Cách đây gần tròn 95 năm, tại Đại hội II toàn Nga của Đoàn Thanh niên Cộng sản Nga, ngày 2/10/1920, V.I. Lênin đã đọc bài diễn văn quan trọng, về sau in thành sách "Nhiệm vụ của Đoàn Thanh niên", nhà xuất bản Quốc gia, Mat-xcơ-va, năm 1920 (xem V.I. LÊNIN, Toàn tập, tập 41, Nxb Tiến bộ Mat-xcơ-xa, năm 1978).
Cách đây gần tròn 95 năm, tại Đại hội II toàn Nga của Đoàn Thanh niên Cộng sản Nga, ngày 2/10/1920, V.I. Lênin đã đọc bài diễn văn quan trọng, về sau in thành sách “Nhiệm vụ của Đoàn Thanh niên”, nhà xuất bản Quốc gia, Mat-xcơ-va, năm 1920 (xem V.I. LÊNIN, Toàn tập, tập 41, Nxb Tiến bộ Mat-xcơ-xa, năm 1978). Nhân dịp kỉ niệm 145 ngày sinh của lãnh tụ thiên tài V.I. Lênin, cũng là dịp tròn 95 năm xuất bản bài phát biểu quan trọng, chúng tôi xin khái quát về những giá trị lý luận quan trọng của tác phẩm nêu trên, từ đó rút ra những bài học có ý nghĩa thời sự cho sự nghiệp cách mạng của thanh niên Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) hiện nay.
1. Những định hướng nhận thức lý luận về xã hội CSCN và nhiệm vụ học tập, xây dựng CNCS cho thanh niên trong di huấn của V.I.Lênin.
Với vai trò là một tổ chức gồm những người trẻ tuổi tham gia xây dựng một chế độ xã hội hoàn toàn mới - xã hội CSCN, chưa có tiền lệ lịch sử, trong điều kiện vô vàn khó khăn, tổ chức Đoàn TNCS cần phải làm những gì và làm thế nào để hoàn thành nhiệm vụ của mình? Đó là những câu hỏi lớn, có tính cốt lõi của tổ chức Đoàn TNCS và các đoàn viên, mà trên thực tế là không dễ xác định và trả lời đúng. V.I. Lênin đã chỉ ra một cách rõ ràng và khoa học những nội dung cốt lõi đó. Người nói: “Theo một ý nghĩa nào đó, có thể nói rằng nhiệm vụ thật sự xây dựng xã hội cộng sản chủ nghĩa, chính là của thanh niên... Cho nên khi đề cập đến nhiệm vụ của thanh niên nói chung, và của đoàn thanh niên cộng sản và các tổ chức khác nói riêng, có thể tóm gọn bằng một từ. Nhiệm vụ đó là: học tập”. Trong khi chỉ rõ cho các đại biểu và toàn thể thanh niên biết cần phải học những gì và học như thế nào, V.I. Lênin đã nêu ra nhiều định hướng nhận thức lý luận quan trọng. Chúng ta có thể khái quát các luận điểm có tính nguyên lý lý luận đó như sau:
Thứ nhất, V.I. Lênin đã khẳng định lại nguyên lý về tính tích cực, vai trò cải tạo hiện thực của ý thức thông qua việc đề cao vai trò của tri thức, nhất là tri thức cách mạng trong cải tạo và xây dựng xã hội mới CSCN nói riêng, trong hoạt động của con người nói chung. Người đã viết: “Tôi phải nói rằng lời giải đáp đầu tiên, - hình như vậy, - và cũng có vẻ tự nhiên nhất, là đoàn thanh niên và toàn thể thanh niên nói chung muốn đi theo chủ nghĩa cộng sản, thì phải học chủ nghĩa cộng sản”.
