(LĐ online) - Khu 6 hay vùng cực Nam Trung Bộ được hình thành từ những năm đầu kháng chiến chống Mỹ. Tháng 5/1961, theo Quyết định của Bộ Chính trị từ liên tỉnh 3 gồm các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đăk Lăk, Tuyên Đức thuộc Liên khu 5 tách ra thành lập Khu 6, Văn phòng Khu ủy cũng ra đời từ đây. Khu 6 hình thành lúc đầu cán bộ ít nên chỉ tập trung vào Văn phòng khu.
(LĐ online) - Khu 6 hay vùng cực Nam Trung Bộ được hình thành từ những năm đầu kháng chiến chống Mỹ. Tháng 5/1961, theo Quyết định của Bộ Chính trị từ liên tỉnh 3 gồm các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đăk Lăk, Tuyên Đức thuộc Liên khu 5 tách ra thành lập Khu 6, Văn phòng Khu ủy cũng ra đời từ đây. Khu 6 hình thành lúc đầu cán bộ ít nên chỉ tập trung vào Văn phòng khu. Nhiệm vụ lúc bấy giờ là lãnh, chỉ đạo tập trung củng cố xây dựng lực lượng giữ vững vùng căn cứ, giữ vững địa bàn chiến lược nhằm nối thông hành lang Bắc Nam. Do đó cơ quan Khu ủy, Quân khu ủy 6 đứng chân ở vùng Bắc sông Krông nô thuộc Đăk Lăk (B3). Trong buổi khó khăn ban đầu ấy, cán bộ, nhân viên chiến sỹ Văn phòng Khu dù ít người nhưng phải đảm bảo các nhiệm vụ thu thập và tổng hợp kịp thời thông tin để tham mưu cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Khu uỷ; Đồng thời phải lo công tác hậu cần cho mọi hoạt động ăn ở đi lại và bảo vệ tuyệt đối an toàn cho các đồng chí lãnh đạo Khu uỷ, trong điều kiện phải tự túc, tự cấp là chính. Theo lịch sử Đảng bộ Khu 6, vùng cực Nam Trung Bộ này trong kháng chiến chống Pháp một số nơi phong trào còn yếu, ta chưa có cơ sở vững chắc. Do đó chúng ta rất khó khăn trong mọi mặt công tác, nhất là công tác hậu cần, có lúc cán bộ chiến sỹ của các lực lượng phải dùng bột Xà bu, trái Gấm thay cơm, lá bép, môn dóc, măng rừng làm chất độn và làm canh hàng tháng trời, đồng thời phải thường xuyên chuyển dời cơ quan lánh tránh địch lùng sục đánh phá. Tình hình đó đặt ra nhiều thử thách nghiêm trọng, di chuyển hay trụ lại ở vùng căn cứ này. Đồng chí Trần Lê – Bí thư Khu uỷ đã phải động viên tư tưởng “Trong lịch sử từ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đến bây giờ, biết bao nhiêu đồng chí đã hy sinh và ta đã mất bao nhiêu công sức mới giành được địa bàn chiến lược quan trọng này, nay đang xây dựng thành căn cứ chiến lược theo ý đồ của cấp trên, nếu ta bật đi nơi khác để địch chiếm lại thì biết bao giờ ta mới giành được và nhiệm vụ đến lúc nào mới hoàn thành. Cho nên ta phải kiên quyết đứng lại đánh địch bảo vệ căn cứ hành lang”. Và Thường vụ Khu uỷ quyết định trụ lại đánh địch, giữ vững vùng căn cứ B3 này.
