Không thừa nhận mình là một nhà báo chuyên nghiệp nhưng thông qua việc tìm tòi học tập, nghiên cứu, đúc kết kinh nghiệm, nhất là việc hết sức cẩn trọng khi làm báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành nhà báo mẫu mực để các nhà báo học tập và làm theo.
Không thừa nhận mình là một nhà báo chuyên nghiệp nhưng thông qua việc tìm tòi học tập, nghiên cứu, đúc kết kinh nghiệm, nhất là việc hết sức cẩn trọng khi làm báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành nhà báo mẫu mực để các nhà báo học tập và làm theo.
|
Ảnh: Tư liệu |
Trước hết, đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiêu đề bài báo có ý nghĩa hết sức quan trọng, vừa phải nêu được nội dung cốt lõi của bài viết vừa gây được sự hấp dẫn của người đọc và câu chuyện về nhan đề bài báo Nâng cao đạo đức cách mạng quét sạch chủ nghĩa cá nhân đã nói lên điều đó. Chỉ riêng đầu đề bài báo này mà Bác đã sửa đi sửa lại mấy lần, lúc đầu là đập nát, rồi đến rửa sạch, cuối cùng Bác quyết định dùng từ quét sạch. Sự sắp xếp thứ tự các từ trong nhan đề bài báo cũng được Bác cân nhắc một cách kỹ lưỡng, lúc đầu là “Quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng”, nhưng khi đồng chí phụ trách Ban Tuyên huấn xin đề nghị Bác đổi lại trật tự đưa vế “nâng cao đạo đức cách mạng” lên trước với lý do là cán bộ, đảng viên ta nói chung là tốt và ưu điểm là căn bản; hỏi thêm ý kiến của đồng chí văn phòng, đồng chí đó cũng đề nghị như vậy. Bác lắng nghe rồi nói: “Ý các chú cũng có lý, nhưng Bác thấy chưa hợp lý. Các chú giảng giải thêm cho Bác rõ điều này: Gia đình các chú tiết kiệm, mua sắm được bộ bàn ghế, giường tủ mới. Trước khi kê vào phòng, các chú quét dọn nhà cửa sạch sẽ hay cứ để rác rưởi bẩn thỉu?”. Thấy mọi người còn suy nghĩ, chưa trả lời, Bác nói luôn: “Vì cả hai chú đã đề nghị, Bác đồng ý nhượng bộ đổi lại ở đề bài còn ở trong bài cứ giữ nguyên như ý của Bác là “Quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng”.
Thứ hai, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú trọng đến đối tượng, hiệu quả tuyên truyền và ý nghĩa thực tiễn của báo chí. Người khẳng định chế độ ta là chế độ dân chủ, tức là nhân dân làm chủ. Người làm báo từ trung ương đến địa phương đều là đầy tớ của nhân dân, đều phải một lòng, một dạ phục vụ nhân dân. Nhà báo phải là chiến sỹ trên mặt trận báo chí. Trong “Thư gửi lớp học viết báo Huỳnh Thúc Kháng” năm 1949, Hồ Chủ tịch nêu rõ: “Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng. Một tờ báo không được đại đa số dân chúng ham chuộng thì không xứng đáng là một tờ báo”; do đó, phải “Viết cho đại đa số”, “Viết để phục vụ quần chúng”. Vì đối tượng phục vụ là nhân dân, là sự nghiệp cách mạng, nên theo Người cần viết những cái hay, cái tốt của dân ta, của bộ đội ta, của bạn bè ta, đồng thời phê bình khuyết điểm của chúng ta, của cán bộ, nhân dân, bộ đội; cần viết cho Công - Nông - Binh, viết cho mọi tầng lớp người Việt Nam, không phân biệt già trẻ, nam nữ, tôn giáo, đảng phái; cần viết để tuyên truyền, để giác ngộ, để đoàn kết, để thức tỉnh quần chúng; cần viết gọn gàng, sáng sủa, mạch lạc, có đầu có đuôi, có nội dung. Từ đó, Người yêu cầu, muốn viết báo thì “…cần phải gần gũi dân chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực”. Thực tế hiện nay, bên cạnh những mặt tích cực, nhiều tờ báo, tác phẩm báo chí xa rời tôn chỉ mục đích, nội dung, hình thức ít chú ý đến đối tượng phục vụ, tiếp thu cách làm báo nước ngoài thiếu chọn lọc, nhiều nhà báo ít đi cơ sở, ngồi ở nhà…để viết báo, nên thiếu sức hấp dẫn, lôi cuốn độc giả, tác động xã hội của báo chí không cao. Đúng như Bác nói: “Muốn cho người xem hiểu được, nhớ được, làm được thì phải viết cho đúng trình độ của người xem, viết rõ ràng, gọn gàng, chớ dùng chữ nhiều”.
