Bản lĩnh Nga

08:05, 10/05/2015

(LĐ online) - Tiếng Hura! Hura! Vang lên như sấm rền trên quảng trường đỏ, trên tháp chuông điện Kremli, vang xa đến tận hang cùng ngõ hẻm của Liên bang Xô Viết, trải dài trên lãnh thổ có nhiều múi giờ nhất trên thế giới, vượt qua Đại Tây Dương đến tận Wasinton, London, Paris, đến Vien, thủ đô cổ kính của nước Áo, đến nhân dân yêu chuộng hòa bình khắp thế giới…, đến sào huyệt của bọn phát xít tại Bá Linh.

(LĐ online) - Tiếng Hura! Hura! Vang lên như sấm rền trên quảng trường đỏ, trên tháp chuông điện Kremli, vang xa đến tận hang cùng ngõ hẻm của Liên bang Xô Viết, trải dài trên lãnh thổ có nhiều múi giờ nhất trên thế giới, vượt qua Đại Tây Dương đến tận Wasinton, London, Paris, đến Vien, thủ đô cổ kính của nước Áo, đến nhân dân yêu chuộng hòa bình khắp thế giới…, đến sào huyệt của bọn phát xít tại Bá Linh.
 
Tiếng hô thức tỉnh lương tri của nhân loại, hãy: “Đứng lên chặn bàn tay đẫm máu của bè lũ phát xít!”.
 
Hura! Hura! Tiếng hô vang của hàng vạn con người, của những chiến sĩ tình nguyện với tinh thần quyết chiến, thề bảo vệ Liên bang Xô Viết, bảo vệ thành quả Cách mạng Tháng Mười Nga, bảo vệ Mạc - Tư - Khoa thân yêu: “Chúng ta không thể lùi thêm một bước, vì sau lưng chúng ta là Mạc - Tư - Khoa” là lời hô từ trái tim của hàng vạn chiến sĩ Hồng quân Liên Xô từ quảng trường Lênin trước khi tiến ra mặt trận tiêu diệt quân thù.
 
Đó là vào những năm 40-41 của thế kỷ trước, lúc bấy giờ quân phát xít đã tiến sát Mạc –Tư – Khoa, có nơi chúng chỉ cách Mạc – Tư – Khoa khoảng 30km.
 
Lúc ấy tên trùm phát xít Hitle đã huyên hoang rằng, hắn sẽ đích thân đến Mạc – Tư – Khoa chỉ huy lễ duyệt binh mừng chiến thắng và còn ngạo mạng ban hành một mệnh lệnh độc ác:
 
“ Hãy vây chặt thành phố, không cho một lính Nga, một người dân Nga… đàn ông, đàn bà hay trẻ con… rời khỏi thành phố. Tiến hành những công tác chuẩn bị cần thiết để có thể dùng những công trình to lớn làm cho Mạc – Tư – Khoa và những vùng xung quanh chìm ngập trong biển nước. Phải làm cho vùng Mạc – Tư – Khoa hiện nay trở thành biển cả và cái biển đó phải chôn vùi vĩnh viển thủ đô của dân Nga, xóa bỏ nó trên bản đồ thế giới văn minh”.
 
Hitle cũng đã chuẩn bị cho Saint – Petersburg không kém hơn… Đối với thành phố khác, Hitle nói, phải hành động theo quy tắc: “Trước khi chiếm được các thành phố ấy, pháo binh và máy bay ném bom phải bắn phá để biến chúng thành những đống gạch vụn”   (theo sách Suy nghĩ và nhớ lại của Giu – cop, Nguyên soái Liên Xô trang 448 tập III, Nhà xuất bản QĐND Việt Nam ấn hành năm 1987).
 
Nhưng, một khi lòng tự tôn dân tộc bị xúc phạm, thành quả cách mạng bị đe dọa… thì lòng căm thù quân giặc sẽ trút lên đầu súng, không một sức mạnh nào có thể cản nổi. Nhân dân và quân đội Xô Viết đã đứng lên và đã đẩy lùi chúng ra khỏi bờ cõi bằng những trận đánh lẫy lừng, vang dội chiến công… đã đi vào lịch sử trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô, lưu dấu ấn trong lòng nhân dân tiến bộ và yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới. Trận đánh và giải phóng thành phố Stalingrad là một ví dụ điển hình. “Cuộc chiến đấu ở khu vực Stalingrad là vô cùng ác liệt. Thiệt hại của bọn phát xít ở bờ sông Đông, sông Volga và Stalingrad là gần 1,5 triệu quân, khoảng 3.500 xe tăng và pháo tấn công, 12.000 khẩu đại bác và cối, gần 3.000 máy bay và một lượng lớn khí tài quân sự…”.
 
