Chủ tịch Hồ Chí Minh "Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất"

10:05, 11/05/2015

Với lòng tự hào và biết ơn vô hạn, năm nay Đảng, Nhà nước và nhân dân ta tổ chức kỷ niệm lần thứ 125 Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2015), người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, lãnh tụ kính yêu của giai cấp công nhân và của cả dân tộc Việt Nam,

[links()]Với lòng tự hào và biết ơn vô hạn, năm nay Đảng, Nhà nước và nhân dân ta tổ chức kỷ niệm lần thứ 125 Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2015), người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, lãnh tụ kính yêu của giai cấp công nhân và của cả dân tộc Việt Nam, người sáng lập Ðảng Cộng sản Việt Nam, sáng lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam, khai sinh ra Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, người Cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân ta, chiến sĩ lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, phong trào giải phóng dân tộc, người Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất Việt Nam. Người đã cống hiến trọn cả cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, mang lại cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Tư tưởng của Người là ánh sáng soi đường cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong cuộc giải phóng dân tộc trước đây; sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay. Cuộc đời và sự nghiệp cao đẹp của Người mãi mãi là niềm tự hào, được các thế hệ người Việt Nam tôn kính, ngưỡng mộ, học tập và làm theo.
 
I. NGUYỄN ÁI QUỐC - BÔN BA TÌM ĐƯỜNG CỨU NƯỚC
 
Cách đây 120 năm, ngày 19/5/1890, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước, tại làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An - nơi có truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường, bất khuất. Hoàn cảnh xã hội và sự giáo dục của gia đình đã ảnh hưởng sâu sắc đến Hồ Chủ tịch ngay từ thời niên thiếu. Tuổi thơ của Người đã chứng kiến bao cảnh nước mất nhà tan, nhân dân đau khổ, lầm than dưới nhiều tầng áp bức, bóc lột của thực dân, phong kiến; nhiều phong trào yêu nước nổ ra đã bị thực dân Pháp thẳng tay đàn áp, dìm trong biển máu. Chính điều đó đã hun đúc trong tâm hồn Bác một tinh thần yêu nước nồng nàn, lòng thương dân sâu sắc và sự ý thức về món nợ nước thù nhà luôn khắc sâu trong tâm trí của Người. 
 
Trước bối cảnh đó, ngày 5/6/1911, tại bến cảng Nhà Rồng, với hai bàn tay trắng, chàng thanh niên 21 tuổi - Nguyễn Tất Thành đã quyết định ra đi tìm đường cứu nước. Một mình lênh đênh trên biển cả, Người đã đi đến nước Pháp và nhiều nước Châu Âu, Châu Á, Châu Phi, Châu Mỹ, hòa mình vào cuộc sống của những người công nhân và người dân thuộc địa, làm nhiều nghề để sống, học tập và nghiên cứu các học thuyết cách mạng; tham gia cuộc vận động của nhân dân nhiều nước, đồng thời không ngừng đấu tranh cho độc lập, tự do của dân tộc mình. Đến giữa năm 1917, Người trở lại nước Pháp. Đầu năm 1919, Nguyễn Tất Thành tham gia Đảng Xã hội Pháp. Tháng 6/1919, thay mặt những người Việt Nam yêu nước,  Người gửi bản yêu sách gồm 8 điểm (ký tên Nguyễn Ái Quốc) tới hội nghị các nước đế quốc họp ở Véc Xây (Pháp) đòi thừa nhận các quyền tự do, dân chủ và quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam. 
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người Việt Nam đầu tiên ủng hộ Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại và đã bắt gặp “Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin” (tháng 7/1920); tìm thấy ở chủ nghĩa Mác - Lênin con đường cứu nước, con đường giải phóng giai cấp công nhân và nhân dân thuộc địa và Người đã vui mừng thốt lên: “Hỡi đồng bào bị đọa đày, đau khổ, đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”. Tại Đại hội Đảng Xã hội Pháp tháng 12/1920, Nguyễn Ái Quốc bỏ phiếu tán thành Quốc tế III và tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp, trở thành người cộng sản đầu tiên của Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đến với chủ nghĩa Mác-Lênin như một cuộc “hẹn hò lịch sử”, của một con người mang sẵn trong mình chủ nghĩa yêu nước chân chính đến với chủ nghĩa quốc tế vô sản cách mạng và khoa học. Từ đây, bằng nhiều con đường, Người đã ra sức truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, chuẩn bị kỹ lưỡng về chính trị, tư tưởng và tổ chức để đi đến thành lập chính đảng của giai cấp vô sản Việt Nam. Năm 1924, Người tham dự Đại hội V của Quốc tế Cộng sản và được chỉ định là Ủy viên Thường trực Bộ Phương Đông, trực tiếp phục trách Cục Phương Nam. Năm 1925, Người thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Quảng Châu (Trung Quốc) và tổ chức “Cộng sản Đoàn” làm nòng cốt cho Hội, đào tạo cán bộ cộng sản để lãnh đạo Hội và truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam. 
 
Trong những năm bôn ba ở nước ngoài để tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phải trải qua biết bao thăng trầm, chịu cảnh cô đơn, đói rét, bị sự săn đuổi của kẻ thù, bị tòa án thực dân xử tử hình, 10 lần thoát khỏi lưu đày và máy chém, thậm chí có lúc còn bị tổ chức Quốc tế Cộng sản hiểu nhầm… Tất cả đều không làm chùn bước ý chí và quyết tâm cứu nước, cứu dân của Bác.        
 
VĂN NHÂN
(CÒN NỮA)