(LĐ online) - Hồ Chí Minh là nhà tư tưởng mácxít sáng tạo, đã vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào thực tiễn Việt Nam. Người đã có những cống hiến lớn về tư tưởng lý luận, làm phong phú chủ nghĩa Mác-Lênin.
(LĐ online) - Hồ Chí Minh là nhà tư tưởng mácxít sáng tạo, đã vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào thực tiễn Việt Nam. Người đã có những cống hiến lớn về tư tưởng lý luận, làm phong phú chủ nghĩa Mác-Lênin.
Tư tưởng Hồ Chí Minh thể hiện những luận điểm sáng tạo lớn: Là nhà yêu nước Việt Nam đầu tiên đến với chủ nghĩa Mác-Lênin và Cách mạng Tháng Mười Nga, tìm được con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc; là người dân thuộc địa và người cộng sản đầu tiên có cống hiến to lớn về nghiên cứu chủ nghĩa thực dân. Tư tưởng của Người thể hiện sự sáng tạo về cách mạng thuộc địa: cách mạng ở các nước thuộc địa có thể nổ ra thắng lợi trước cách mạng vô sản ở chính quốc và tác động trở lại thúc đẩy cách mạng chính quốc. Đối với cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh xác định: Từ cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, tiến dần lên chủ nghĩa xã hội không qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa… Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Người nêu ra cùng một lúc thực hiện hai chiến lược cách mạng ở hai miền Nam, Bắc và nêu cao tư tưởng thống nhất đất nước. Thực tế minh chứng: Bác và Đảng ta đã giải quyết thành công trong điều kiện một nước, một Đảng cùng một lúc thực hiện hai chiến lược cách mạng, vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc vừa đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước…
Tư tưởng Hồ Chí Minh không phải mới được quan tâm nghiên cứu trong thời gian gần đây mà từ thập niên 40 thế kỷ XX, các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng đã đề cập. Diễn văn khai mạc Đại hội II của Đảng (2-1951) từng nêu rõ: “Đường lối chính trị, nền nếp làm việc và đạo đức cách mạng của Đảng ta hiện nay là đường lối, tác phong và đạo đức cách mạng của Hồ Chủ tịch”… Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại… Tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta giành thắng lợi, là tài sản tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc ta”.
Nhận thức của Đảng về tư tưởng Hồ Chí Minh được nêu tại Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) tiếp tục được làm rõ: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi”.
Trong gần 30 năm qua, Đảng ta quyết tâm đổi mới, vì đó là đòi hỏi bức thiết của đất nước; là đặc tính của cách mạng, nhất là cách mạng xã hội chủ nghĩa; là bản chất sâu xa của chủ nghĩa Mác-Lênin vào hoàn cảnh nước ta; là xu thế tất yếu của thời đại. Chỉ có đổi mới mới thấy đúng và thấy hết sự thật, thấy những nhân tố mới để phát huy, những sai lầm để sửa chữa, nhằm vận dụng tốt chủ nghĩa Mác-Lênin vào hoàn cảnh đất nước.
Trong Dự thảo Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận – thực tiễn qua ba mươi năm đổi mới (1986 - 2016) của Bộ Chính trị tại Hội nghị lần thứ mười Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XI nhấn mạnh: Ba mươi năm đổi mới là một giai đoạn lịch sử quan trọng trong sự nghiệp phát triển của nước ta, đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Đổi mới mang tầm vóc và ý nghĩa cách mạng, là quá trình cải biến sâu sắc, toàn diện, triệt để, là sự nghiệp cách mạng to lớn của toàn Đảng, toàn dân vì “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Nhìn tổng thể, sau ba mươi năm đổi mới, đất nước ta đạt những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa… Những thành tựu đó tạo tiền đề quan trọng để nước ta tiếp tục phát triển trong những năm tới; khẳng định đường lối đổi mới của Đảng là đúng đắn, sáng tạo; con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử.
Để giành thành quả qua gần ba mươi năm đổi mới có nhiều nguyên nhân, trong đó việc vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh đóng vai trò chủ yếu.
