Gắn bó với nhân dân

08:05, 07/05/2015

Năm 2015 tiếp nối những hoạt động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch 03-KH/TW của Ban Bí thư khóa XI. Chủ đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh hướng vào 3 nội dung lớn: về trung thực, trách nhiệm; về gắn bó với nhân dân; về đoàn kết, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. 

Năm 2015 tiếp nối những hoạt động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch 03-KH/TW của Ban Bí thư khóa XI. Chủ đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh hướng vào 3 nội dung lớn: về trung thực, trách nhiệm; về gắn bó với nhân dân; về đoàn kết, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. “Gắn bó với nhân dân” là một thuộc tính, phẩm chất, là yêu cầu quan trọng mà người cán bộ, đảng viên phải luôn toàn tâm, toàn ý ghi nhớ để thực hiện trong cuộc sống, công tác hằng ngày.
 
Trong bản Di chúc của Người, Bác đã đúc kết kinh nghiệm cách mạng của Đảng: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”. Bài học Đảng muốn có sức mạnh, chiến thắng mọi kẻ thù thì nhất thiết phải gắn bó với nhân dân được Bác Hồ rút ra rõ ràng không chỉ đúng và có giá trị suốt 85 năm lãnh đạo cách mạng của Đảng mà còn mãi mãi dẫn đường chỉ lối cho chúng ta đi tới những thắng lợi tương lai.
 
Có dân là có tất cả, mất dân là mất tất cả. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhấn mạnh: Đảng phải gần dân, tin dân, trọng dân, học dân để lãnh đạo dân. Để thật sự gắn bó với dân, giữ vững mối liên hệ giữa cán bộ, đảng viên và nhân dân, Người đặt ra 5 yêu cầu đối với cán bộ, đảng viên: 
 
1. Người cán bộ đảng viên muốn nâng cao ý thức trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, nhất thiết phải vừa thực hiện đạo đức công dân, vừa thực hiện đạo đức cách mạng của người cán bộ, nghĩa là biết: “Nhận rõ phải, trái. Giữ gìn lập trường. Tận trung với nước. Tận hiếu với dân. Mọi việc thành hay bại là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng hay là không”. Trung - Hiếu vốn là phẩm chất hàng đầu trong hệ thống phẩm chất của đạo đức Nho giáo và cũng là chuẩn mực giá trị tinh thần truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Nối dòng lịch sử, Hồ Chí Minh đã kế thừa những tinh hoa giá trị truyền thống và phát triển những giá trị tốt đẹp ấy lên một chất lượng mới có ý nghĩa xã hội to lớn. Người dạy: “Ngày xưa Trung là trung với Vua. Hiếu là hiếu với cha mẹ mình mà thôi”, còn ngày nay: “Trung là trung với Tổ quốc, Hiếu là hiếu với nhân dân”. “Lấy dân làm gốc”. Tự nguyện phát huy quyền dân làm người chủ. Với đạo đức Trung Hiếu cách mạng như vậy, người cán bộ, đảng viên nhất định sẽ được dân tin, dân phục, dân yêu. Do đó, mà người cán bộ, đảng viên làm tròn nhiệm vụ của mình. Đối với những chiến sĩ bộ đội và công an, Hồ Chí Minh yêu cầu phẩm chất đạo đức hàng đầu là: “Trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. 
 
Có thể thấy trọn đời Hồ Chí Minh đã tận trung với nước, tận hiếu với dân. Vì quyền lợi tối cao của đất nước, lợi ích hàng ngày của nhân dân mà Người lo lắng đêm ngày phấn đấu, vì sự giàu có, hạnh phúc với tiền đồ, vinh quang của đất nước và nhân dân mình.
 
2. Muốn phát huy sức mạnh của nhân dân nhằm thực hiện thắng lợi đường lối chính trị của Đảng thì đội ngũ cán bộ, đảng viên, những người lãnh đạo, giáo dục, hướng dẫn, tổ chức và tập hợp quần chúng phải thực sự tiền phong, gương mẫu và có uy tín cao trong nhân dân. Vì vậy, Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở cán bộ, đảng viên làm bất cứ việc gì từ nhỏ đến lớn, lúc thuận lợi cũng như lúc khó khăn, ở đâu cũng phải tự mình nêu gương trước nhân dân, “phải làm mực thước cho dân bắt chước”. Nói chuyện tại buổi lễ tốt nghiệp khóa 5, trường huấn luyện cán bộ Việt Nam, Người chỉ rõ: “Mình phải làm gương cho đồng bào, phải siêng năng, hăng hái. Tôi lấy thí dụ như trong việc cứu nạn đói, mình bảo người ta 10 ngày nhịn ăn một bữa mà chính đến ngày nhịn, mình lại cứ chén tỳ tỳ thì nghe sao được. Đáng lý dân nhịn một bữa mình nhịn hai bữa mới phải. Về việc khuyến nông cũng vậy, bảo người ta đào đất trồng ngô, trồng khoai mà lúc người ta làm mình lại ngủ thì sao được?””. 
 
