Tư tưởng Hồ Chí Minh về vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin và xây dựng Đảng

11:05, 19/05/2015

(LĐ online) - Quá trình 30 năm bôn ba khắp năm châu tìm đường cứu nước, trải qua hoạt động thực tiễn và lý luận, Hồ Chí Minh đã gặp và tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lênin, tìm thấy con đường giải phóng dân tộc. Người quyết định đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên vào năm 1920.

(LĐ online) - Quá trình 30 năm bôn ba khắp năm châu tìm đường cứu nước, trải qua hoạt động thực tiễn và lý luận, Hồ Chí Minh đã gặp và tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lênin, tìm thấy con đường giải phóng dân tộc. Người quyết định đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên vào năm 1920. Hồ Chí Minh trở thành người tìm đường, người mở đường và là người dẫn đường cho cách mạng Việt Nam. 
 
Từ năm 1948, trong cuốn “Hồ Chủ tịch, hình ảnh của dân tộc”, đồng chí Phạm Văn Đồng đã viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa kiệt xuất với những lời trân trọng: “Hồ Chủ tịch thu góp tất cả tinh hoa của dân tộc Việt Nam và tinh hoa của thế giới văn minh, của nhân loại tiến bộ ngày nay… Dân tộc Việt Nam cần học Hồ Chủ tịch về trung với nước, hiếu với dân; học đoàn kết toàn dân; học phấn đấu; học lý thuyết và phương pháp khoa học; học cần, kiệm, liêm, chính”… Tiếp tục học tập Bác, Đại hội VII (6-1991) Đảng ta “nêu cao tư tưởng Hồ Chí Minh” với nhận thức “tư tưởng Hồ Chí Minh chính là kết quả của sự vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta”.
 
Trong giai đoạn toàn Đảng đang tiến hành tổng kết 4 năm thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW về “tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và tổ chức đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XII của Đảng, thiết nghĩ chúng ta cần chú trọng hai vấn đề lớn trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó là tiếp tục vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào công cuộc đổi mới của nước ta và đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng thật sự trong sạch vững mạnh. 
 
Để thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội cho dân tộc Việt Nam, Hồ Chí Minh khẳng định: Cách mạng “trước hết phải có đảng cách mạng, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp ở mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”. Và theo Người: “Cần có sự lãnh đạo của một Đảng chân chính của giai cấp công nhân, toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân”. Chỉ có sự lãnh đạo của một đảng biết vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của nước mình thì mới có thể đưa cách mạng giải phóng dân tộc đến thắng lợi và cách mạng xã hội chủ nghĩa thành công. Trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Hồ Chí Minh cho rằng “Đảng muốn vững phải lấy chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải làm theo chủ nghĩa ấy”, “Đảng mà không có chủ nghĩa như người không có trí khôn, tàu không có kim chỉ nam” (Đường Cách mệnh).  Hồ Chí Minh khẳng định: Đảng Cộng sản phải lấy chủ nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động. 
 
Để xây dựng Đảng thực sự trong sạch vững mạnh, trong các nguyên tắc đặt ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên chú trọng nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Người nhấn mạnh và coi đó là vũ khí sắc bén để làm cho Đảng ta trong sạch vững mạnh. Đặt “tự phê bình” trước “phê bình” không phải là điều ngẫu nhiên mà có dụng ý rõ ràng, trước hết là coi trọng tự phê bình, tự phê bình mình trước rồi mới phê bình người khác sau. Với Người, có lúc tự phê bình và phê bình được coi là “quy luật” phát triển Đảng. Cũng có khi được xác định là nguyên tắc trong sinh hoạt Đảng. Về mục đích của tự phê bình và phê bình, Hồ Chí Minh quan niệm: con người ta ai cũng có khuyết điểm, chỉ khác nhau ở nặng hay nhẹ, ở dạng thái biểu hiện mà thôi: “Người đời không phải thần thánh, không ai tránh khỏi khuyết điểm”. “Mỗi con người đều có thiện và ác ở trong lòng. Ta phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng”. Vì vậy, “thang thuốc hay nhất là thiết thực phê bình và tự phê bình”. Tự phê bình và phê bình liên quan đến vấn đề đoàn kết trong Đảng: “Muốn đoàn kết chặt chẽ là phải thật thà tự phê bình, thành khẩn phê bình đồng chí và những người xung quanh, phê bình, tự phê bình thật thà để đi đến đoàn kết hơn nữa”. Tự phê bình và phê bình cần theo phương châm “phải ráo riết”, “triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt”. Cách phê bình phải thấm đượm “lòng nhân ái”, phê bình “không để xoi mói”, phê bình “phải công khai”… Với tâm sáng trong, nhân hậu như vậy nên Hồ Chí Minh viết Di chúc từ năm 1965 cho đến năm 1969; năm nào cũng sửa chữa, bổ sung nhưng riêng năm 1967, Người còn bổ sung một câu căn dặn: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.
 
Đại hội XII của Đảng có ý nghĩa rất quan trọng, định hướng cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân trong 5 năm tới: Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Để thực hiện mục tiêu cơ bản ấy, thời gian tới Đảng ta phải nắm vững, vận dụng sáng tạo, góp phần phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, không ngừng làm giàu trí tuệ, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực tổ chức để đủ sức giải quyết những vấn đề do thực tiễn cách mạng đặt ra. Đường lối, chủ trương của Đảng phải xuất phát từ thực tế, từ nguyện vọng chính đáng của nhân dân, tôn trọng quy luật khách quan, phù hợp xu thế thời đại. Xây dựng Đảng về văn hoá chính trị, văn hóa tư tưởng, văn hóa tổ chức, văn hóa đạo đức để Đảng xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân. Đảng phải phòng và chống những nguy cơ sai lầm về đường lối, bệnh quan liêu và sự tha hóa biến chất của cán bộ, đảng viên. 
 
Nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, vấn đề đặt ra là phải tăng cường xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Muốn vậy phải giải quyết từ yếu tố cán bộ và công tác cán bộ là “then chốt của then chốt”,  do vậy, quan điểm và quyết tâm của Đảng ta đã được thể hiện rõ ràng qua phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bế mạc Hội nghị lần thứ 11 BCHTW Đảng (khóa XI) khi nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác cán bộ cho Đại hội XII của Đảng: “Cán bộ phải có tinh thần yêu nước sâu sắc, có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”. 
 
Theo đó, Đảng ta: Kiên quyết không để lọt lưới vào Ban chấp hành Trung ương những người có một trong các khuyết điểm, như: bản lĩnh chính trị không vững vàng, không kiên định đường lối, quan điểm của Đảng, có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, để xảy ra tình trạng mất đoàn kết nội bộ nghiêm trọng, tham nhũng, tiêu cực lớn ở địa phương, đơn vị…
 
Với tinh thần tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về trung thực, trách nhiệm; gắn bó với nhân dân; đoàn kết, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh gắn với đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay”, tin tưởng rằng Đại hội lần thứ XII của Đảng sẽ thành công tốt đẹp, mở ra một giai đoạn phát triển tích cực mới của đất nước! 
 
                     LAN HỒ