Thứ hai, V.I. Lênin đã làm rõ thêm quan niệm về nội dung của xã hội CSCN, cách thức, bước đi và nhiệm vụ ở thời kì quá độ lên CNCS. Trong đó, Người đặt trọng tâm của công tác giáo dục CSCN vào lớp người trẻ, những chủ thể hoàn toàn mới của công cuộc xây dựng CNCS: “Chỉ có cải tổ triệt để việc dạy dỗ, việc tổ chức và giáo dục thanh niên, thì chúng ta mới có thể, bằng những cố gắng của thế hệ trẻ đạt được kết quả là xây dựng nên một xã hội không giống xã hội cũ, tức là xã hội cộng sản”.
Thứ ba, V.I. Lênin đã nêu ra quan niệm về bản chất chính trị của nhà trường, của công tác giáo dục, với tư cách là công cụ của nền chuyên chính vô sản để đào tạo con người cho giai cấp công nhân. Và, Người yêu cầu Đoàn TNCS phải trở thành trường học lớn về CNCS. V.I. Lênin cũng đã phân tích khái quát về mục tiêu, nội dung, phương châm và phương pháp của nền giáo dục mới; đồng thời, nghiêm khắc chỉ ra, phê phán những nguy hại và biểu hiện sai lầm cần tránh của việc triển khai công tác giáo dục mới, như: học vẹt, học một cách hời hợt không nắm vững thực chất, “hiểu CNCS chỉ qua việc nắm được các khẩu hiệu”, nhưng lại khoe khoang, khoác lác, ba hoa về những nhận thức nông cạn đó; học không gắn với hành, lý luận xa rời thực tiễn…
Thứ tư, V.I. Lênin đã phát triển và cụ thể hóa nội dung khoa học của quy luật phủ định của phủ định, nhấn mạnh tầm quan trọng của mặt kế thừa trong phát triển; qua đó, nêu lên quan niệm cách mạng, khoa học về đạo đức học, về nền đạo đức mới CSCN, về bản chất, chức năng, nhiệm vụ của đạo đức trong xã hội nói chung, XHCS nói riêng. Người nêu ra cách ứng xử khoa học với nhà trường và phương pháp giáo dục cũ, đó là: kế thừa một cách khoa học, hợp lý những mặt tích cực, xóa bỏ những mặt xấu xa, tệ hại.
Thứ năm, V.I. Lênin đã phát triển quan điểm xây dựng và vận hành các tổ chức cách mạng trong điều kiện đã có chính quyền. Vì vậy, ở đây Người đã nói nhiều về chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Đoàn TNCS. Nhiệm vụ hàng đầu của Đoàn TNCS là đoàn kết, tập hợp, giáo dục và lãnh đạo thanh niên tham gia cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới. Người nhấn mạnh tính nêu gương, đi đầu trong các phong trào cách mạng của tổ chức Đoàn TNCS; cách thức rèn luyện, giáo dục đạo đức, tính nêu gương trong giáo dục đạo đức ở người cán bộ đoàn, không chỉ cho các đoàn viên mà còn với nhân dân lao động. Hoạt động của tổ chức Đoàn và mỗi đoàn viên cần phải đi sâu vào từng ngõ ngách của đời sống xã hội, quan tâm, giúp đỡ tới từng thân phận kém may mắn, quán xuyến từ việc dọn vệ sinh đến tăng gia sản xuất nhằm cải thiện bữa ăn hàng ngày...
|
V.I.Lênin đọc diễn văn tại Quảng trường Đỏ ở Mátxcơva trước các đơn vị tham gia khóa huấn luyện quân sự toàn dân, ngày 25-5-1919. Ảnh: T.L. |
2. Những bài học từ lời dạy của V.I. Lênin với sự nghiệp cách mạng của thanh niên Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng CSVN và ý nghĩa thời sự hiện nay.
* Những bài học phương pháp luận:
- Thứ nhất, hết sức coi trọng việc bồi dưỡng, đào tạo thanh niên, những người thừa kế trẻ tuổi cho sự nghiệp cách mạng, bảo vệ và xây dựng đất nước; phát triển lực lượng cách mạng trong tầng lớp thanh niên; tin tưởng, giao phó cho họ những trọng trách và phải ủng hộ các hoạt động của họ.