Tháng 10/1963, theo yêu cầu nhiệm vụ chung của toàn miền Nam để phù hợp với công tác lãnh, chỉ đạo chung, Bộ Chính trị quyết định điều chỉnh lại địa bàn Khu 6. Hai tỉnh Khánh Hoà và Đăk Lăk giao về lại Khu 5, Khu 6 tiếp nhận 2 tỉnh Phước Long và Lâm Đồng từ Khu 10 giao qua. Từ đây cơ quan Khu 6 và quân khu uỷ phải chuyển địa bàn đứng chân từ B3 phía Bắc sông KRông nô về vùng Cát Tiên giáp Lâm Đồng, Phước Long. Một cuộc hành trình dài ngày, trải qua nhiều khó khăn, gian khổ, công tác hậu cần của cơ quan Văn phòng vô cùng phức tạp, phải lo đảm bảo đi lại cho lãnh đạo và cả cơ quan, xác định vị trí, địa điểm nơi đóng quân mới cho các cơ quan.
Cuộc kháng chiến ngày càng ác liệt, cuối những năm 1965 đầu năm 1966 đế quốc Mỹ chuyển từ Chiến tranh Đặc biệt sang Chiến tranh Cục bộ - Mỹ trực tiếp nhảy vào cuộc chiến ở miền Nam và leo thang ra đánh phá miền Bắc. Để đối phó với tình hình mới sát với thực tế chiến trường, Trung ương Cục miền Nam quyết định điều chỉnh lại địa bàn Khu 6 lần 2, lần điều chỉnh này Khu 6 giao lại 2 tỉnh Phước Long và Quảng Đức để cùng với tỉnh Bình Long hình thành khu đệm của Trung ương Cục ®. Khu 6 còn lại các tỉnh Lâm Đồng, Tuyên Đức, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Tuy. Nhiệm vụ tập trung là đẩy mạnh phát triển phong trào cách mạng về vùng đồng bằng và đô thị, giữ vững hành lang thông suốt từ Tây Nguyên về R (TW cục). Tháng 11/1966 các cơ quan Khu uỷ và Quân khu uỷ chuyển dời từ vùng căn cứ Cát Tiên về vùng căn cứ Bình Thuận giáp Lâm Đồng, cuộc hành trình này diễn ra vào cuối mùa mưa, đầu mùa khô năm 1966 - 1967. Công tác hậu cần của văn phòng phải đảm bảo việc vận chuyển toàn cơ quan vượt sông nước từ Cát Tiên đến giáp đường 20 và vượt đường về Bình Thuận. Các cơ quan về đến Bình Thuận chưa kịp ổn định đã phải đối phó với chiến dịch 2 gọng kìm: Tìm diệt và Bình định của Mỹ, nguỵ mùa khô 1966-1967. Tình hình thực tế lúc này đã thay đổi lớn, Mỹ trực tiếp nhảy vào kéo theo các loại trang thiết bị quân sự hiện đại, đặc biệt là chiến thuật trực thăng vận. Do đó khái niệm căn cứ rừng núi chỉ có ý nghĩa tạm thời vì không nơi nào là địch không đến bằng trực thăng đổ quân kèm theo phi pháo kể cả B52 và rải chất độc hoá học, các cơ quan phải liên tục di chuyển và đánh địch để bảo vệ. Công tác của cơ quan Văn phòng Khu càng thêm phức tạp, phải tăng cường công tác tham mưu theo yêu cầu mới của lãnh đạo vừa phải đảm bảo công tác hậu cần mọi mặt. Anh chị em ở bộ phận Hành chính quản trị và đội vận tải của Văn phòng phải vượt qua mưa bom, bão đạn, có lúc phải bám đánh địch mở đường đưa lương thực hàng hoá từ đồng bằng về phục vụ cơ quan. Qua đợt càn mùa khô 1966-1967 địch đã gây cho ta tổn thất, một số đồng chí ở các cơ quan hy sinh. Bước sang mùa khô 1967-1968 tình hình diễn ra càng ác liệt hơn, địch tăng cường trực thăng vận đổ quân càn quét, tăng cường đánh phá bằng phi pháo, rải thảm chất độc hoá học dày đặc và sâu rộng hơn. Theo báo cáo tổng kết chiến tranh trên địa bàn Khu 6 lúc bấy giờ lực lượng địch nhiều hơn ta gấp 5 lần: địch có 33.025 tên có các đơn vị khét tiếng như “Tia chớp nhiệt đới, Kị binh bay, Sư đoàn Bạch Mã nam Triều Tiên.v.v…” chưa kể phi pháo và B52, trong khi ta chỉ có 6.174 người bao gồm cả lực lượng quân khu, tỉnh, huyện. Trong mùa khô này, cơ quan Văn phòng trải qua hơn 40 ngày lánh tránh không còn củ mì, hạt gạo đặc biệt là không có muối, cuộc sống lúc này bằng rau tàu bay nấu với ớt nuốt cho nhanh để đỡ ngán.
