Chủ tịch Hồ Chí Minh "Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất" (tiếp theo)

08:05, 13/05/2015

Năm 1929, nhiều tổ chức cộng sản đã ra đời ở Việt Nam: Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Để đoàn kết những người cộng sản trong nước, từ ngày 3/2 đến ngày 7/2/1930, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc với uy tín của mình đã chủ trì hội nghị ở bán đảo Cửu Long, Hương Cảng, Trung Quốc, thống nhất 3 tổ chức cộng sản ở Việt Nam thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. 

[links()] II. CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH LÃNH ĐẠO CÁCH MẠNG VIỆT NAM ĐI TỪ THẮNG LỢI NÀY ĐẾN THẮNG LỢI KHÁC
 
Năm 1929, nhiều tổ chức cộng sản đã ra đời ở Việt Nam: Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Để đoàn kết những người cộng sản trong nước, từ ngày 3/2 đến ngày 7/2/1930, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc với uy tín của mình đã chủ trì hội nghị ở bán đảo Cửu Long, Hương Cảng, Trung Quốc, thống nhất 3 tổ chức cộng sản ở Việt Nam thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam do giai cấp công nhân lãnh đạo; chấm dứt thời kỳ khủng hoảng về đường lối chính trị, tạo cơ sở vững chắc cho việc tập hợp lực lượng và đoàn kết, thống nhất toàn dân tộc; là sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước; là kết quả của quá trình lựa chọn, sàng lọc nghiêm khắc của lịch sử. Sự ra đời của Đảng gắn liền với tên tuổi của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.
 
Trong thời gian từ 1930-1940, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục hoạt động ở nước ngoài, tham gia công tác của Quốc tế cộng sản; đồng thời theo dõi, chỉ đạo sát phong trào cách mạng trong nước và có những chỉ thị quý báu cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta. Trong 10 năm này, Người thường xuyên đi lại Liên Xô, Trung Quốc, từng bị địch bắt giam tại Hồng Kông. Đến cuối năm 1923 được trả tự do, sau đó Người đến Liên Xô học tại trường Quốc tế Lênin. Năm 1938, Người trở về Trung Quốc cho đến năm 1940.
 
Sau 30 năm bôn ba nhiều nước trên thế giới, năm 1941, Người trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, triệu tập Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, xác định đường lối đấu tranh giải phóng dân tộc trong giai đoạn mới, thành lập Việt Nam độc lập đồng minh Hội (gọi tắt là Việt minh), tổ chức lực lượng vũ trang giải phóng, xây dựng và thực hiện chính sách căn cứ địa cách mạng; lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa từng phần, tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc bản “Tuyên ngôn độc lập” tuyên bố với quốc dân đồng bào và thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng Tự do, Độc lập và sự thật đã trở thành một nước Tự do, Độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền Tự do, Độc lập ấy”, từ đây nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời; năm 1946 tổ chức Tổng tuyển cử tự do trong cả nước, bầu Quốc hội và thông qua Hiến pháp dân chủ đầu tiên của Việt Nam. Quốc hội khóa I (1946) đã bầu Hồ Chí Minh làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từ đó trở đi, với cương vị là Chủ tịch nước, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bác Hồ đã cùng với Ban Chấp hành Trung ương lãnh đạo nhân dân ta tiến hành 30 năm kháng chiến trường kỳ đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ, làm sụp đổ chủ nghĩa thực dân kiểu cũ và kiểu mới để bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc. 
 
Giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đang giành được những thắng lợi to lớn, thì vào hồi 9 giờ 47 phút ngày 2 tháng 9 nǎm 1969, trái tim Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ngừng đập, để lại nỗi tiếc thương vô hạn cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta và bạn bè quốc tế. Trong Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đọc tại Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Bí thư thứ nhất Lê Duẩn khẳng định: “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch - Người anh hùng dân tộc vĩ đại. Và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta...”. Với những cống hiến xuất sắc cho dân tộc và nhân loại tiến bộ, năm 1990, nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã công nhận Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất Việt Nam. Nghị quyết của UNESCO đã khẳng định: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là một biểu tượng kiệt xuất về quyết tâm của cả một dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội... Sự đóng góp quan trọng về nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật là kết tinh truyền thống văn hóa hàng nghìn năm của nhân dân Việt Nam và những tư tưởng của Người là hiện thân khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc dân tộc mình và tiêu biểu cho việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau”.
 
VĂN NHÂN
(còn nữa)