Tuyên truyền việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

08:05, 21/05/2015

Theo con số thống kê, tại Lâm Đồng, đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm gần 22,8% dân số với 42 dân tộc, trong đó đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên chiếm hơn 17%. Công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước trong đồng bào DTTS những năm qua luôn được chú trọng với những nội dung, hình thức phù hợp.

Theo con số thống kê, tại Lâm Đồng, đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm gần 22,8% dân số với 42 dân tộc, trong đó đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên chiếm hơn 17%. Công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước trong đồng bào DTTS những năm qua luôn được chú trọng với những nội dung, hình thức phù hợp. Từ đó, đồng bào DTTS trong tỉnh có điều kiện nâng cao nhận thức, sự giác ngộ chính trị, là thành tố quan trọng góp phần vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện đời sống mới, giữ vững ổn định chính trị xã hội; thực hiện tốt việc đoàn kết giữa các dân tộc trên địa bàn.
 
Xuất phát từ thực tế vùng đồng bào DTTS của tỉnh, việc triển khai Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 03 - CT/TW được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ)Việt Nam tỉnh chọn triển khai 2 nội dung quan trọng trong đức tính của Bác là “CẦN, KIỆM” trong lao động sản xuất, sinh hoạt tiêu dùng. Nội dung này được đánh giá là phù hợp với đặc điểm dân cư, lối sống và thực tiễn lao động hiện nay của đồng bào.
 
Từ cách tiếp cận ấy, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã nghiên cứu, lựa chọn các cách thức, phương pháp tuyên truyền một cách cụ thể, thiết thực, dễ nhớ, dễ hiểu, tạo được sức lôi cuốn, thấm sâu vào cách nghĩ, cách cảm, cách làm của đồng bào. Với cách thức đã được xác định, đội ngũ cán bộ MTTQ các cấp tiến hành tuyên truyền miệng thông qua các buổi sinh hoạt tại thôn, xóm; qua vai trò của những người tiêu biểu trong vùng đồng bào các DTTS… Từ đó, xuất hiện những điển hình tiêu biểu như mô hình “Cần, kiệm” của đồng bào các dân tộc thiểu số huyện Đam Rông, huyện Di Linh; các cá nhân tiêu biểu cũng có cách làm hay để góp phần xây dựng cộng đồng khu dân cư.
 
Ngoài tuyên truyền miệng, từ năm 2013, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã phối hợp biên soạn, ấn hành 2.000 cuốn tài liệu về Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Bác Hồ bằng tiếng K’Ho, Chu Ru để chuyển thông tin tuyên truyền cụ thể đến với đồng bào. Tuy nhiên, sau một thời gian tài liệu được phát hành, đến năm 2014, qua kiểm tra thực tế tại cơ sở, cơ quan chức năng đã nhận thấy: một số cán bộ cơ sở và bà con lại không đọc được tiếng mẹ đẻ, vô hình chung những nội dung đã được biên dịch để sát hơn và dễ hiểu hơn với đồng bào lại chưa phát huy được tác dụng. Qua đó, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần biên soạn tài liệu song ngữ để tuyên truyền trong vùng đồng bào DTTS; coi trọng tuyên truyền miệng bằng tiếng dân tộc. Đồng thời, chú trọng dạy tiếng dân tộc không chỉ cho cán bộ người Kinh mà cho cả đồng bào DTTS, nhất là giới trẻ. Với cách làm này vừa đảm bảo công tác tuyên truyền, vận động đạt hiệu quả, vừa góp phần bảo tồn và giữ gìn tiếng nói, chữ viết của đồng bào DTTS.
 
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Người cho rằng: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng”. Người khuyên phải giữ gìn và phát huy những truyền thống và bản sắc dân tộc, phát huy cốt cách dân tộc, tinh thần dân tộc... để cổ vũ đồng bào ta, để giáo dục con cháu ta...
 
HẢI YẾN