Năm nay, cả nước nói chung, các tỉnh, thành phố miền Nam nói riêng tập trung tổ chức kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng quê hương, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đây là dịp chúng ta ôn lại truyền thống cách mạng anh hùng, những bài học kinh nghiệm quý báu trong đấu tranh cách mạng để tiếp tục phát huy trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước hiện nay.
Năm nay, cả nước nói chung, các tỉnh, thành phố miền Nam nói riêng tập trung tổ chức kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng quê hương, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đây là dịp chúng ta ôn lại truyền thống cách mạng anh hùng, những bài học kinh nghiệm quý báu trong đấu tranh cách mạng để tiếp tục phát huy trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước hiện nay. Đồng thời nhắc nhở chúng ta khắc cốt ghi tâm về những đau thương mất mát mà nhân dân Việt Nam đã phải gánh chịu trong cuộc chiến tranh cứu nước lâu dài nhất, ác liệt và phức tạp nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc; từ đó càng nâng niu, trân trọng giá trị của hòa bình. Kỷ niệm Ngày chiến thắng 30 tháng 4 trước hết là niềm phấn khởi, tự hào, nhưng đồng thời cũng đặt ra bao điều suy ngẫm, trong đó có câu chuyện về hòa hợp dân tộc.
40 năm đã trôi qua kể từ ngày 30/4/1975, nhưng câu chuyện hòa hợp dân tộc vẫn còn day dứt trong tâm thức của không ít người, thậm chí có lúc, có nơi còn nặng nề, gay gắt và đầy định kiến. Hiện nay, có khoảng hơn 4 triệu người Việt Nam định cư ở hơn 100 quốc gia trên thế giới, nhiều nhất là Mỹ 1,8 triệu. Số người đi ra nước ngoài với nhiều hoàn cảnh, lý do khác nhau, có người di tản năm 1975, có người do đoàn tụ gia đình, có người đi học, đi lao động… Trong số những người đang sống ở nước ngoài không phải tất cả đều liên quan và đặt ra vấn đề hòa giải, hòa hợp dân tộc, mà chủ yếu chỉ có một số những người di tản liên quan đến chế độ cũ mà thôi.
Thực ra câu chuyện hòa hợp dân tộc không phải bây giờ mới được đề cập mà ngay từ trước năm 1975, Đảng và Nhà nước ta đã đặt vấn đề lớn nhất sau chiến tranh cần phải làm, đó là hòa hợp dân tộc và sau 1975 chúng ta đã tích cực thực hiện. Đến năm 2004, Bộ Chính trị khóa IX đã có Nghị quyết 36 về Việt Kiều, trong đó xác định: Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài cần thể hiện đầy đủ truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc. Xóa bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử do quá khứ hay thành phần giai cấp; xây dựng tinh thần cởi mở, tôn trọng, thông cảm, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai. Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước. Đảng và Nhà nước mong muốn, khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài đoàn kết đùm bọc, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, giữ mối quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương…
Thực hiện quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chính sách đúng đắn, Luật Quốc tịch năm 2008 đã tạo điều kiện cho phép công dân Việt Nam có thể mang hai quốc tịch, Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 Luật nhà ở và Điều 121 Luật đất đai cho phép mở rộng đối tượng người Việt Nam ở nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, miễn thị thực cho kiều bào cư trú trong nước 3 tháng, bước đầu xây dựng chính sách, biện pháp thu hút chuyên gia, trí thức kiều bào trở về đóng góp cho đất nước... Và trên thực tế, Việt Kiều đã có nhiều đóng góp cho quê hương đất nước, lượng kiều hối gửi về nước không ngừng tăng lên; nhiều trí thức kiều bào về nước tham gia công tác giảng dạy, nghiên cứu, trao đổi với trong nước; góp phần giữ gìn, truyền bá bản sắc văn hóa Việt Nam ở nước ngoài…
