Hội thảo góp ý Luật An toàn vệ sinh lao động và Luật Tài nguyên Môi trường biển và hải đảo

02:04, 01/04/2015

(LĐ online) - Sáng ngày 1/4/2015, để chuẩn bị phục vụ kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức hội thảo góp ý Luật An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và Luật Tài nguyên Môi trường biển và hải đảo.

[links()] (LĐ online) - Sáng ngày 1/4/2015, để chuẩn bị phục vụ kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức hội thảo góp ý Luật An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và Luật Tài nguyên Môi trường biển và hải đảo. Tham dự và chủ trì hội thảo có đồng chí Vũ Công Tiến - Phó Bí thư Tỉnh ủy - Trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Lâm Đồng, đại diện UBND, UBMTTQ, Hội Luật gia, Tòa án, Công an tỉnh, các sở, ngành liên quan.
 
Về dự thảo Luật An toàn vệ sinh lao động, nhiều đại biểu tán thành với việc mở rộng đối tượng áp dụng với tất cả người lao động và đề nghị quy định một số chính sách cụ thể về ATVSLĐ đối với khu vực không có quan hệ lao động. Một số ý kiến còn băn khoăn về tính khả thi của chính sách ATVSLĐ, đề nghị làm rõ vai trò hỗ trợ của nhà nước, quy định rõ trách nhiệm của UBND cấp xã trong việc thống kê, báo cáo tai nạn lao động để đảm bảo tính khả thi. Có ý kiến cho rằng, dự thảo luật còn nhiều điểm trùng với luật lao động, hoặc thiếu quyền liên quan đến chế độ bảo hộ lao động, bảo đảm điều kiện, sức khỏe cho người lao động. Đề nghị bổ sung thêm trách nhiệm của các bộ, ngành khác có liên quan đến công tác ATVSLĐ, quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về VSLĐ, phòng chống bệnh nghề nghiệp. Về thanh tra các vụ tai nạn lao động phải quy định rõ việc cấp phép đủ điều kiện vệ sinh ATLĐ phải giao Bộ LĐ - TB & XH,…
 
Về dự thảo Luật Tài nguyên Môi trường biển và hải đảo; nhiều ý kiến tham dự hội thảo đề nghị chỉnh sửa lại phạm vi điều chỉnh cho phù hợp, cần rà soát để tránh chồng chéo, trùng lắp so với các luật khác, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Xác định rõ nội dung quản lý tổng hợp tài nguyên các vùng biển, hải đảo, bảo đảm không trái với Luật biển Việt Nam và phù hợp với Công ước Liên hợp quốc năm 1982 về Luật Biển. Nhiều ý kiến cho rằng, cần bổ sung, giải thích từ ngữ cho đầy đủ, rõ ràng, bám sát Luật Biển Việt Nam để bảo đảm tính thống nhất.
 
Đa số ý kiến tán thành dự thảo Luật Tài nguyên Môi trường biển đã bổ sung, làm rõ quy định chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo được lập ở cấp quốc gia; Quy định rõ, nguyên tắc lập chiến lược phải đáp ứng yêu cầu khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng vào nội dung chiến lược (khoản 2 điều 10)…
 
Các ý kiến góp ý dự thảo 2 luật nói trên sẽ được Tổ thư ký Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng tổng hợp, báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong kỳ họp tới tại Hà Nội.
 
Nguyệt Thu