Thứ ba, phải từ đối tượng phục vụ để có cách viết báo phù hợp, mà đối với báo chí cách mạng Việt Nam, “Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng” (Thư gửi lớp học viết báo Huỳnh Thúc Kháng” năm 1949); do đó theo Bác, phải “Viết cho đại đa số”, “Viết để phục vụ quần chúng”; phải tùy vào đối tượng để có cách viết phù hợp với trình độ của họ, viết cho nông dân khác công nhân, khác trí thức; viết cho người chưa được giác ngộ khác với người đã được giác ngộ… Người đặc biệt nhắc nhở “Phải viết, gọn gàng, rõ ràng, vắn tắt. Nhưng vắn tắt không phải là cụt đầu, cụt đuôi mà phải là có đầu, có đuôi”, bởi đó là đặc trưng ngôn ngữ báo chí. Tình trạng viết dài dòng “dây cà ra dây muống” hoặc như “rau muống kéo dây” đều không thích hợp với văn phong báo chí và người đọc khó tiếp nhận. Chủ tịch Hồ Chí Minh chia sẻ: “Kinh nghiệm của tôi là thế này: Mỗi khi viết một bài báo, thì tự đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn, dễ đọc? Khi viết xong, thì nhờ anh em xem và sửa giùm” (Hồ Chí Minh toàn tập, t.10, tr.616).
Thứ tư, hiệu quả tác động của báo chí ngoài mấy vấn đề nêu trên, còn liên quan đến cách sử dụng ngôn ngữ, bởi đó là phương tiện chuyển tải nội dung. Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, tính dân tộc của ngôn ngữ báo chí là điều Người hết sức coi trọng và luôn đòi hỏi phải giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt và bảo vệ, phát triển tiếng nói của dân tộc. Người căn dặn các nhà báo phải có trách nhiệm đừng để cho tiếng mẹ đẻ của chúng ta mỗi ngày một mai một đi. Là người am hiểu và sử dụng thành thạo nhiều ngoại ngữ trên thế giới, dù đã làm báo bằng nhiều thứ tiếng khác nhau (tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Trung Quốc, tiếng Anh…) nhưng trong các bài báo của Bác - khi đã là lãnh tụ của đất nước - Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn sử dụng các câu ngắn với những lời lẽ, ý tứ dễ hiểu, dễ nhớ, với những từ ngữ phổ thông, thuần Việt, thậm chí rất bình dân,… đủ để những người dân có trình độ thấp cũng hiểu được ý của người viết cũng như nội dung bài báo. Vì vậy, Bác phê phán tình trạng lạm dụng từ nước ngoài: “Khuyết điểm nặng nhất là dùng chữ nước ngoài quá nhiều và nhiều khi dùng không đúng” (Bài nói chuyện tại Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam, ngày 8.9.1962).
Đúng như nhà văn Nguyễn Công Hoan đã viết: “Nghe Bác nói về câu và chữ, tôi càng phải suy nghĩ. Bác ở nước ngoài mấy chục năm, đã từng viết bằng tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Trung Quốc, thế mà sao Bác không quên tiếng mẹ đẻ, còn thạo hơn cả những người chỉ ở trong nước và sinh nhai bằng chữ nghĩa của nhà… Ngoài đường lối chính trị, Bác luôn luôn khuyên chúng tôi phải viết cho dễ hiểu. Bác bảo viết để người kém hiểu được hãy nên viết. Phải viết ngắn, gọn. Trong một tờ báo, bài ngắn bao giờ cũng được đọc trước tiên…” (Bác Hồ sống mãi với chúng ta, Sđd, tr.352).
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành trọn cả cuộc đời cho Tổ quốc, cho nhân dân. Người viết báo và làm báo cũng chỉ nhằm phục vụ cho mục đích ấy. Tuy nhiên, với hàng nghìn tác phẩm báo chí thuộc nhiều thể loại khác nhau của Bác đã trở thành di sản thiêng liêng, quý báu không chỉ về mặt nội dung, tư tưởng mà còn là nguồn tư liệu nghiên cứu, học tập về lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam, về phong cách, phương pháp… làm báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh - giản dị và sâu sắc, chân thực và ngắn gọn, trong sáng và dễ hiểu, thiết thực phục vụ nhân dân và sự nghiệp cách mạng.
KHÁNH LINH