Thứ nhất, là quan điểm kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Từ năm 1921, Hồ Chủ tịch đã viết: Chỉ có giải phóng giai cấp vô sản thì mới giải phóng được dân tộc; cả hai cuộc giải phóng này chỉ có thể là sự nghiệp của chủ nghĩa cộng sản và của cách mạng thế giới. Sau khi trở thành người cộng sản của một dân tộc thuộc địa, Bác nhận thức: “cách mạng giải phóng dân tộc là một bộ phận khăng khít của cách mạng vô sản trong phạm vi toàn thế giới; cách mạng giải phóng dân tộc phải phát triển thành cách mạng xã hội chủ nghĩa thì mới giành được thắng lợi hoàn toàn”. Với quan điểm giải phóng dân tộc bằng con đường cách mạng vô sản, Hồ Chí Minh đã đưa dân tộc ta vào đúng dòng chảy của thời đại, “chỉ có chủ nghĩa xã hội mới giải phóng các dân tộc một cách hoàn toàn và triệt để, chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới cứu nhân loại, đem lại cho mọi người, không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc, sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết ấm no trên quả đất, việc làm cho mọi người và vì mọi người, niềm vui, hòa bình, hạnh phúc”… Vận dụng tư tưởng của Hồ Chí Minh, trong quá trình lãnh đạo và trưởng thành, Đảng nêu kinh nghiệm đầu tiên là: “Phải giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong quá trình đổi mới… Đi lên chủ nghĩa xã hội là con đường tất yếu của nước ta… Đổi mới không phải là thay đổi mục tiêu xã hội chủ nghĩa mà làm cho mục tiêu ấy được thực hiện có kết quả bằng những quan niệm đúng đắn về chủ nghĩa xã hội, bằng những hình thức, bước đi và biện pháp thích hợp”.
Phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ mười Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (ngày 12-1-2015), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Phải nắm vững và khẳng định: Đổi mới chính trị không phải là làm thay đổi chế độ chính trị, thay đổi bản chất của Đảng ta, Nhà nước ta, mà là đổi mới cơ chế, chính sách, tổ chức bộ máy, kiện toàn nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đổi mới phương thức công tác, lề lối làm việc, cải cách hành chính, chống tệ tham nhũng, lãng phí, quan liêu gây phiền hà cho dân, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia”… Từ Đại hội VII đến Đại hội XI, bài học hàng đầu Đảng tổng kết là: “Kiên định mục tiêu độc lập và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”.
Thứ hai, là Đảng ta vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đường lối nhân dân. Hồ Chí Minh đưa ra quan niệm về “đường lối nhân dân” ngay từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 nhưng tinh thần đó thấm sâu vào hoạt động của Người từ những năm 20 của thế kỷ XX cho đến cuối đời. Trên thực tế, qua nghiên cứu hai cuộc cách mạng tư sản Mỹ và Pháp, điều mà Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm là tính chất nhà nước, nhà nước đó có phải là nhà nước của dân không? Đây là điểm mấu chốt trong quá trình hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng một nhà nước thực sự của dân khi nước nhà giành được độc lập. Cũng có thể nói rằng, đây là tiêu điểm để nhìn nhận về tính chất của một nhà nước, để đánh giá nhà nước đó có tiến bộ không. Khảo cứu cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga năm 1917, Bác Hồ khẳng định: “Trong thế giới này chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật, không phải tự do và bình đẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An Nam”… Với thực tế hoạt động mấy chục năm trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, Hồ Chí Minh đã quyết định lựa chọn kiểu Nhà nước theo học thuyết Mác-Lênin. Bác là người viết và nói về nhân dân nhiều nhất, hay nhất, sâu sắc nhất, cảm động nhất. Thấm nhuần quan điểm “Người chèo thuyền là dân, người lật thuyền cũng là dân”, Người từng khẳng định “Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong”... Từ Đại hội VI, Đảng khẳng định, trong mọi hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”. Từ Đại hội VIII trở đi, một trong những bài học trong đổi mới được Đảng khẳng định là vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò chủ động sáng tạo của nhân dân.
