Khai mạc phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

11:05, 12/05/2015

Sáng 11-5, tại Hà Nội, Phiên họp thứ 38 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc với nhiều nội dung quan trọng chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIII. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì phiên họp.

Sáng 11-5, tại Hà Nội, Phiên họp thứ 38 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc với nhiều nội dung quan trọng chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIII. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì phiên họp.
 

Trong phiên làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo bổ sung của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2014; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2015.
 
Báo cáo do Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trình bày nêu rõ: Trước những diễn biến phức tạp của tình hình chính trị, kinh tế thế giới và những khó khăn của nền kinh tế trong nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự thống nhất cao của hệ thống chính trị, sự chỉ đạo điều hành tập trung, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự giám sát hiệu quả của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và toàn dân, tình hình kinh tế xã hội của đất nước đã có chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng.
 
Trong tổng số 14 chỉ tiêu kế hoạch Quốc hội giao, có 10 chỉ tiêu đạt cao hơn so với số ước thực hiện đã báo cáo Quốc hội, không có chỉ tiêu nào thấp hơn so với số đã báo cáo Quốc hội. So với kế hoạch năm 2014, có 13/14 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra. Chỉ có một chỉ tiêu không đạt kế hoạch là tỷ lệ lao động qua đào tạo.
 
Về tình hình giá cả, lạm phát, theo số liệu báo cáo, năm 2014, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 12- 2014 tăng 1,84% so với cùng kỳ năm trước; trung bình năm 2014 tăng 4,09% so với năm 2013, là mức tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.
 
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng, chỉ số giá tiêu dùng năm 2014 tăng thấp do giá thế giới giảm, đặc biệt là sự giảm mạnh của giá dầu thế giới đã tác động giảm giá xăng dầu trong nước; làm giảm giá các nhóm hàng khác...
 
Phát biểu ý kiến khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng: Năm 2015 là năm cuối của kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội trong 5 năm qua. Mặc dù đầu năm, kinh tế xã hội có những dấu hiệu tích cực, nhưng đến nay nhiệm vụ của chúng ta còn rất nặng nề. Hiện nay, nhịp độ hội nhập quốc tế đang sâu rộng, tới đây các hiệp định thương mại tự do giữa các nước với khu vực được mở ra, tình hình đối nội đối ngoại còn diễn biến phức tạp.
 
“Vì vậy, chúng ta phải xem xét một cách nghiêm túc để thấy được kết quả, thành quả song cũng phải thấy được tồn tại, yếu kém khó khăn, đòi hỏi những quyết tâm phải vượt qua”. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
 
Theo báo cáo của Chính phủ, trong năm 2014, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Việc triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế còn chậm, chất lượng, hiệu quả chưa cải thiện nhiều. Cân đối ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn, cơ cấu chi ngân sách chưa hợp lý. Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là về thị trường tiêu thụ và khả năng cạnh tranh...
 
Hôm nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về: Cáo cáo bổ sung của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2014; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2015; phương án phân bổ số vượt thu ngân sách Trung ương năm 2014; quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2013.
 
Tại phiên họp thứ 38 diễn ra trong bốn ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thảo luận, cho ý kiến về các Tờ trình, Đề án của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về các nội dung: Phê chuẩn bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn các đơn vị trong bộ máy làm việc của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; phê chuẩn danh sách thành viên Ủy ban kiểm sát của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; thành lập Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao; phê chuẩn danh sách Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; thành lập và giải thể Viện Kiểm sát quân sự quân khu và tương đương...
 
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về các tờ trình, Đề án của Tòa án nhân dân tối cao về các nội dung: Phê chuẩn quyết định tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị trong bộ máy giúp việc của Tòa án nhân dân tối cao; thành lập Tòa án nhân dân cấp cao, số lượng Tòa án nhân dân cấp cao và phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của mỗi Tòa án nhân dân cấp cao; danh sách Ủy viên Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia; quy chế hoạt động của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia; dự kiến nhân sự trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
 
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về các dự án luật: Bộ luật Dân sự (sửa đổi); Luật Trưng cầu ý dân; Luật Khí tượng thủy văn và dự thảo báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thú y... Bên cạnh đó, trong nội dung chương trình làm việc, Ủy ban sẽ xem xét báo cáo của Chính phủ về quy định tại Điều 60 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 về bảo hiểm xã hội một lần.
 
* Trong bốn tháng đầu năm 2015, có 28.235 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 162.500 tỷ đồng, tăng 7,9% về số doanh nghiệp và tăng 13,3% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Số vốn đăng ký trung bình trên một doanh nghiệp đạt 5,7 tỷ đồng, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2014. Có 6.316 doanh nghiệp trước gặp khó khăn, ngừng hoạt động, nay quay lại hoạt động, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2014.
 
(Theo Báo Nhân dân)