pasason, tiếng nói của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đã có bài viết tựa đề "Truyền thống đấu tranh anh dũng của nhân dân Việt Nam", ca ngợi sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam và tinh thần chiến đấu ngoan cường và anh dũng của nhân dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân cũ và mới, tạo ra Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy  tháng 5/1954 và Đại thắng mùa Xuân 1975. Theo bài viết, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng đã trở thành giây phút lịch sử của cuộc đấu tranh anh dũng của quân đội và nhân dân Việt Nam. Chiến thắng mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, tự do và thống nhất.
 
Ông Alain Rusco - nhà sử học người Pháp, kiêm chuyên gia chuyên nghiên cứu về lịch sử Đông Dương, cho rằng, sự kiện 30/4 "gây tiếng vang lớn trên trường quốc tế  về một dân tộc không chịu khuất phục trước quân thù".
 
Tờ Asahi Shimbun (Nhật Bản) số ra ngày 1/5/1975 có bài xã luận nóng tính thời sự: "Chiến tranh Việt Nam đã kết thúc với thắng lợi của lực lượng giải phóng, điều đó có thể khẳng định, thời mà các nước lớn dùng sức mạnh để bóp nghẹt chủ nghĩa dân tộc đã chấm dứt ". 30 năm sau, tờ Nikkei, ấn phẩm chuyên đề kinh tế lớn nhất Nhật Bản số ra ngày 28/4 đăng lại hình ảnh chiếc xe tăng đầu tiên của Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập, kèm theo bình luận: "Việt Nam sau 30 năm chiến tranh". Bài báo nhấn mạnh: "Cuộc chiến tranh Việt Nam đã để lại dấu ấn sâu đậm và đầy ấn tượng trong tâm thức người Mỹ, tạo hiệu ứng dây chuyền trong toàn khu vực Đông Dương".
 
Phải nói ngay rằng, chiến tranh Việt Nam tốn nhiều tâm trí, sức lực, tiền của và thời gian của người Mỹ. Riêng về những năm cuối của cuộc chiến tranh chiến, báo chí Mỹ có rất nhiều bài viết về cuộc chiến hao người tốn của này.
 
Hãng UPI, ngày 30/4/1975 viết: "Quân đội phía chiến thắng cưỡi xe tăng vào Dinh Tổng thống với nét mặt phấn khởi như vào chỗ không người, thậm chí còn xưng hô "các đồng chí" với những người đang đứng hai bên đường cũng như đối với các nhà báo. Họ thật sự không để ý sự có mặt của các nhà báo đang tác nghiệp, đang ghi lại những khoảnh khắc hiếm hoi của lịch sử, sự đầu hàng lịch sử của chính quyền Sài Gòn trước những người cộng sản. 3 lá cờ trắng được kéo lên sở chỉ huy cảnh sát, một lúc sau khi ông Minh nói trên đài. Nhiều cờ trắng cũng treo lên ở ngoại ô phía bắc Sài Gòn. Dân chúng đi lại bình thường trên các đường phố".
      
Với tựa đề "Sài Gòn sụp đổ", tờ New York Times ngày 1/5/1975 chạy tít lớn suốt 8 cột trang nhất kèm theo hàng loạt tin, ảnh về sự sụp đổ của chính quyền ngụy và chiến thắng của các lực lượng cách mạng. Theo bài viết, ngày 30/4/1975 là ngày "lịch sử của thế giới".
       
Cũng trong số ra ngày 1/5/1975, hãng tin AP đăng một bài viết có đoạn "Xe tăng, xe bọc thép và xe tải ngụy trang của Quân Giải phóng tiến nhanh vào Dinh Tổng thống. Cũng trong thời gian này Tướng trung lập, Dương Văn Minh đã lên đài phát thanh và truyền hình công bố lệnh đầu hàng".
        
Bên cạnh những tờ báo lớn, hầu hết các chương trình thuộc 3 hệ thống vô tuyến truyền hình Mỹ tối 1/5/1975 đều dành cho những đoạn phim về cuộc di tản người Mỹ ra khỏi Sài Gòn ngày 29/4/1975 và các tin về giây phút cuối cùng của  chế độ được gọi là Việt Nam Cộng hòa, cùng với việc ra đời một chế độ mới tại miền Nam Việt Nam.
       
Hãng tin Reuters danh tiếng của Anh cũng đã có bài viết lớn và liên tục cập nhật về cuộc chiến Việt Nam vào giờ phút bước ngoặt đó. Một nhà báo Reuters có mặt tại Sài Gòn 30/4/1975 viết: "Là phóng viên có mặt tại Phủ Tổng thống, tôi chứng kiến chiếc xe tăng đi đầu của quân giải phóng húc đổ cột bằng thép vững chắc và cán cờ ngụy rơi xuống đất, rồi vượt qua. Gần 10 xe tăng khác nhanh chóng tiến vào theo. Bộ đội Chính phủ Cách mạng tỏa ra khắp khu vực Phủ tổng thống. Lính gác Nam Việt Nam lập tức giơ tay xin hàng và tập hợp thành hàng ngũ chờ lệnh mới. Cờ Chính phủ cách mạng lâm thời tung bay trong không khí chiến thắng ở lan can tầng hai ngay cả trong khi lá cờ ba sọc vẫn còn bay trên nóc mái nhà".
      
Cũng trong năm 2005, nhân kỷ niệm 30 năm chiến thắng lịch sử của dân tộc Việt Nam, tờ People Daily - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc số ra ngày 30/4 có bài bình luận dài về "Thắng lợi mãi mãi ghi vào sử sách" của chúng ta. Trong đó, tờ báo nhấn mạnh, ngày 30/4 là ngày lễ lớn của nhân dân Việt Nam và cũng là ngày đáng được những người yêu chuộng hòa bình, chính nghĩa trên toàn thế giới kỷ niệm.
 
Trong khi đó, Tân Hoa Xã số ra ngày 30/4 dành gần hết trang quốc tế cho chủ đề về chiến thắng 30/4 và cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Việt Nam. Bài báo có nhan đề: "30 năm thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, hình ảnh người cựu chiến binh Việt Nam", báo này đăng hai bức ảnh chụp hai cựu chiến binh Việt Nam ngực đầy huân chương, được nhân nhân thành phố Hồ Chí Minh trân trọng tặng hoa.
      
Kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất  nước là dịp ôn lại những trang lịch sử chói lọi của dân tộc trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc và đặc biệt là vai trò, ý nghĩa to lớn của Chiến thắng 30/4/1975. Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (12 – 1976) đã khẳng định: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”. 
 
TS (Tổng hợp)