Thứ ba, là vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng văn hóa, giáo dục, xã hội, con người. Văn hoá là tinh hoa của dân tộc.Vì vậy, trước hết phải khẳng định bản sắc dân tộc và bản sắc văn hóa của cộng đồng dân tộc. Dân tộc nào cũng có một chiều sâu và cội rễ lịch sử - văn hóa nhất định. Nó được tiếp tục duy trì qua các thế hệ trở thành truyền thống hay các giá trị truyền thống. Văn hóa phải làm cho mọi người hiểu sâu sắc và đầy đủ những giá trị truyền thống, hay như cách nói của Bác là “vốn” của dân tộc, trên cơ sở đó khẳng định bản sắc dân tộc, huy động sức mạnh vĩ đại của các giá trị truyền thống hàng mấy mươi thế kỷ phục vụ cho sự nghiệp cách mạng và kháng chiến. Trong công tác giáo dục truyền thống, Hồ Chí Minh thường dặn: “Dân ta phải biết sử ta. Sử ta dạy cho ta những chuyện vẻ vang của tổ tiên ta. Dân ta là con Rồng cháu Tiên, có nhiều người tài giỏi đánh Bắc dẹp Nam, yêu dân trị nước tiếng để muôn đời”… Đối với Người, “Muốn cho xã hội đầu xuân/Nhân sĩ phải là chiến sĩ”. Văn hóa ở trong chính trị tức là văn hoá phải là “vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà”, “cây bút phục vụ chính nghĩa trong tay nhà văn chiến đấu có một lực lượng cực kỳ mạnh mẽ”… Cương lĩnh năm 1991 của Đảng ta nhấn mạnh: “Giáo dục và đào tạo gắn liền với sự nghiệp phát triển kinh tế, phát triển khoa học, kỹ thuật, xây dựng nền văn hóa mới và con người mới… Khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo phải được xem là quốc sách hàng đầu”. Từ Đại hội VIII, Đảng có nghị quyết về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Gần đây, Hội nghị lần thứ chín Ban chấp hành Trung ương khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW (ngày 9-6-2014) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Nghị quyết số 33-NQ/TW nhằm xây dựng văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hoá thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Thứ tư, là nguyên nhân vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng, công tác xây dựng Đảng và xây dựng Nhà nước. Nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng Cộng sản Việt Nam rất phong phú, là bước phát triển học thuyết Mác-Lênin về Đảng Cộng sản vào Việt Nam. Những quan điểm của Người là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của chúng ta. Mọi việc bắt đầu từ Đảng, đúng như Bác khẳng định: “Đảng ví như máy phát điện. Máy phát điện mạnh thì đèn sáng”. Trong Di chúc, Người căn dặn Đảng ta phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa nhằm không ngừng nâng cao đời sống nhân dân… Từ Đại hội VI, Đảng ta đã rút ra bài học kinh nghiệm “Phải xây dựng Đảng ngang tầm nhiệm vụ chính trị của một đảng cầm quyền”. Từ Đại hội VII trở đi, vấn đề xây dựng Đảng luôn được khẳng định. Đại hội VIII coi “xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt”. Đại hội IX nhấn mạnh: “Đường lối đúng đắn của Đảng là nhân tố quyết định thành công của sự nghiệp đổi mới”. Đại hội X: “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng”. Đại hội XI: “Đặc biệt chăm lo củng cố, xây dựng Đảng cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức”. Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011: “Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam”.
Nguyên nhân thứ năm là vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong các lĩnh vực đối ngoại, quốc phòng, an ninh. Đảng có cách tiếp cận nội dung, tính chất thời đại, khẳng định tính chất thời đại không thay đổi, loài người vẫn đang trong thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản đi lên chủ nghĩa xã hội. Các Nghị quyết của Đảng phản ánh những nhận thức mới về đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hoá quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, đối tác tin cậy và thân thiện, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh. Nhận thức của Đảng về mối quan hệ giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa: Phát huy sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững chủ quyền biển đảo, biên giới, vùng trời; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống mang tính toàn cầu, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh.
Qua 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và gần 30 năm đổi mới đất nước đã chứng minh “tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn nguyên giá trị thời đại”… Trong giai đoạn cách mạng mới, chúng ta phải nắm vững quan điểm thực tiễn, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giải quyết đúng đắn những vấn đề do thực tiễn cách mạng nước ta đặt ra hiện nay. Nắm vững và vận dụng tốt quan điểm thực tiễn, Hồ Chí Minh đã đề ra đường lối đúng đắn sáng tạo cho cách mạng Việt Nam, đưa lại nhiều thắng lợi cho cách mạng nước ta. Công cuộc đổi mới phải xuất phát từ nguyện vọng của nhân dân và thực tiễn của xã hội Việt Nam, tham khảo kinh nghiệm tốt của thế giới, phù hợp với xu thế của thời đại. Có thể nói rằng, nhận thức và hành động theo sự chỉ dẫn của tư tưởng Hồ Chí Minh là một trong những bí quyết thành công đối với sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam hiện nay.
Nguyễn Thanh Đạm