Vừa chấm dứt cuộc càn quy mô lớn của địch, cơ quan bung ra lo giải quyết cái ăn và chống lạc muối kéo dài, đồng thời phải lo chuẩn bị các điều kiện để phục vụ cho Hội nghị của Khu uỷ triển khai chủ trương Tổng tiến công mùa Xuân 1968. Tuy cuộc càn quy mô lớn của địch đã rút, nhưng những cuộc càn nhỏ, biệt kích thám báo, kết hợp với phi pháo vẫn thường xuyên, do đó Khu uỷ vừa họp vừa di chuyển lánh tránh địch. Cuộc di chuyển này thật “ngoạn mục”, ban ngày các đồng chí lãnh đạo Khu uỷ họp, ban đêm hành quân di chuyển cơ quan đi nơi khác, cuộc họp kéo dài trên đường từ các vùng căn cứ Nam Bình Thuận ra đến các vùng căn cứ Bắc Bình Thuận. Công tác phục vụ hậu cần của cơ quan Văn phòng cho cuộc họp này cũng thật năng động. Có bộ phận lo công tác trinh sát dẫn đường xác định địa điểm cơ quan dừng chân để hội họp, có bộ phận lo đào hầm, hào dã chiến để cho các đồng chí lãnh đạo trú ẩn và lo bàn ghế tạm phục vụ ăn nghỉ cho cuộc họp; một bộ phận khác lo công tác vận tải lương thực, thực phẩm và mọi vật dụng khác phục vụ hội nghị. Riêng bộ phận tham mưu ngày đêm lo công tác thông tin, tổng hợp để phục vụ kịp thời cho công tác lãnh, chỉ đạo, nhất là chuẩn bị bước vào tổng tiến công 1968, thông tin dồn dập nhưng chủ yếu là qua điện đài cơ yếu, anh chị em lại phải 24/24 giờ vừa làm việc vừa di chuyển. Mùa khô ở vùng rừng núi Bắc Bình Thuận này nước để sinh hoạt là vấn đề khó khăn nhất, trên đường hành quân có lúc phải giành với chim chóc, thú rừng từng vũng nước mưa đen nghòm còn đọng lại để nấu ăn, uống. Trong hoàn cảnh như vậy nhưng những cán bộ, chiến sỹ Văn phòng vẫn luôn tràn đầy lạc quan, không khí vui nhộn luôn thể hiện ở mọi người. Đôi khi ai đó kể vài câu chuyện hài trêu chọc và tiếu lâm làm cho tiếng cười khúc khích nổi lên trong đêm hành quân, lãnh đạo lại phải luôn nhắc nhở giữ gìn bí mật. Bước vào đợt Tổng tấn công Xuân 1968 cơ quan chia làm 2 bộ phận, một bộ phận tiền phương gọn nhẹ bám sát lãnh đạo để phục vụ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các đồng chí Thường vụ Khu uỷ. Một bộ phận tập trung xuống đồng bằng tranh thủ thời cơ ta tấn công vào các sào huyệt của địch, vận chuyển lương thực, thực phẩm để bảo đảm dự phòng lâu dài. Trong đợt thi đua này, hơn 20 ngày đêm vận chuyển lương thực từ Hồng Sơn dưới đường quốc lộ 1 về căn cứ trên núi rừng Hàm Phú Bình Thuận. Hơn 20 ngày đêm đó giấc ngủ của anh chị em tham gia vận tải chỉ gắn liền với bòng gạo trên lưng chân