Kinh nghiệm rút ra từ Đại hội Đảng bộ huyện Bảo Lâm

05:06, 02/06/2015

Ngay sau khi Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Bảo Lâm lần thứ V, nhiệm kỳ 2015 - 2020 (được Tỉnh ủy chọn làm đại hội điểm) kết thúc, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chủ trì cuộc họp rút kinh nghiệm về công tác tổ chức và chỉ đạo điều hành Đại hội. 

Ngay sau khi Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Bảo Lâm lần thứ V, nhiệm kỳ 2015 - 2020 (được Tỉnh ủy chọn làm đại hội điểm) kết thúc, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chủ trì cuộc họp rút kinh nghiệm về công tác tổ chức và chỉ đạo điều hành Đại hội. 
 
Chủ trì cuộc họp, đồng chí Vũ Công Tiến - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH (đơn vị tỉnh Lâm Đồng), đánh giá cao công tác chuẩn bị Đại hội của Đảng bộ huyện Bảo Lâm, từ nội dung văn kiện, quy trình nhân sự, công tác tuyên truyền, hình thức tổ chức cho đến công tác đảm bảo an ninh, trật tự trong suốt Đại hội. Nhìn chung, Huyện ủy Bảo Lâm đã bám sát mục đích, yêu cầu và nội dung của Chỉ thị 36-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Hướng dẫn 26-HD/ BTCTW, Chỉ thị 28-CT/ TU của BTV Tỉnh ủy và Kế hoạch 110 - KH/TU của Tỉnh ủy. Nhờ vậy, Đại hội đã tạo sự thống nhất trong nội bộ Đảng và sự đồng thuận trong hầu hết các đại biểu về tham dự. Đây chính là yếu tố quan trọng đóng góp vào thành công của Đại hội; từ đó, tạo niềm tin trong nhân dân về một kỳ đại hội dân chủ, đoàn kết và trách nhiệm. 
 
Tính đồng thuận của Đại hội còn thể hiện ở mức độ tín nhiệm cao của phần đông đại biểu khi bầu BCH khóa mới, mà theo đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, chính là do Đảng bộ đã làm tốt việc nắm tình hình diễn biến tư tưởng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đại hội bầu 1 lần đủ số lượng 43 thành viên BCH và đúng theo cơ cấu dự kiến. “Đảng bộ các địa phương cần lưu ý điều này trong quá trình chuẩn bị và tổ chức đại hội” - đồng chí Vũ Công Tiến trao đổi.
 
Theo đồng chí Nguyễn Đức Thịnh - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, hầu hết các văn kiện trước khi trình Đại hội đã được gửi cho các TCCSĐ tham khảo, nghiên cứu để góp ý. Do đó, người đọc văn kiện chỉ nên trình bày bản tóm tắt trước Đại hội. Bản tóm tắt cần ngắn, gọn, súc tích, nhưng phải đầy đủ và thể hiện hết nội dung của bản chính, nhất là các nội dung về lĩnh vực xây dựng Đảng. Riêng về báo cáo kiểm điểm Ban chấp hành, phải nêu bật được sự chuyển biến trong phẩm chất, đạo đức, năng lực và uy tín của BCH, thông qua việc thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện Nghị quyết TW 4 về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Báo cáo kiểm điểm BCH không nên lặp lại các nội dung đã trình bày trong Báo cáo chính trị. 
 
Việc phân công nhiệm vụ trong Đoàn Chủ tịch khi trình bày các văn kiện cần theo đúng chức danh được quy định. Theo đồng chí Vũ Công Tiến, nên thống nhất ở các đại hội Đảng bộ sắp tới về trình tự: Bí thư Đảng bộ đọc Diễn văn khai mạc, Phó Bí thư đọc Báo cáo chính trị và Phó Bí thư kiêm Chủ tịch UBND đọc Báo cáo Kiểm điểm BCH. Các báo cáo tham luận trong Đại hội cũng phải phân bố đồng đều giữa nội dung phát triển kinh tế, xã hội và nội dung xây dựng Đảng; giữa đại diện các Đảng bộ cơ sở và các cơ quan đoàn thể...
 
Về nghi thức khai mạc, đồng chí Nguyễn Đức Thịnh nêu ý kiến: “Cần tổ chức trang nghiêm nhưng không nên quá nặng nề, phải tạo không khí phấn khởi, vui vẻ, thoải mái cho các đại biểu, nhất là đại biểu mời. Phần văn nghệ (nếu có) nên kết thúc trước 8 giờ, để Đại hội khai mạc đúng 8 giờ”. Đồng chí Vũ Công Tiến chỉ đạo: “Các Đảng bộ phải đảm bảo khung thời gian đại hội, điều hành theo kịch bản nhưng phải linh động, không cứng nhắc, tránh tạo cảm giác phân vai theo kịch bản giữa các thành viên trong Đoàn Chủ tịch”. Nói về khung thời gian đại hội, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo thời gian đại hội các Đảng bộ trực thuộc Đảng bộ tỉnh phải tổ chức trong 2,5 ngày. Trong đó, nửa ngày dành cho phiên trù bị. Trong đại hội, phải dành đủ thời gian (15 - 20 phút) cho đại biểu nghỉ giải lao giữa giờ. Đồng thời, đại hội cũng phải dành đủ thời gian để hướng dẫn đại biểu tiến hành bầu cử và kiểm tra phiếu bầu trước khi bỏ phiếu. 
 
Cũng theo đồng chí Vũ Công Tiến: “Rút kinh nghiệm từ Đại hội điểm của Đảng bộ Bảo Lâm, khi điều hành, Đoàn Chủ tịch phải chú ý 3 câu hỏi khi tiến hành lấy biểu quyết để chốt danh sách BCH hoặc chốt chỉ tiêu Đại hội, đó là: “Đồng chí nào thống nhất thì cho biểu quyết?”; “Có đồng chí nào có ý kiến khác không?” và “Có đồng chí nào không đồng ý không?”. Thông thường, ở một vài đại hội, Đoàn Chủ tịch nếu thấy số đông đã biểu quyết thì không hỏi 2 câu tiếp theo. Điều này không đúng theo nguyên tắc điều hành đại hội. 
 
Một vấn đề cần lưu ý được đưa ra, đó là các đại hội không nên quá tập trung vào phần bầu cử mà xem nhẹ các nội dung khác. Thay vào đó, nên dành nhiều thời gian thảo luận tổ và thảo luận trong đại hội về các chỉ tiêu KT-XH của nhiệm kỳ tới. Nội dung bầu BCH và bầu đoàn đại biểu dự đại hội cấp trên nên được tiến hành vào giữa giờ chiều ngày họp chính thức thứ nhất và kết quả bầu nên được công bố vào cuối giờ chiều để BCH có thể họp kỳ đầu tiên bầu các chức danh chủ chốt vào buổi tối.
 
HOÀNG HẢI