Rõ ràng quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước ta về hòa hợp dân tộc với người Việt Nam ở nước ngoài là hết sức đúng đắn, cởi mở và đầy thiện chí, không có điều gì phải nghi ngờ và thực tế đã chứng minh một cách thuyết phục. Tuy nhiên, cứ đến dịp cả nước kỷ niệm ngày chiến thắng 30 tháng 4 thì trên nhiều trang mạng, đài phát thanh tiếng Việt cực đoan ở nước ngoài lại cứ rêu rao, gào lên giọng điệu chính quyền Việt Nam thiếu thiện chí trong vấn đề hòa hợp dân tộc, phân biệt đối xử với người Việt ở nước ngoài; họ thường xuyên tìm cách chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, vu cáo, bôi nhọ Việt Nam, lăng nhục, thóa mạ chế độ, thậm chí xúc phạm cả lãnh tụ Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta,… Thực ra không có gì khó hiểu, bởi đó là ý đồ đen tối của một bộ phận người Việt Nam ở nước ngoài mà chủ yếu là những người di tản sau chiến tranh, có nhiều liên can đến chế độ cũ; những người bị tập trung cải tạo sau chiến tranh rồi ra đi theo chương trình nhân đạo; những kẻ cơ hội, bất mãn, phản bội Tổ quốc. Không ai khác mà chính họ đã nuôi lòng hận thù, cố chấp không muốn thực hiện việc hòa giải, hòa hợp dân tộc; không muốn “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai” và do đó cứ vào dịp 30/4 họ lại tổ chức “ngày quốc hận”, họ lập hàng trăm tổ chức để tìm cách phá hoại đất nước, ngăn cản tiến trình mở rộng quan hệ của nước ta với các nước có tham gia chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Thiết nghĩ, vấn đề quan trọng nhất của hòa giải, hòa hợp dân tộc như Đảng ta đã chỉ ra là xóa bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử do quá khứ hay thành phần giai cấp; xây dựng tinh thần cởi mở, tôn trọng, thông cảm, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai… Hơn ai hết, những người Việt Nam sống ở nước ngoài chắc họ cũng đọc và hiểu lịch sử của đất nước họ đang sống. Ở đó, người ta cũng phải trải qua những cuộc chiến tranh khốc liệt để thống nhất đất nước, nhưng họ đã bỏ qua quá khứ để hòa hợp cùng nhau xây dựng đất nước. Thử hỏi tại sao người Việt mình vốn có truyền thống yêu nước, đoàn kết dân tộc lại không làm được như thế, mà vẫn nuôi mãi lòng thù hận, tìm cách chống phá, không chịu hòa hợp.
Trong giai đoạn cách mạng mới, tình hình thế giới, khu vực và trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, các thế lực thù địch vẫn chưa từ bỏ âm mưu chống phá cách mạng nước ta với những thủ đoạn vô cùng thâm độc và xảo quyệt; chúng tiếp tục đẩy mạnh chiến lược “Diễn biến hòa bình”, “Bạo loạn lật đổ” nhằm thực hiện âm mưu xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, xóa bỏ chế độ XHCN ở nước ta. Để làm thất bại âm mưu của kẻ thù, mỗi người Việt Nam trong nước cũng như ngoài nước phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc và thực hiện đúng quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng nhau thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”, phấn đấu xây dựng đất nước theo mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Hàng năm, chúng ta lấy ngày kỷ niệm chiến thắng 30 tháng 4 thực sự trở thành ngày hội thống nhất non sông, ngày chiến thắng của cả dân tộc; là dịp để củng cố và phát huy mạnh hơn nữa tinh thần hòa hợp, ý chí đoàn kết, thống nhất của mọi người Việt Nam không chỉ trong nước mà cả ngoài nước, không phân biệt quá khứ, vượt lên những khác biệt về dân tộc, tôn giáo, hoàn cảnh, chính kiến để chung lòng, dốc sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
BAN BIÊN TẬP