Đồng chí Nguyễn Trung Tín (bí danh: Kring, Minh Việt, Nam, Toàn, Chín), nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI, VII; nguyên Ủy viên Khu ủy Khu V; nguyên Phái viên của Đảng và Chính phủ tại miền Trung và Tây Nguyên;
Đồng chí Nguyễn Trung Tín (bí danh: Kring, Minh Việt, Nam, Toàn, Chín), nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI, VII; nguyên Ủy viên Khu ủy Khu V; nguyên Phái viên của Đảng và Chính phủ tại miền Trung và Tây Nguyên; nguyên Đại biểu Quốc hội khóa VI, VII; nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định; nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã từ trần hồi 6 giờ 35 phút ngày 1/5/2015 tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, thọ 92 tuổi.
|
Đồng chí Nguyễn Trung Tín (bìa trái) thăm ruộng lúa khu định canh định cư của bà con dân tộc huyện Đam Rông. Ảnh: P.Nhân chụp lại |
Với tình cảm và trách nhiệm, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Bình Định; Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp cùng gia đình tổ chức trọng thể lễ tang tại nhà riêng của đồng chí Nguyễn Trung Tín tại số 28, đường An Dương Vương, phường Nguyễn Văn Cừ, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Lễ viếng đồng chí Nguyễn Trung Tín từ ngày 1/5 đến 4/5; lễ truy điệu và đưa tang đã tổ chức ngày 4/5; an táng tại quê nhà, huyện Vĩnh Thạnh.
Đồng chí Nguyễn Văn Thiện, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Lễ tang đã đọc Lời điếu đánh giá công lao to lớn của đồng chí Nguyễn Trung Tín đối với Đảng bộ và nhân dân các dân tộc hai tỉnh Bình Định và Lâm Đồng, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với đồng chí Nguyễn Trung Tín, nguyện học tập và làm theo tấm gương của đồng chí, xây dựng Bình Định và Lâm Đồng ngày càng phát triển như mong muốn của đồng chí.
Về phía Lâm Đồng, các đồng chí Nguyễn Xuân Tiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Huỳnh Đức Hòa, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh cùng các đồng chí lãnh đạo của tỉnh đã đến viếng. Đồng chí Hoàng Sĩ Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; đồng chí Phạm S, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng với đoàn cán bộ nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy các khóa, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; nguyên lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể do đồng chí Nguyễn Hoài Bảo làm trưởng đoàn đã đến viếng, dự lễ truy điệu và tiễn đưa đồng chí Nguyễn Trung Tín về nơi an nghỉ cuối cùng.
Đồng chí Nguyễn Trung Tín sinh ngày 15/3/1924 tại xã Bình Quang (nay là xã Vĩnh Thịnh) huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định, một miền quê nằm ven bờ thượng nguồn sông Kôn, con sông dài nhất tỉnh Bình Định, bắt nguồn từ các dãy núi cao ngút ngàn vùng Kon Hà Nừng, K’Bang, An Lão, dài trên 170km chảy xuyên suốt từ Bắc đến Nam huyện Vĩnh Thạnh, nơi gắn liền với tuổi thơ của đồng chí, hôm nay lại đón nhận người con của quê hương “Ở LẠI VỚI DÒNG SÔNG”!
