Khái niệm Đảng cầm quyền vốn được sử dụng đầu tiên ở các nước phương Tây có nhiều đảng chính trị, dùng để chỉ đảng giành được đa số ghế trong nghị viện. Các đảng chỉ giành được một số ghế nhất định trong nghị viện, phải liên minh với đảng khác thành liên minh cầm quyền, là đảng chấp chính; đảng chỉ giành được một số ghế ít ỏi trong nghị viện là đảng tham chính; các đảng còn lại là đảng đối lập.
Khái niệm Đảng cầm quyền vốn được sử dụng đầu tiên ở các nước phương Tây có nhiều đảng chính trị, dùng để chỉ đảng giành được đa số ghế trong nghị viện. Các đảng chỉ giành được một số ghế nhất định trong nghị viện, phải liên minh với đảng khác thành liên minh cầm quyền, là đảng chấp chính; đảng chỉ giành được một số ghế ít ỏi trong nghị viện là đảng tham chính; các đảng còn lại là đảng đối lập. Trước đây, Lênin cũng đã dùng khái niệm đảng cầm quyền để chỉ giai đoạn đảng lãnh đạo khi đã có chính quyền. Nói một cách khác, “Đảng cầm quyền” là một thuật ngữ dùng để chỉ một đảng chính trị đang nắm giữ quyền lực nhà nước một cách công khai, chính thức và lãnh đạo chính quyền nhằm thực hiện mục tiêu của mình.
Ở nước ta, khái niệm này được hiểu theo hai nghĩa: Trước hết nói rõ tư cách của Đảng là Đảng cầm quyền, hơn nữa ở nước ta là Đảng duy nhất cầm quyền. Mặt khác, chỉ giai đoạn mới trong sự phát triển của Đảng - Đảng đã có chính quyền. Đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, sử dụng khái niệm “Đảng cầm quyền” là để chỉ Đảng khi đã giành được chính quyền; cũng có nghĩa là Đảng lãnh đạo khi đã có chính quyền, thông qua chính quyền và các đoàn thể nhân dân. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã sử dụng các thuật ngữ để nói về sự cầm quyền của Đảng như: Đảng giành được chính quyền, Đảng nắm chính quyền, Đảng lãnh đạo chính quyền, Đảng cầm quyền. Trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển 2011) và một số văn kiện của Đảng khẳng định: Đảng ta là Đảng cầm quyền. Điều lệ Đảng được Đại hội XI của Đảng thông qua cũng khẳng định: “Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền”.
Như vậy, nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng khi đã giành được chính quyền khác rất nhiều so với khi chưa có chính quyền. Trước khi có chính quyền, phương thức lãnh đạo của Đảng chủ yếu là các tổ chức đảng và đảng viên trực tiếp tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương đến các hội, đoàn thể quần chúng “cốt cán”, thậm chí đến từng người dân; từ đó tổ chức nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng. Quan hệ của Đảng với nhân dân là quan hệ máu thịt; mọi sự xa rời nhân dân đều có thể dẫn đến tổn thất cho cách mạng, cho sinh mệnh của ngay bản thân tổ chức đảng và đảng viên. Trong điều kiện chưa có chính quyền, trong Đảng chưa có điều kiện để phát sinh, phát triển các tệ nạn như quan liêu, mệnh lệnh…
Khi đã có chính quyền thì chính quyền là công cụ mạnh mẽ, sắc bén nhất để đưa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng vào cuộc sống, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với toàn xã hội. Trong phương thức cầm quyền, ngoài cách thức tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục nhân dân, Đảng lãnh đạo chính quyền (Nhà nước) thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng thành Hiến pháp, pháp luật, kế hoạch… và tổ chức nhân dân thực hiện. Thực chất của Đảng cầm quyền là: Đảng lãnh đạo chính quyền và thông qua chính quyền để nhân dân làm chủ Nhà nước, làm chủ xã hội.