Vì tổn thất cực kỳ to lớn đó khiến thống chế Paulus, người chỉ huy mặt trận của quân phát xít phải tuyên bố đầu hàng. (Sách “Suy nghĩ và nhớ lại”. Nguyên soái Liên Xô Giu – cốp trang 46- 47, tập III, Nhà xuất bản QĐND VN, in lần thứ 2, năm 1947)
 
… Hãy nghe tên sĩ quan trinh sát thuộc tập đoàn quân 6 của thống chế Paulus viết trong hồi ký của hắn về sự  rút lui của các đơn vị quân Đức khi bị Hồng quân tiến công, như sau: “Chúng tôi buộc phải bắt đầu rút lui trên toàn mặt trận. Nhưng rút lui đã biến thành tháo chạy… Đó đây lên cơn hốt hoảng. Đường chúng tôi đi đầy xác chết mà những cơn bão tuyết như rũ lòng từ thiện đã mau chóng phủ lên và chúng tôi đã rút lui không có lệnh nào cả, và hắn viết tiếp: “chạy thi với cái chết đang dễ dàng rượt đuổi theo chúng tôi, bao mạng người trong hàng ngũ của mình nằm chồng chất lên mãi. Tập đoàn quân bị ép chặt trong đường hầm của âm ty”. (Sách đã dẫn)
 
Còn tên trung tướng phát xít lại viết: “Thất bại ở Stalingrad đã gây khủng khiếp trong lòng nhân dân Đức và cả trong quân đội. Suốt lịch sử nước Đức chưa bao giờ có trường hợp ghê sợ, chết một số lượng lớn, chừng ấy bộ đội.” (Sách đã dẫn)
 
Thắng lợi của Hồng quân Liên Xô ở Stalingrad đánh dấu bước ngoặc cơ bản có lợi cho nhân dân Liên Xô và mở đầu việc quét sạch quân thù ra khỏi đất nước chúng ta (trang 47, sách đã dẫn). Kể từ thắng lợi cực kỳ to lớn ở trận Stalingrad, Hồng quân tiến thẳng về phía Tây, vượt qua hồ Ladoga băng giá, giải phóng thành phố Saint – Petersburg bị quân Đức bao vây trong suốt 832 ngày đêm, tiến lên giải phóng các nước Đông Âu và các nước vùng Bantíc (Sách Đại Nguyên soái Stalin của Vlađimia Karpob, Nhà xuất bản QĐND VN, 2004) và cuối cùng giải phóng thành phố Bá Linh, sào huyệt cuối cùng của bọn phát xít.
 
Khi lá cờ chiến thắng của Hồng quân tung bay trên nóc tòa nhà Quốc hội của đế chế phát xít cũng đồng thời kết thúc cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của quân đội và nhân dân Liên Xô. Bản lĩnh Nga và lòng quả cảm của Hồng quân Xô Viết đã cứu nhân loại thoát khỏi nạn diệt chủng man rợ do bọn phát xít gây ra.
 
Để có được thắng lợi ấy, nhân dân Liên Xô phải chịu hy sinh, mất mát to lớn: hơn 20 triệu người đã ngã xuống, 70 ngàn thành phố làng mạc bị phá trụi. Cả Liên Xô bị tổn thất gần 30% của cải vật chất và những thiệt hại khác…(Sách đã dẫn)
 
Năm 1967, nghĩa là sau hơn 21 năm kể từ năm 1945 của cuộc chiến tranh vệ quốc của nhân dân Liên Xô thắng lợi, tôi có dịp đến CHDC Đức, có dịp đi trên những nẻo đường mà hơn 21 năm trước Hồng quân Liên Xô đã hành quân, đi qua. Tôi đã đến trại giam tù binh Buchenwald trên đất Đức. Trại tập trung giam giữ gần 500.000 tù binh phần lớn là tù binh Liên Xô. Ở đó, hãy còn lưu giữ nhiều chứng cứ tội ác chiến tranh của bọn phát xít: lò thiêu người, bàn lột da người để làm chao đèn, ví da cho giới thượng lưu, hàng rào dây kẽm gai có điện cao áp… thật là một tội ác tột cùng. Tôi cũng có dịp đến lâu đài Posdam, nơi diễn ra lễ ký kết đầu hàng quân Đồng minh của Bộ Tổng chỉ huy quân phát xít Đức. Những chiếc ghế ngồi của Tổng Tư lệnh tối cao quân đội Liên Xô, Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Anh và Tổng thống Pháp vẫn còn hiện hữu như lịch sử đang nhắc nhở chúng ta điều gì đó.
 
