Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ lập lại hòa bình trên bán đảo Đông Dương, công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam. Tuân thủ Hiệp định Giơnevơ, những người con ưu tú của cách mạng miền Nam tạm thời tập kết ra miền Bắc chờ hai năm sau tiến hành tổng tuyển cử thống nhất cả nước.
[links()]
I. NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG OANH LIỆT
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ lập lại hòa bình trên bán đảo Đông Dương, công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam. Tuân thủ Hiệp định Giơnevơ, những người con ưu tú của cách mạng miền Nam tạm thời tập kết ra miền Bắc chờ hai năm sau tiến hành tổng tuyển cử thống nhất cả nước. Với niềm tin sắt son sau hai năm sẽ trở về đoàn tụ, nhưng đế quốc Mỹ đã phá hoại Hiệp định, nhảy vào miền Nam, áp đặt chủ nghĩa thực dân kiểu mới, âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta. Nhân dân miền Nam chưa được một ngày yên nghỉ, lại tiếp tục bị rên xiết dưới ách thống trị của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Với Luật 10/59, bọn Mỹ - Diệm lê máy chém đi khắp miền Nam với phương châm “thà giết nhầm còn hơn bỏ sót”, cách mạng miền Nam rơi vào thời kỳ đen tối, khó khăn nhất. Nhiệm vụ giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc trở thành nhiệm vụ thiêng liêng của toàn dân tộc. Đáp lời vang vọng núi sông và lời kêu gọi của Đảng, của Bác Hồ kính yêu, nhân dân cả nước, đặc biệt là đồng bào miền Nam - thành đồng Tổ quốc - lại tiếp tục cuộc trường kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước trải qua 21 năm. Đây là cuộc chiến tranh cứu nước dài ngày nhất, ác liệt nhất và phức tạp nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta. Là cuộc chiến tranh mà nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã phải trải qua nhiều chặng đường khốc liệt để đi tới thắng lợi hoàn toàn.
|
Từng đoàn xe thồ, từng đoàn dân công vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược phục vụ chiến dịch Ảnh: Tư liệu |
Giai đoạn từ tháng 7 năm 1954 đến hết năm 1960, Đảng ta đã sớm nhận thức rõ ý đồ xâm lược của Mỹ và luôn nhất quán tinh thần chỉ đạo tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng: cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng XHCN. Thực hiện chủ trương trên, miền Bắc tích cực triển khai những công việc bộn bề sau chiến tranh, nhanh chóng tổ chức cuộc sống mới. Ở miền Nam, cuộc đấu tranh diễn ra vô cùng khó khăn, ác liệt, nhưng đại bộ phận nhân dân vẫn một lòng theo Đảng. Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng ra đời, xác định rõ mục tiêu, phương pháp cách mạng miền Nam; mối quan hệ chiến lược của cách mạng hai miền, giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới; cách mạng miền Nam xoay chuyển tình thế từ giữ gìn lực lượng chuyển dần sang tấn công, làm thất bại bước đầu phương thức chủ nghĩa thực dân mới của đế quốc Mỹ bằng phong trào Đồng Khởi (1959-1960).
Giai đoạn từ 1961 đến giữa 1965, khi đế quốc Mỹ thay đổi chiến lược, chuyển sang “chiến tranh đặc biệt”, Đảng ta chủ trương giữ vững và phát triển thế tiến công, chuyển từ khởi nghĩa từng phần tiến lên chiến tranh cách mạng, kết hợp đấu tranh vũ trang và chính trị, đánh địch cả bằng quân sự và chính trị; thực hiện ba mũi giáp công, trên ba vùng chiến lược, làm phá sản chiến lược “chiến tranh đặc biệt”. Đồng thời, quân dân miền Bắc vừa sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu và chi viện cho chiến trường lớn miền Nam.
Giai đoạn từ giữa năm 1965 đến hết năm 1968, đế quốc Mỹ chuyển sang chiến lược “chiến tranh cục bộ” đưa quân đội Mỹ trực tiếp tham chiến tại miền Nam và mở rộng chiến tranh ra miền Bắc bằng không quân và hải quân. Trước tình thế mới, Đảng ta phát động toàn dân chống Mỹ cứu nước, đánh bại chiến lược “chiến tranh cục bộ” ở miền Nam, đánh thắng cuộc leo thang phá hoại bằng không quân và hải quân lần thứ nhất ở miền Bắc.
Giai đoạn từ 1969 đến 1973, đế quốc Mỹ thi hành chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, rút quân về nước nhưng kéo dài và mở rộng chiến tranh sang Campuchia, Lào; thực hiện chiến tranh hủy diệt và chiến tranh giành dân, chiến tranh bóp nghẹt để làm suy yếu cuộc kháng chiến của nhân dân ta trên cả hai miền Nam - Bắc. Trước tình thế mới của cách mạng, Đảng ta đã phát huy sức mạnh liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào - Campuchia, làm thất bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân lần thứ hai ở miền Bắc, đặc biệt là trận “Điện Biên Phủ trên không” ngay trên bầu trời Hà Nội tháng 12 năm 1972, buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Pari, rút hết quân Mỹ và quân các nước chư hầu ra khỏi miền Nam Việt Nam, tạo điều kiện cơ bản nhất để ta giành thắng lợi cuối cùng.
Giai đoạn từ 1973 đến 30/4/1975, mặc dù Hiệp định Pari được ký kết nhưng biết được âm mưu xảo quyệt của Mỹ và bè lũ tay sai, Đảng ta đã khẳng định con đường cách mạng miền Nam vẫn là con đường bạo lực và đề ra các nhiệm vụ lớn cho hai miền Nam - Bắc, chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh cuộc chiến đấu ở miền Nam. Khi thời cơ giải phóng hoàn toàn miền Nam đã đến, Đảng ta quyết định tiến hành cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, bắt đầu từ ngày 4 tháng 3 bằng ba đòn chiến lược: mở đầu là chiến dịch Tây Nguyên đột phá đánh chiếm Buôn Ma Thuộc, giải phóng Tây Nguyên; tiếp đến là chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng và kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng Sài Gòn - Gia Định và hoàn toàn miền Nam (30/4/1975). Trong 55 ngày đêm với sức mạnh áp đảo về chính trị và quân sự, quân và dân ta đã giành được toàn thắng. Hơn 1 triệu quân ngụy và cả bộ máy ngụy quyền bị đập tan. Trải qua 21 năm chiến đấu kiên cường, qua 5 giai đoạn chiến lược, nhân dân ta đã đánh thắng cuộc chiến tranh thực dân kiểu mới quy mô lớn nhất sau chiến tranh thế giới thứ hai do đế quốc Mỹ gây ra.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã lùi xa 40 năm, nhưng thắng lợi vĩ đại của quân và dân ta ngày ấy là thành quả vĩ đại nhất của sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo; là trang sử hào hùng và chói lọi trên con đường dựng nước và giữ nước mấy ngàn năm của dân tộc. Nhân dân ta đã đánh thắng kẻ thù lớn mạnh và hung hãn nhất của loài người tiến bộ; kết thúc oanh liệt cuộc chiến đấu 30 năm giành độc lập tự do, thống nhất cho Tổ quốc; chấm dứt ách thống trị hơn một thế kỷ của chủ nghĩa thực dân cũ và mới trên đất nước ta; đánh dấu bước ngoặt quyết định trong lịch sử dân tộc; đưa Tổ quốc ta bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.
(CÒN NỮA)
BAN BIÊN TẬP