- Thứ hai, chú trọng bồi dưỡng lý tưởng, đạo đức cách mạng cho toàn thể thanh niên, hướng hoạt động của họ vì những mục tiêu cao cả, tiến bộ, vì lợi ích cho cộng đồng, cho dân tộc và toàn nhân loại.
- Thứ ba, luôn luôn coi trọng việc kế thừa các giá trị, truyền thống của các xã hội trước, của những lớp người đi trước; đồng thời biết sáng tạo trong lựa chọn những cái phù hợp để làm nên những giá trị mới, tích cực.
- Thứ tư, phải biết gắn kết việc học tập ở nhà trường, học lý thuyết với thực tiễn sống động của công cuộc đấu tranh, xây dựng xã hội mới, đời sống mới; mỗi cá nhân phải tự giáo dục, tự trưởng thành thông qua các phong trào; sự nghiệp của thanh niên không chỉ là những công trình to tát, mà còn là cả những việc làm bình dị, đời thường có ích cho xã hội; phải thông qua những phong trào đó để lựa chọn những người ưu tú, những cán bộ nòng cốt cho Đoàn TNCS.
* Ý nghĩa, giá trị thời sự từ những di huấn của V.I. Lênin với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và thanh niên Việt Nam hiện nay:
- Một là, luôn luôn coi trọng tri thức và con đường duy nhất để có tri thức là học tập. Quán triệt tốt tinh thần: “nhiệm vụ của thanh niên là học tập”.
- Hai là, coi trọng định hướng lý tưởng CSCN, tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức cách mạng cho toàn thể thanh thiếu niên; coi đó là nhiệm vụ hàng đầu của tổ chức Đoàn TNCS.
- Ba là, biết kế thừa và phát huy những giá trị tích cực của ông cha, của các thế hệ, xã hội trước để lại; không ngừng sáng tạo để làm giàu thêm tri thức, truyền thống mới, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thực tiễn sống động.
- Bốn là, luôn nêu cao tinh thần xung kích, hăng hái xung phong, đi đầu trong mọi mặt trận; tổ chức các phong trào thanh niên từ những địa bàn dân cư, từ những việc làm nhỏ nhất trong cuộc sống thường nhật, qua đó mà rèn luyện, giáo dục đoàn viên, cán bộ của đoàn, phát triển tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
- Năm là, phải kết hợp giữa xây và chống trong tổ chức phong trào thanh niên, bồi dưỡng điển hình tiên tiến đi liền với việc kiên quyết bài trừ các biểu hiện tiêu cực, thoái bộ, hãnh tiến và xa rời lý tưởng.
Tóm lại: Những lời dạy và cả những kỳ vọng của V.I. Lênin với tuổi trẻ và tổ chức đoàn TNCS đã có tác động rất mạnh mẽ tới tuổi trẻ nước Nga xô-viết nói riêng, tuổi trẻ các nước XHCN nói chung. Nó như những ngọn đuốc sáng soi rọi, mở ra những hướng hoạt động rất tích cực cho lớp lớp thanh niên các nước XHCN, giúp họ tự lực vươn lên, làm chủ tri thức mới, làm chủ công cuộc xây dựng xã hội mới và cùng với nhân dân lao động đã lập nên nhiều kì tích đáng tự hào trong bảo vệ và xây dựng đất nước. Bước vào thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế rộng rãi hiện nay, dù thực tiễn đã có nhiều thay đổi, song những di sản tư tưởng của các bậc tiền nhân vẫn là những hành trang thiết yếu cho tuổi trẻ Việt Nam trên con đường “lập thân, lập nghiệp”, trở thành người thừa kế xứng đáng sự nghiệp cách mạng của ông cha ta.
PGS, TS. BÙI TRUNG HƯNG - Trường Đại học Thủ Dầu Một