Là người được học hành có hệ thống, có kiến thức, đồng chí Nguyễn Trung Tín sớm giác ngộ và tham gia cách mạng ngày 25/8/1945, vào Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 19/5/1946. Từ tháng 8/1945 đến năm 1975, cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí gắn bó với cuộc chiến tranh đầy gian khổ, hy sinh, từ việc lãnh đạo cướp chính quyền xã, Bí thư chi bộ xã, phụ trách đoàn công tác Thượng Du Vận Đông Bắc An Khê, Gia Lai Kon Tum; Trưởng phòng Thượng Du tỉnh Bình Định, cán bộ nghiên cứu Thượng Du vận, Ủy ban Hành chính Trung - Trung Bộ, cán bộ nghiên cứu kinh tế Liên khu V; Phó Bí thư, Bí thư Huyện ủy Vĩnh Thạnh, Tỉnh ủy viên Bình Định, phụ trách miền Tây, Bí thư Ban Cán sự huyện Tuy Phước, Quy Nhơn, Ủy viên Ban Cán sự Khu V, Bí thư Ban Cán sự Khu V Bình Định. Năm 1964 đến năm 1965: Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, phụ trách Dân vận tỉnh Bình Định. Năm 1965 đến 1966: Phó Bí thư, phụ trách Chính trị viên Tỉnh Đội Bình Định. Tháng 5/1967 đến tháng 4/1968: Bí thư Tỉnh ủy Bình Định. Tháng 5/1968 đến tháng 5/1969: Phó Bí thư kiêm Bí thư Thị ủy Quy Nhơn tỉnh Bình Định. Năm 1970 đến 1971: Phó Bí Thư Tỉnh ủy Bình Định. Năm 1972 đến 1975: Khu ủy viên Khu V, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định. Từ tháng 11/1975 đến tháng 4/1977: Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghĩa Bình. Từ tháng 8/1977 đến tháng 8/1978: Học trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc Hà Nội.
Từ tháng 4/1979, đồng chí được Trung ương điều động đến công tác tại Lâm Đồng với cương vị Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh. Năm 1982, đồng chí nhận Quyền Bí thư Tỉnh ủy thay đồng chí Đỗ Quang Thắng về làm Bí thư Tỉnh ủy Nghĩa Bình. Từ cuối tháng 3/1983, Đại hội lần thứ III Đảng bộ tỉnh đã bầu đồng chí làm Bí thư Tỉnh ủy và tiếp tục được bầu lại làm Bí thư Tỉnh ủy tại Đại hội IV Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 1986-1990. Do yêu cầu công tác, cuối năm 1988 đầu năm 1989, đồng chí được điều động về làm Bí thư Tỉnh ủy Bình Định.
Với mười năm công tác ở Lâm Đồng, đồng chí Nguyễn Trung Tín đã đóng góp quan trọng góp phần làm ổn định đời sống của nhân dân trong tỉnh. Đời sống đồng bào dân tộc ở vùng định canh, định cư có kinh tế vườn được nâng lên rõ rệt. Nhu cầu ăn, mặc, đi lại, học hành, chữa bệnh của nhân dân được đáp ứng tốt hơn. Những ai từng sống ở Lâm Đồng thời kỳ 1979 mới thấy khó khăn lúc đó, nhất là khó khăn về lương thực cộng với sự hoạt động phá hoại của lực lượng phản động Fulro. Đó là những thử thách rất lớn đối với sự lãnh đạo của tỉnh lúc này.
Với tác phong giản dị, sâu sát thực tiễn, có tầm nhìn rộng và kinh nghiệm của nhiều năm làm lãnh đạo, đồng chí đã biết tranh thủ trí tuệ tập thể, có những quyết sách phù hợp mang lại hiệu quả thiết thực trên một vùng đất giàu tiềm năng. Có nhiều lần đồng chí tâm sự rằng: Mười năm ở Lâm Đồng đối với tôi cũng là thời gian gắn bó máu thịt, tôi càng thấm thía câu thơ thần diệu của nhà thơ tài hoa Chế Lan Viên: Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn.
Đồng chí phân tích: “Với tôi, còn hơn thế nữa. Thời gian ở Lâm Đồng đâu chỉ là “đất ở”! Lâm Đồng đã hóa tâm hồn từ khi tôi vừa đặt chân đến nơi này, huống gì mười năm qua, với biết bao sự đổi thay, Lâm Đồng chính là vùng đất mới tôi đã có rất nhiều trăn trở và nguyện với lòng mình dồn tâm lực, trí tuệ, nhiệt huyết, niềm say mê trong nhiệm vụ phụng sự nhân dân, phụng sự Đảng. Bởi thế, Lâm Đồng cũng là nơi gắn bó máu thịt của tôi - là quê hương thứ hai của tôi vậy”.
