Lâm Đồng sau 40 năm nhìn lại

08:04, 03/04/2015

Nằm ở khu vực Nam Tây Nguyên, tỉnh Lâm Đồng có một vị trí chiến lược hết sức quan trọng, vì vậy nhiệm vụ xây dựng cơ sở cách mạng có ý nghĩa đặc biệt không chỉ đối với địa phương mà còn với cả chiến trường miền Nam. 

Nằm ở khu vực Nam Tây Nguyên, tỉnh Lâm Đồng có một vị trí chiến lược hết sức quan trọng, vì vậy nhiệm vụ xây dựng cơ sở cách mạng có ý nghĩa đặc biệt không chỉ đối với địa phương mà còn với cả chiến trường miền Nam. Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, cũng như cả miền Nam, phần lớn cán bộ cốt cán của tỉnh đã tập kết ra miền Bắc, số còn lại rất ít và bị địch đàn áp, khủng bố gắt gao, nhiều địa phương trở thành vùng trắng, tình thế cách mạng hết sức khó khăn.
 
Thực hiện chỉ thị của Bộ Chính trị “Về nhiệm vụ xây dựng căn cứ Tây Nguyên”, đầu năm 1960 các đội vũ trang tuyên truyền của liên tỉnh 3, liên tỉnh 4 và miền Đông Nam Bộ thực hiện nhiệm vụ mở mảng, mở vùng lên Lâm Đồng, nối thông đường hành lang chiến lược Bắc - Nam, mở rộng các đường nhánh Đông - Tây tạo thành một hệ thống hành lang liên hoàn đưa đón các đoàn cán bộ, chiến sỹ từ hậu phương vào chiến trường. Mặc dù hoạt động trên một chiến trường nối dài, địa hình phức tạp, gian khổ, lực lượng địch đông và mạnh hơn ta rất nhiều lần, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, sự đùm bọc của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, lực lượng vũ trang Lâm Đồng gồm ba thứ quân, không ngừng được củng cố và trưởng thành, trở thành lực lượng nòng cốt, cùng với các địa phương từng bước đánh thắng các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. 
 
Mùa Xuân năm 1975, được sự chi viện của các đơn vị chủ lực, lực lượng vũ trang Lâm Đồng cùng với phong trào quần chúng đã nhanh chóng chớp thời cơ tiến công và nổi dậy đánh địch và giành được những thắng lợi vang dội, có tính chất quyết định ở thị xã B’lao, Bảo Lộc, Đồng Đò (Di Linh); ngày 28 tháng 3 năm 1975, tỉnh Lâm Đồng (cũ) hoàn toàn được giải phóng. Chiến công nối tiếp chiến công, quân và dân ta tiếp tục tiến lên giải phóng thị xã Đà Lạt - sào huyệt cuối cùng và rất quan trọng của địch. 3 giờ sáng, ngày 3 tháng 4 năm 1975, lực lượng của ta đã tiến đến khu vực ngã ba Phi Nôm và chia làm hai mũi, tiến về giải phóng thị trấn D’Ran, lực lượng chủ lực tập trung tiến về Đà Lạt; đúng 8 giờ 20 phút, ngày 3 tháng 4 năm 1975, cờ cách mạng tung bay tại cơ quan đầu não của ngụy quyền tỉnh, thị xã Đà Lạt và tỉnh Tuyên Đức hoàn toàn được giải phóng.
 
Trong suốt 21 năm chiến đấu gian khổ, kiên cường, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân tỉnh Lâm Đồng cùng cả nước đã tiến hành cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, giành lại độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc. Lâm Đồng cùng với cả “miền Nam thành đồng Tổ quốc” đi trước về sau; vừa vinh dự, tự hào, nhưng cũng vừa mang trên mình trách nhiệm nặng nề đối với sự nghiệp cách mạng chung của cả nước đã giao phó và ủy thác. Với sự chi viện to lớn của bộ đội chủ lực miền và lực lượng vũ trang Quân khu 6, quân và dân hai tỉnh đã tiêu diệt 27.000 tên địch, diệt gọn 5 tiểu đoàn, 22 đại đội, 53 trung đội, bắt hơn 1.000 tù binh, phá hủy 707 xe quân sự các loại, bắn rơi và phá hủy 127 máy bay, thu hơn 1.500 súng các loại; thu và phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của địch, góp phần cùng cả nước hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, hoàn thành tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả nước tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
 
Thắng lợi trong sự nghiệp kháng chiến cứu nước mà nhân dân các dân tộc tỉnh Lâm Đồng đạt được, bắt nguồn trước hết từ đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam; nghệ thuật lãnh đạo, chỉ đạo tài giỏi của Trung ương Đảng, của liên khu ủy 5, khu ủy 6, Ban cán sự Cực Nam; sự chi viện, giúp đỡ to lớn về sức người, sức của từ hậu phương lớn miền Bắc, của tình đoàn kết chung lòng, đồng cam cộng khổ của Đảng bộ, quân và dân các tỉnh Cực Nam Trung bộ và Tây Nguyên anh em. Chiến thắng ấy một lần nữa khẳng định lòng trung thành vô hạn, ý chí quyết tâm cách mạng, năng lực sáng tạo phong phú, tinh thần phấn đấu hi sinh bền bỉ và ý chí tự lực, tự cường của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Chúng ta không thể nào quên những năm tháng kháng chiến đầy gian khổ và ác liệt đã có hàng nghìn người con ưu tú ở mọi miền đất nước cùng bám trụ, sống và chiến đấu trên mảnh đất Lâm Đồng yêu thương; trong đó nhiều người đã anh dũng hi sinh hoặc đã để lại một phần xương máu của mình trên mảnh đất Nam Tây Nguyên này. Những hi sinh cao cả của các lớp cha anh đi trước đã, đang và sẽ là tấm gương cho thế hệ hôm nay và mai sau noi theo.
 
