Hội thảo "Hoàn thiện nghiên cứu, khảo sát về các biện pháp phòng ngừa và thu hồi tài sản tham nhũng theo yêu cầu công ước quốc tế

04:06, 26/06/2015

Sáng 25/6, tại TP Đà Lạt, TS Nguyễn Văn Minh - Viện phó Viện Khoa học Thanh tra Chính phủ đã chủ trì Hội thảo "Hoàn thiện nghiên cứu, khảo sát về các biện pháp phòng ngừa và thu hồi tài sản tham nhũng theo yêu cầu công ước quốc tế".

Sáng 25/6, tại TP Đà Lạt, TS Nguyễn Văn Minh - Viện phó Viện Khoa học Thanh tra Chính phủ đã chủ trì Hội thảo “Hoàn thiện nghiên cứu, khảo sát về các biện pháp phòng ngừa và thu hồi tài sản tham nhũng theo yêu cầu công ước quốc tế”. Dự hội thảo có lãnh đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy, Thanh tra Nhà nước, UBMTTQ, các tổ chức đoàn thể có chức năng giám sát, phản biện xã hội, thanh tra các cơ quan, đơn vị các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh.
 
Trong đề dẫn, TS Nguyễn Văn Minh cho biết, Việt Nam đã ký và phê chuẩn công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC) vào năm 2009 và rất tích cực thực hiện nghĩa vụ của một quốc gia thành viên. Hiện, Việt Nam đang khẩn trương tổng kết đánh giá lại các nỗ lực phòng, chống tham nhũng, một mặt để tiếp tục hoàn thiện hơn nữa hệ thống pháp luật về phòng chống tham nhũng, mặt khác, nhằm đáp ứng yêu cầu về đánh giá của Liên hợp quốc đối với việc thực thi công ước tại Việt Nam. Mục tiêu của nghiên cứu khảo sát là tập trung xem xét kết quả xây dựng và thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng hiện nay tại Việt Nam. Đối tượng nghiên cứu là CBCCVC, quần chúng nhân dân tại 5 tỉnh Bắc Giang, Hà Giang, Ninh Bình, Khánh Hòa, Đồng Nai. Tuy đạt được một số kết quả khả quan, nhưng theo TS Nguyễn Văn Minh, việc phòng, chống tham nhũng, nhất là việc thu hồi tài sản tham nhũng tại Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế. Việc phòng chống tham nhũng chưa đáp ứng được nguyện vọng của quần chúng nhân dân và yêu cầu của công ước quốc tế. Việc thu hồi tài sản tham nhũng chỉ ở mức “nhỏ giọt” so với tài sản bị tham nhũng.
 
Sau đề dẫn của TS Nguyễn Văn Minh, nhiều ý kiến của lãnh đạo Ban Nội chính, Thanh tra Nhà nước các tỉnh Đắc Nông, Đồng Nai, Ninh Thuận, Khánh Hòa và TP Hồ Chí Minh đều cho rằng, công tác phòng, chống tham nhũng hiện gặp vô vàn khó khăn, thanh tra muốn kết luận một vụ việc tham nhũng nào đó phải xin ý kiến của cấp trên, mà trong một số trường hợp người được xin phép lại là đối tượng tham nhũng; sự phối kết hợp giữa các cơ quan trong khối nội chính thiếu chặt chẽ, đồng bộ, mỗi cơ quan, đơn vị có một cách làm riêng; việc kê khai tài sản chỉ mang tính hình thức. Từ, thực tế đó, theo các đại biểu, để công tác phòng, chống tham nhũng đạt kết quả tốt theo đúng yêu cầu công ước quốc tế, Nhà nước cần ban hành cơ chế kiểm soát thu nhập, kê khai, giám sát sự biến động về tài sàn từ cấp Phó Chủ tịch, Phó Bí thư Tỉnh ủy đến cấp Thứ trưởng, Bộ trưởng, Phó Thủ tướng, Thủ tướng và các Ủy viên Bộ Chính trị. Một khi việc kê khai, giám sát sự biến động tài sản của các đối tượng nói trên đạt được kết quả bền vững, mới mở rộng thêm các đối tượng khác. Có như vậy mới tạo được lòng tin của quần chúng nhân dân, để họ tích cực tham gia giám sát, tố cáo tham nhũng.  
 
Hoàng Kiến Giang