 3. “Cần kiệm liêm chính” là một phẩm chất đạo đức gắn liền với các hoạt động hàng ngày của mọi người, đặc biệt đối với cán bộ, đảng viên có chức. Người xem đây là nguyên tắc, là phẩm chất cơ bản có liên quan mật thiết với các nhiệm vụ và công tác hoạt động cách mạng khác nhau và thiếu chúng thì khó dẫn đến thành công một cách trọn vẹn, triệt để. Người cho rằng: cán bộ, đảng viên có chức, có quyền cần phải luôn trau dồi và gương mẫu về đạo đức cách mạng, bởi: “Những người trong các công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hành. Nếu không giữ đúng cần, kiệm, liêm, chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân”. Cần, kiệm, liêm, chính  là những đức tính không thể thiếu được đối với mỗi con người, đối với cán bộ đảng viên như “bốn phương của đất, bốn mùa của trời. Thiếu một mùa thì không thành trời. Thiếu một phương thì không thành đất. Thiếu một đức thì không thành người”. Trên cơ sở đó, Hồ Chí Minh đã từng nhấn mạnh: “Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm, là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh tiến bộ”. Bằng những hành động, bằng những việc làm cụ thể, bằng những tấm gương cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư sẽ là cơ sở để người cán bộ thuyết phục, quy phục nhân dân, tổ chức tập hợp lực lượng quần chúng xung quanh mình để thực hiện tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ở tỉnh, địa phương mình. Sẽ là lý thuyết suông, giả dối khi cán bộ “nói một đường làm một nẻo”, nói những điều viển vông không sát thực tế, lời nói không đi đôi với việc làm. Thực hành tốt những lời dạy của Bác về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư là chúng ta đã góp phần làm giàu cho đất nước, làm tăng lòng tin của nhân dân vào Đảng và chính quyền. 
 
4. Mọi cán bộ, đảng viên dù ở cương vị công tác nào cũng phải thấy hết trách nhiệm của mình, không ngừng tự rèn luyện để nâng cao đạo đức cách mạng, khắc phục các thói tệ của chủ nghĩa cá nhân, giữ gìn thanh danh, uy tín của Đảng. Phải thấm nhuần sâu sắc và bền bỉ thực hiện lời dạy của Bác Hồ về giữ gìn đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân. Sinh thời Bác đã nhiều lần nhắc nhở: Chủ nghĩa cá nhân đẻ ra bệnh quan liêu, tham nhũng, hối lộ và hàng trăm bệnh khác làm suy yếu Đảng. Chính vì thế nên Bác thường xuyên căn dặn: “Vô luận trong hoàn cảnh nào, người đảng viên cũng phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết. Nếu khi nào lợi ích của Đảng và lợi ích của cá nhân mâu thuẫn với nhau, thì lợi ích của cá nhân phải tuyệt đối phục tùng lợi ích của Đảng”. 
 
5. Để thắt chặt mối quan hệ gắn bó giữa Đảng với dân, mỗi cán bộ, đảng viên phải liên hệ mật thiết với nhân dân, tôn trọng nhân dân và hướng dẫn, tổ chức nhân dân thành lực lượng, phong trào hành động cách mạng, từ đó phát triển kinh tế, văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân. Các tầng lớp nhân dân còn tham gia góp ý phê bình sự lãnh đạo của Đảng, phê bình cán bộ, đảng viên với mong muốn Đảng ta luôn trong sạch, vững mạnh để lãnh đạo sự nghiệp cách mạng đến thắng lợi cuối cùng. Nhân dân là người thầy nghiêm khắc và nhân ái, luôn luôn đòi hỏi cao ở cán bộ, đảng viên; đồng thời cũng sẵn lòng giúp đỡ cán bộ, đảng viên hoàn thành nhiệm vụ, phát huy ưu điểm, sửa chữa sai lầm, khuyết điểm trở nên tiến bộ. Chính vì thế, Người căn dặn: “Cán bộ đảng viên phải nâng cao tinh thần phụ trách trước Đảng và trước quần chúng, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Phải kính yêu nhân dân. Phải tôn trọng thật sự quyền làm chủ của nhân dân. Tuyệt đối không được “kiêu ngạo, công thần, tự cao, tự đại…”. 
 
Hiện nay, trong điều kiện mới, với quy mô, tầm vóc to lớn của cách mạng, với vai trò và trình độ ngày càng cao của nhân dân, với vị thế mới của mình, Đảng ta thêm nhiều thuận lợi để mở rộng và tăng cường mối liên hệ với nhân dân. Nhưng mặt khác, với tính chất và phương thức lãnh đạo mới, mối liên hệ gắn bó giữa Đảng và nhân dân cũng có những đòi hỏi cao hơn và đang đứng trước những khó khăn phức tạp. Ngoài những nỗ lực phấn đấu để vượt qua mọi khó khăn khách quan, Đảng phải cố gắng rất nhiều để khắc phục những khuyết điểm chủ quan, như “lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng” theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. 
 
Để đổi mới công tác quần chúng của Đảng, củng cố và tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng và nhân dân thì hơn bao giờ hết mỗi cấp ủy, cán bộ, đảng viên, công chức phải thực hiện tốt chủ đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2015. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức phải có trách nhiệm với nhân dân, với Đảng, Chính phủ, thực hiện nói đi đôi với làm. Cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần đạo đức cách mạng, hăng hái xung phong thực hiện các nhiệm vụ, luôn đặt lợi ích của nhân dân lên trước; phải thực sự coi công tác xây dựng Đảng là then chốt và biết dựa vào dân để giải quyết tốt mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân.
 
NGUYỄN VĂN THANH