Với những thành tích mà quân và nhân dân tỉnh Lâm Đồng đạt được trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng và Nhà nước đã tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang” cho tỉnh Lâm Đồng, 25 đơn vị và 12 cá nhân. Tặng các Huân chương cao quý: 1 Huân chương Sao vàng, 2 Huân chương Hồ Chí Minh, 10 Huân chương thành đồng, 3 Huân chương Quân công; có trên 12.000 Huân chương các gia đình có công với cách mạng; 120 bà Mẹ Việt Nam anh hùng. 
 
Sau ngày giải phóng, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã vượt qua nhiều gian nan thử thách, ra sức khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh, vừa phải thường xuyên nâng cao cảnh giác trước những âm mưu, hành động phá hoại của các thế lực thù địch, vừa phải tập trung phát triển kinh tế - xã hội. Chặng đường 10 năm đầu sau giải phóng (1975-1985) vừa thoát khỏi cuộc kháng chiến lâu dài và gian khổ, nền kinh tế của tỉnh nghèo nàn, lạc hậu, thiếu thốn về cơ sở vật chất, kỹ thuật, 3/4 lao động thất nghiệp; tình hình chính trị và trật tự an toàn xã hội phức tạp, rối ren; lực lượng cán bộ, đảng viên rất mỏng, chưa có kinh nghiệm, năng lực và trình độ lãnh đạo xây dựng kinh tế, quản lý xã hội còn hạn chế. Trong bối cảnh đó, Đảng bộ Lâm Đồng đã lãnh đạo nhân dân không ngừng phát huy truyền thống cách mạng, tự lực tự cường, nhanh chóng thiết lập, xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng; khắc phục hậu quả chiến tranh, đấu tranh trấn áp các tổ chức phản động cách mạng và lực lượng FULRO; từng bước ổn định đời sống nhân dân.
 
Qua gần 30 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, tỉnh Lâm Đồng đã phát huy được năng lực sản xuất của các thành phần kinh tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao, quy mô, chất lượng được nâng lên, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, phát triển công nghiệp, dịch vụ; hình thành được các vùng chuyên canh cây công nghiệp dài ngày, rau, hoa, gắn với các cơ sở công nghiệp chế biến; chú trọng phát triển các khu công nghiệp, các trung tâm du lịch - dịch vụ, đưa du lịch thành nền kinh tế động lực của tỉnh; đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng trọng tâm là giao thông, thủy lợi, trường học, bệnh viện, trạm y tế... Các đô thị được đầu tư chỉnh trang, nâng cấp ngày càng khang trang, sạch đẹp; phong trào xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, đời sống nhân dân không ngừng được nâng lên, kể cả vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng chiến khu xưa. Tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững tạo điều kiện cho phát triển kinh tế, xã hội. Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị được coi trọng và đạt nhiều kết quả quan trọng. Bộ máy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở không ngừng được củng cố, tăng cường; năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành được nâng lên. Việc thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị “Về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, đảng viên. Khối đại đoàn kết dân tộc không ngừng được củng cố, tăng cường; dân chủ xã hội, quyền làm chủ của nhân dân được phát huy; niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự nghiệp đổi mới và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội được giữ vững.
 
Tự hào, phấn khởi với những thành tựu đã đạt được trong 40 năm qua, cũng là lúc chúng ta nghiêm túc kiểm điểm những khuyết điểm, yếu kém để tìm cách khắc phục và tiếp tục vững bước tiến lên trong thời gian tới, đó là: Nền kinh tế phát triển chưa thật bền vững, chất lượng tăng trưởng, hiệu quả chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp - dịch vụ còn chậm; nông nghiệp là thế mạnh nhưng thị trường tiêu thụ không ổn định, sức cạnh tranh của một số sản phẩm còn thấp; hoạt động của các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, thiết bị công nghệ chậm đổi mới; công nghiệp chế biến chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn; du lịch là thế mạnh nhưng chưa phát huy có hiệu quả, sản phẩm đơn điệu, trùng lắp, hạn chế sức thu hút khách; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là giao thông còn khó khăn... Sự phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học - công nghệ còn có sự chênh lệch giữa thành thị với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; xóa đói giảm nghèo chưa thật bền vững, đời sống của một bộ phận nhân dân, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số tuy có được cải thiện nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Tình hình quốc phòng, an ninh về cơ bản giữ được ổn định nhưng vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố gây mất ổn định. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên ở một số nơi còn hạn chế. Tình trạng suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, tệ tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực trong xã hội chậm được khắc phục đang làm ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ. Những khuyết điểm, yếu kém là điều không ai mong muốn và cũng là điều khó tránh khỏi trong quá trình đổi mới, phát triển, nhưng chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận sự thật đó và có biện pháp khắc phục để tiếp tục phát triển đi lên. 
 
Kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng Đà Lạt - Lâm Đồng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc là dịp chúng ta ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc, nhìn lại chặng đường phấn đấu xây dựng và phát triển đất nước nói chung, tỉnh Lâm Đồng nói riêng; nhận thức sâu sắc hơn những kết quả đạt được cũng như những hạn chế, khó khăn để từ đó tăng thêm niềm tin, ý chí quyết tâm trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quê hương Lâm Đồng giàu mạnh.
 
VĂN NHÂN