Nhắc tới đồng chí Nguyễn Trung Tín, những người cùng thời, cùng công tác, cộng sự hoặc giúp việc, đều có chung nhận xét về một chân dung của một vị lãnh đạo giàu trí tuệ, nhân văn. Mặc dù có những đóng góp to lớn, nhưng đồng chí không vơ vào cá nhân mình mà trân trọng đối với đồng đội. Thật đáng quý khi xem lại những dòng tâm sự trong Hồi ký: “Trong tôi luôn hiện lên những khuôn mặt thân thương của anh em, đồng chí đã sát cánh cùng nhau trong công việc như anh Huỳnh Minh Nhựt, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; anh Nguyễn Xuân Du, Chủ tịch UBND tỉnh; anh Nguyễn Duy Anh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy và các anh Chế Đặng, anh Trịnh Khiết, anh Nguyễn Xuân Khanh, anh Phạm Văn Kha… là những đồng chí lãnh đạo của tỉnh rất tâm huyết và xông xáo trong công tác. Anh em chân tình, giúp đỡ nhau, cùng nhau tháo gỡ khó khăn, qua các kỳ Đại hội II, Đại hội III và Đại hội IV của Tỉnh Đảng bộ. Chúng tôi đã đoàn kết và xây dựng hệ thống tổ chức Đảng của Lâm Đồng khá vững; cùng nhau lãnh đạo, đưa Lâm Đồng từng bước phát triển; kinh tế, văn hóa, xã hội ngày càng đi lên.
Bằng sự nhạy cảm trong ứng xử, đồng chí luôn bày tỏ sự trân trọng đối với đội ngũ trí thức, những văn nghệ sĩ, báo chí. Đồng chí nhẹ nhàng phê phán tư tưởng cục bộ địa phương và thẳng thắn nói: “Đây là tỉnh Lâm Đồng, nhân dân của mấy chục tỉnh trong cả nước đã quần tụ nơi này, giờ là của chung mọi người. Đồng chí nào hội đủ tiêu chuẩn về đạo đức, chuyên môn, năng lực công tác, chúng ta đề bạt lên những vị trí lãnh đạo phù hợp. Vì nhân dân Lâm Đồng, vì Đảng bộ Lâm Đồng chúng ta phục vụ, chứ không riêng địa phương nào…”.
Là một trong những cán bộ lãnh đạo tận tụy, gương mẫu và trong sáng, khi chia tay với Lâm Đồng về Bình Định thật nhẹ nhàng không vướng bận gì về tài sản, vật chất, có chăng là trong lòng nặng trĩu nỗi nhớ thương mảnh đất mà đồng chí đã gắn bó sâu đậm, bởi mối thâm tình của anh em đồng chí. Với đời thường, đồng chí Nguyễn Trung Tín là người con hiếu thảo với cha mẹ, dòng họ. Đồng chí vẫn nhớ như in lời dặn của người cha “khi nào có điều kiện, con nhớ tìm đất tổ họ mình, nằm ngoài đèo Ngang…”. Đấy là khi đồng chí 15 tuổi. Ấp ủ nguyện vọng đó, cuối cùng đã đạt được. Ngày 20 tháng 2 năm Bính Tuất, tức ngày 19/3/2006, vợ chồng đồng chí đã cùng con trai cả Nguyễn Trung Khanh (năm nay hơn 70 tuổi) đại diện cho họ tộc Nguyễn Trung ở Vĩnh Thạnh, Bình Định về Diễn Châu, Nghệ An dự giỗ tổ thượng Nguyễn Trung Mậu. Đúng như lời của nhà văn Ilia Eren bua: Lòng yêu nước bắt đầu từ lòng yêu những vật tầm thường nhất, yêu cái cây trồng trước cửa nhà, yêu con đường dẫn ra từ bờ sông, yêu mái tranh, yêu đồng lúa chín… Và, như nhà thơ Đỗ Trung Quân đã viết: Quê hương nếu ai không nhớ/ Sẽ không lớn nổi thành người.
Với công lao đóng góp, đồng chí được tặng thưởng:
Huân chương Độc lập hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất; Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng Nhất; Huân chương Thành đồng hạng Nhất; Huân chương Quyết thắng hạng Nhất; Huân chương Giải phóng hạng Nhất; Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng.
Xin vĩnh biệt và kính chúc đồng chí Nguyễn Trung Tín “Ở LẠI VỚI DÒNG SÔNG” và yên nghỉ trong lòng đất Mẹ! Nhớ mãi một nhà lãnh đạo đầy tâm huyết!
KHUẤT MINH PHƯƠNG