Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã xác định 3 khâu đột phá chiến lược: (1) Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa...; (2) Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao...; (3) Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại...
Trong thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo, việc xác định và thực hiện khâu đột phá chiến lược có tầm quan trọng đặc biệt, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, xã hội. Nếu như việc xác định khâu động lực chủ yếu là tìm các khâu, các ngành kinh tế mà khi phát triển có khả năng thúc đẩy, kéo theo sự phát triển của các ngành và toàn bộ nền kinh tế xã hội, thì việc xác định khâu đột phá lại chủ yếu là tìm các khâu yếu nhất, là những “điểm nghẽn”, những “điểm huyệt” cản trở sự phát triển và nếu giải quyết tốt các khâu này sẽ tạo xung lực mới có sức lan tỏa mạnh, giải phóng mọi tiềm năng, khai thác có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển nhanh và bền vững của nền kinh tế.
Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã xác định 3 khâu đột phá chiến lược: (1) Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa...; (2) Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao...; (3) Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại...
Quán triệt và cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng vào tình hình thực tế của địa phương, Đại hội đại biểu Đảng bộ Lâm Đồng lần thứ IX đã xác định và tổ chức thực hiện 5 khâu đột phá. Xuất phát từ thực tiễn tổ chức thực hiện 5 khâu đột phá vừa qua, đối chiếu với yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh ta trong 5 năm tới (2015-2020), xin đề xuất xác định 4 khâu đột phá gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế nhằm phát triển bền vững.
1- Về đẩy mạnh cải cách hành chính: Vừa qua, tỉnh ta đã làm được nhiều việc và đã đạt được một số chuyển biến tiến bộ song nhìn chung cải cách hành chính còn chậm, thiếu đồng bộ; thủ tục hành chính vẫn còn phức tạp, phiền hà, đang là rào cản lớn đối với việc tạo lập môi trường xã hội, môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch, hiệu quả cho sự phát triển. Đặc biệt, năng lực quản lí, điều hành của các cơ quan quản lí nhà nước còn nhiều hạn chế, yếu kém. Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tuy có bước chuyển biến tích cực song vẫn nằm trong nhóm các tỉnh có chỉ số trung bình và trung bình thấp (đứng thứ 31/63 tỉnh, thành phố về chỉ số PAPI và thứ 29 về PCI)... Do đó, trong giai đoạn 2015-2020, vẫn cần xác định cải cách hành chính là khâu đột phá đầu tiên, trong đó trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, tinh giản bộ máy, biên chế; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; xây dựng chính quyền điện tử và thành lập trung tâm dịch vụ hành chính công nhằm tạo lập môi trường cạnh tranh, bình đẳng; vừa khuyến khích làm giàu hợp pháp, khai thác các nguồn lực và tính năng động sáng tạo của các thành phần kinh tế, vừa khắc phục tình trạng làm giàu bất hợp pháp, tạo điều kiện để người nghèo vươn lên thoát nghèo, giảm chênh lệch giàu nghèo... Tỉnh cũng cần nghiên cứu và đề nghị Trung ương cho phép tỉnh được áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi để xây dựng, phát triển Đà Lạt và vùng phụ cận trở thành thành phố đặc thù trực thuộc Trung Ương.
2- Về phát triển nguồn nhân lực: Nguồn nhân lực được coi là đột phá, một mặt xuất phát từ vai trò đặc biệt to lớn của yếu tố này xét trong các mối quan hệ giữa nội lực và ngoại lực, giữa các yếu tố của tăng trưởng (lao động, vốn đầu tư, tài nguyên thiên nhiên, thiết bị, kỹ thuật - công nghệ...), mặt khác xuất phát từ thực trạng, đặc biệt là những hạn chế, bất cập về cơ cấu lao động, về tỷ lệ lao động đã qua đào tạo, về năng suất lao động... của tỉnh ta trong thời gian qua.
Để đột phá về nguồn nhân lực của tỉnh trong thời gian tới, một mặt phải toàn dụng nguồn lao động (giảm tỷ lệ thất nghiệp, giảm tỷ lệ thiếu việc làm...), chuyển dịch cơ cấu lao động (chuyển lao động nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ...); mặt khác, quan trọng hơn là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trọng tâm là nguồn nhân lực phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhân lực cho phát triển du lịch, nhân lực ngành giáo dục, y tế, nhân lực lãnh đạo, quản lí..., nhằm nâng cao năng suất lao động - yếu tố cơ bản để tăng hiệu quả, sức cạnh tranh của từng sản phẩm, từng doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế... Đột phá về nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có chất lượng cao cần gắn với đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục quốc dân. Cần phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng một số trường đại học chất lượng cao theo chương trình hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế. Đối với đào tạo nghề, cần phát triển mạnh về số lượng và cơ cấu theo yêu cầu của thị trường, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 70% vào năm 2020.
3- Nâng cao hiệu quả ứng dụng, chuyển giao và làm chủ KHCN gắn với tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Phát triển khoa học - công nghệ vừa là khâu đột phá, vừa là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Cần có cơ chế thúc đẩy đổi mới công nghệ theo hướng ứng dụng công nghệ mới, công nghệ hiện đại vào quản lí sản xuất, kinh doanh, nhất là ứng dụng công nghệ cao trong một số lĩnh vực như sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, thu hoạch, bảo quản nông sản, công nghiệp chế biến nông sản, dịch vụ du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái và hoạt động của các cơ quan quản lí nhà nước... Xây dựng một số trung tâm nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng công nghệ cao...
4- Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng: Việc lựa chọn là khâu đột phá xuất phát từ vai trò và thực trạng của hệ thống kết cấu hạ tầng. Kết cấu hạ tầng là nền móng, là “đường dẫn” cho việc phát triển, cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Mặc dù việc đầu tư cho kết cấu hạ tầng thời gian qua đã thu hút một lượng vốn đáng kể, nhưng còn thấp so với yêu cầu phát triển và nhìn chung vẫn còn nhiều yếu kém, vẫn là điểm nghẽn lớn đến sự phát triển kinh tế, xã hội. Sự yếu kém này làm giảm sức chống đỡ với thiên tai, chậm thời gian lưu thông hàng hóa, làm tăng chi phí, giảm hiệu quả và sức cạnh tranh, làm tăng chênh lệch mức sống giữa thành thị, nông thôn và giữa các vùng.
Bởi vậy, những năm tới đây, vấn đề xây dựng kết cấu hạ tầng vẫn cần xác định là khâu đột phá, tập trung cho các công trình động lực, tạo sức lan tỏa; trong đó chú ý hạ tầng giao thông đồng bộ, thông suốt giữa các vùng, huyện và giữa tỉnh ta với các tỉnh; hạ tầng thủy lợi đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp và ứng phó với biến đổi khí hậu; hạ tầng điện đảm bảo cung ứng đủ điện cho sản xuất và đời sống, hạ tầng thông tin cho hoạt động và quản lí xã hội...
Với tinh thần trên, việc lựa chọn bốn khâu đột phá: cải cách hành chính, phát triển nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ và xây dựng kết cấu hạ tầng chính là chìa khóa quan trọng để đẩy mạnh nền kinh tế xã hội của tỉnh phát triển nhanh và bền vững.
NGUYỄN VĂN MÃO
(Nguyên Hiệu Trưởng
Trường Chính trị tỉnh Lâm Ðồng)