Đi trên đất CHDC Đức lúc bấy giờ, đâu đâu cũng thấy rõ sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô, của tình hữu nghị anh em. Tôi thấy cần nêu lại mẫu đối thoại sau đây, giữa vị nguyên soái Liên Xô, Tư lệnh quân quàn thành phố Bá Linh, chỉ sau mấy ngày đầu được giải phóng. “Nguyên soái Giu – cốp đích thân đi tìm hiểu tình hình nhân dân Bá Linh sinh hoạt ra sao, sau mấy ngày đầu hòa bình được lập lại. Ông đến bên hàng người đang xếp hàng dài chờ được nhận bánh mì và súp do Hồng quân Liên Xô phân phát”.
 
Giu – cốp: Thưa bà! Bà thấy tình hình bây giờ thế nào? Có khó khăn lắm không?
 
- Thưa ngài! Nếu không có các ngài (quân đội Liên Xô) đến giải phóng, chúng tôi sẽ chết đói mất.
 
Bà quay lại đứa cháu gái đứng bên cạnh: Cháu cảm ơn các ông Liên Xô đi! (Sách đã dẫn)
 
Chúng ta nên biết rằng nhân dân Liên Xô lúc ấy cũng đang sống rất thiếu thốn, chật vật, khó khăn. Đấy! Người Nga – Liên Xô là thế đấy!
 
Thành phố Bá Linh được phục hồi nhanh chóng và hiện đại là do nhân dân và chính phủ Liên Xô hết lòng giúp đỡ.
 
Ở Bá Linh, thủ đô của nước CHDC Đức lúc bấy giờ có một bức tường lớn ghi lời nói bất hủ của vị thống soái Hồng quân Liên Xô bằng hai thứ tiếng: Nga và Đức: “Chủ nghĩa phát xít sẽ đi qua. Dân tộc Đức tồn tại mãi mãi”. Không biết ngày nay bức tường ấy có còn không? Nhưng, Vâng! Chủ nghĩa phát xít đã đi qua, nhưng không phải nó đã chết hẳn. Bọn phát xít mới đang manh nha ngóc đầu dậy, bọn khủng bố, chủ nghĩa dân tộc cực đoan đang gieo rắc đau thương, chết chóc đây đó trên thế giới. Chủ nghĩa đơn cực nước lớn đang mưu toan vẽ lại bản đồ địa chính trị toàn cầu.
 
Vì vậy, từ bài học chống chủ nghĩa phát xít của những năm 40 thế kỷ trước của nhân dân Liên Xô, nhân loại ngày nay hãy cảnh giác như lời Fu – xích đã viết dưới giá treo cổ: “Nhân loại, Người ơi! Hãy cảnh giác!”.
 
Ngày nay, có người cố tình hạ thấp vai trò và thành quả của Hồng quân Liên Xô trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại ở thế kỷ trước, nhưng sự thật, trước sau vẫn là sự thật, như lời Nguyên soái Liên Xô, Giu – cốp đã viết để kết thúc ba tập hồi ký: “Suy nghĩ và nhớ lại” của mình: “Người ta có thể xuyên tạc lịch sử, nhưng không thể làm lại lịch sử”.
 
“Ngọn gió lịch sử sẽ quét sạch thứ rác rưởi ấy đi”.
 
Tài liệu tham khảo:
 
 - “Nhớ lại và suy nghĩ”: Giu – cốp. Nguyên soái Liên Xô. Nhà xuất bản QĐND VN, ấn hành 7/1987.
 
- Đại Nguyên soái Stalin, Vladimia Karbob. Nhà xuất bản QĐND VN, ấn hành 2004)
Bộ tổng tham mưu Xô Viết trong chiến tranh. Đại Tướng X.Ste – men – cô quyển 1. Bản tiếng Việt NXB tiến bộ và QĐND in tại Liên Xô 1985.           
 
Nguyễn Tùng Châu