cứ bước, mắt cứ nhắm, người sau bám người trước, vừa ngủ vừa đi, không ít người vấp té máu me mặc kệ, có người đổ máu cam như bị thương vẫn cứ đi. Ấy vậy nhưng phải thi đua với các chiến sỹ đánh vào Phát Thiết, Ma Lâm, mỗi người nâng lên từng cân gạo qua mỗi chuyến đi. Sau những ngày ta tập kích, địch hoàn hồn bung ra đánh phá khá quyết liệt, công tác vận tải gặp rất nhiều khó khăn, ban đêm địch dùng trực thăng thả đèn sáng rực trên các tuyến đường ta hay qua lại kể cả vùng rừng Hàm Phú, những lúc này đoàn vận tải phải phân tán chui vào các bụi lùm để lánh tránh. Điều đáng sợ ở xứ này là những bụi lùm đó toàn là dây Mắt mèo, ai đã “hưởng thụ” cái ngứa khi dính phải lông Mắt mèo mới thấm thía cái gãi cào thấu cả “trời xanh”. Dù khó khăn ác liệt là vậy nhưng công tác vận tải vẫn phải bám trụ để vận chuyển lương thực hàng hoá lúc xa, lúc gần. Cuộc hành trình đó đã có nhiều đồng chí ở các cơ quan kinh tài dân y hy sinh do trực thăng, tàu gáo đánh chụp, ở cơ quan Văn phòng Khu uỷ, đồng chí Lê Hoàng Á, người chỉ huy lãnh đạo đội tải là cánh tay phải của cơ quan bị thương nặng.
Sau đợt Tổng tấn công Xuân 1968, cơ quan Văn phòng Khu uỷ lúc tập trung, lúc phân tán ra nhiều bộ phận và liên tục di chuyển ra vào từ Nam Bình Thuận ra Bắc Bình Thuận, công tác tham mưu và hậu cần càng thêm khó khăn. Tuy nhiên cơ quan Văn phòng vẫn bảo đảm phục vụ kịp thời cho công tác lãnh, chỉ đạo của Thường vụ Khu uỷ. Ngoài ra cơ quan Văn phòng cũng tham gia tích cực theo chỉ đạo của trên là tăng cường cán bộ chiến sỹ tham gia vào các chiến dịch giải phóng Phước Long, chiến dịch Tổng tấn công Xuân 1968, chiến dịch TK-chờm lên 1972-1973… Phần lớn số cán bộ chiến sỹ ra phía trước đã hy sinh, số còn lại đều trưởng thành và tất cả đều giữ vững khí tiết cách mạng. Đồng thời cơ quan Văn phòng cũng đóng góp tích cực cho đoàn vận tải H50 vận tải vũ khí từ đường hành lang thống nhất về Khu.
Văn phòng Khu 6 được hình thành gắn liền với Khu uỷ Khu 6 từ năm 1961, trải qua 15 năm (1961-1976) cơ quan Văn phòng Khu uỷ có thể tự hào đã hoàn thành xuất sắc 2 nhiệm vụ lớn là công tác tham mưu và hậu cần. Trong suốt thời kỳ 15 năm ấy, dù khó khăn gian khổ vô vàn nhưng công tác tham mưu cho lãnh đạo không có sai sót đáng kể nào xảy ra. Công tác hậu cần vẫn luôn đảm bảo trong mọi tình huống, không chỉ lo ăn ở, đi lại, các phương tiện làm việc cho cơ quan mà công tác bảo vệ cơ quan, bảo vệ lãnh đạo cũng luôn được an toàn.
MINH XUYẾN