Tuy nhiên, trong điều kiện Đảng đã có chính quyền, Lênin đã cảnh báo nguy cơ: sai lầm về đường lối, quan liêu, xa rời quần chúng và kiêu ngạo cộng sản. Ở Việt Nam, ngay sau khi giành được chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã cảnh báo nguy cơ sai lầm về đường lối và suy thoái của cán bộ đảng viên. Người yêu cầu cần phải chiến thắng ba thứ giặc nội xâm là tham ô, lãng phí, quan liêu, nếu không sẽ làm đổ vỡ cả sự nghiệp của một Đảng cầm quyền. Khẳng định Đảng ta là Đảng cầm quyền để xác định rõ vai trò, trách nhiệm của Đảng trong thời kỳ này trước nhân dân, đất nước, dân tộc. Theo đó, Đảng phải có năng lực lãnh đạo, tổ chức thực hiện đường lối của Đảng; các cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, giữ gìn phẩm chất đạo đức trong sạch, không lợi dụng chức quyền để vụ lợi. Không phải ngẫu nhiên, trong Di chúc, liền ngay sau câu khẳng định “Đảng ta là một Đảng cầm quyền”, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Trong quá trình cầm quyền của Đảng Cộng sản, việc tồn tại một đảng hay nhiều đảng ở mỗi nước do những điều kiện lịch sử - cụ thể quy định, không có khuôn mẫu chung cho tất cả các nước, cũng như chung cho mọi giai đoạn, mọi thời kỳ trong phạm vi một nước. Ở Việt Nam, từ những năm 40 đến những năm 90 của thế kỷ XX, cùng với Đảng Cộng sản Việt Nam, còn có hai đảng là Đảng Dân chủ Việt Nam (ra đời ngày 30/6/1944 và tự giải tán vào ngày 20/10/1988) và Đảng Xã hội Việt Nam (ra đời 22/7/1946 và tự giải tán tròn 42 năm sau đó, ngày 22/7/1988) đều thừa nhận sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, cùng dân tộc Việt Nam tranh đấu vì một nước Việt Nam độc lập, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Từ tháng 11 năm 1988 đến nay, trên chính trường Việt Nam chỉ còn lại duy nhất một đảng là Đảng Cộng sản Việt Nam. Ở Cu Ba, Lào cũng chỉ có một đảng cầm quyền. Ở Trung Quốc, ngoài Đảng Cộng sản là đảng cầm quyền, còn có tám đảng phái dân chủ khác, nhưng vẫn chấp nhận sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, vv…
Với 85 tuổi đời, 70 năm cầm quyền liên tục, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có những cống hiến to lớn đối với đất nước, dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã làm nên những kỳ tích trong thế kỷ XX mà đỉnh cao là Cách mạng Tháng Tám 1945, lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam); thắng lợi của các cuộc kháng chiến oanh liệt để giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, đánh thắng chủ nghĩa thực dân cũ và mới, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thực hiện thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội; thắng lợi của công cuộc đổi mới.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng từ khi giành được chính quyền đến nay, từ những bài học xương máu về sự đổ vỡ của các Đảng Cộng sản và công nhân ở các nước trên thế giới, Đảng Cộng sản Việt Nam đã kịp thời rút ra những bài học kinh nghiệm cho mình. Là một Đảng duy nhất cầm quyền, Đảng có nhiều thuận lợi cơ bản, nhưng cũng có những nguy cơ tiềm ẩn cực kỳ nguy hại cần đề phòng như Đảng đã nêu ra từ Đại hội VII của Đảng (1994) đến nay vẫn còn mang tính thời sự. Gần đây, toàn Đảng tiến hành cuộc vận động xây dựng chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI). Trong chỉ đạo, Đảng nhấn mạnh việc đấu tranh chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; tệ tham nhũng, lãng phí, quan liêu, xa dân. Từ kinh nghiệm thành công cũng như có lúc thiếu sót trong 85 năm lãnh đạo nhân dân ta qua các giai đoạn cách mạng, soi vào những nhược điểm trong lãnh đạo, cầm quyền của Đảng hiện nay để khẳng định: Chỉ có khắc phục được những yếu kém, Đảng mới làm tròn vai trò lãnh đạo, cầm quyền, xứng đáng với vị trí cao nhất mà đất nước và xã hội trao cho. Suy cho cùng, vấn đề chủ yếu đối với Đảng Cộng sản cầm quyền là cầm quyền một cách khoa học, dân chủ và theo pháp luật trên cơ sở giữ vững sự trong sạch của các tổ chức Đảng, của cán bộ đảng viên và quan hệ máu thịt với nhân dân.
Trở lại chủ đề của bài viết, xin cùng nhau nhớ lại lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.
Khuất Minh Phương