Nhiệm vụ đặt ra đối với báo chí hiện nay

09:06, 19/06/2015

Ngày 21/6/1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng lập tờ Báo Thanh Niên - cơ quan ngôn luận của Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội để vận động phong trào cách mạng của quần chúng trong nước vùng lên giành độc lập dân tộc...

Ngày 21/6/1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng lập tờ Báo Thanh Niên - cơ quan ngôn luận của Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội để vận động phong trào cách mạng của quần chúng trong nước vùng lên giành độc lập dân tộc. Ngày Báo Thanh Niên - tờ báo đặt nền móng chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, phát hành số đầu tiên đã trở thành mốc son khởi đầu chói lọi cho sự nghiệp Báo chí cách mạng Việt Nam. 90 năm qua, dưới sự lãnh, chỉ đạo và dìu dắt trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa kiệt xuất thế giới và của Đảng quang vinh, nền Báo chí cách mạng nước nhà không ngừng lớn mạnh, trưởng thành và luôn đồng hành cùng dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, kiên định lý tưởng xây dựng, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. 
 
Ngược với luận điệu của các thế lực thù địch thường rêu rao, vu khống rằng Việt Nam không có tự do báo chí, báo chí bị cấm đoán hoạt động, chúng ta có quyền tự hào trước sự khởi sắc tích cực của lực lượng báo chí nước nhà: Hiện, cả nước có 845 cơ quan báo chí, trong đó có 199 cơ quan báo in (86 báo Trung ương, 113 báo địa phương), 646 tạp chí (513 tạp chí Trung ương, 133 tạp chí địa phương), 1 hãng thông tấn quốc gia. Về báo điện tử, cả nước có 98 báo, tạp chí điện tử (tăng 3 báo, 3 tạp chí so với năm 2013). Trong đó có 76 báo, tạp chí điện tử của cơ quan báo in và 20 báo, tạp chí điện tử của các cơ quan khác. Cả nước có 67 đài PTTH (2 đài quốc gia là Đài THVN, Đài TNVN, 1 đài thuộc Bộ TTTT là Đài TH kỹ thuật số VTC, 64 đài địa phương ). Số kênh chương trình PTTH quảng bá là 180 kênh. 
 
Nhìn lại chặng đường cách mạng 85 năm qua, Đảng ta luôn coi báo chí là phương tiện tích cực để tiến hành giáo dục chính trị, lãnh đạo công tác tư tưởng, vũ khí sắc bén trong đấu tranh giai cấp, đấu tranh giải phóng dân tộc, là cầu nối giữa Đảng với nhân dân, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đánh giá vai trò của báo chí, phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bế mạc Hội nghị lần thứ mười BCHTW Đảng (12/1/2015) khẳng định: “Báo chí là phương tiện thông tin, công cụ tuyên truyền, vũ khí tư tưởng quan trọng của Đảng và Nhà nước, diễn đàn của nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật. Trong thời gian qua, báo chí nước ta đã có sự phát triển nhanh chóng và có những đóng góp tích cực, quan trọng vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Đồng thời, Tổng Bí thư nhấn mạnh yêu cầu đặt ra trong tình hình mới: “Phát triển báo chí theo hướng cách mạng, chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân, tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, để đoàn kết, tập hợp quần chúng, tạo đồng thuận trong xã hội, định hướng tư tưởng và thẩm mỹ, góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hóa và con người Việt Nam”. 
 
Bàn về “Trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, đạo đức của người làm báo” trong thời điểm hiện nay, lời dạy của Bác Hồ vẫn còn nguyên giá trị, càng cần được nhắc nhở, quán triệt đầy đủ. Đó là người làm báo trước khi viết phải xác định rõ ràng: “Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào?”. Làm báo là làm chính trị, tính tư tưởng của từng tác phẩm báo chí phải nhằm mục đích phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và phục vụ nhân dân! Báo chí cần thấm nhuần hơn lời dạy của Bác “Lấy gương tốt trong quần chúng nhân dân và đảng viên mà giáo dục lẫn nhau - đó chính là một cách tuyên truyền giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin”. 
 
Phát huy “truyền thống”, tăng cường “bản lĩnh, trách nhiệm”, báo chí phải làm tốt nhiệm vụ chính trị của mình trên lĩnh vực tư tưởng, bảo vệ đường lối, quan điểm của Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội. Báo chí phải hướng vào mục tiêu giữ vững ổn định chính trị, tiếp tục sự nghiệp đổi mới, làm cho nguyên lý cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh giữ vị trí chủ đạo trong đời sống tinh thần của xã hội. Theo đó, các cơ quan báo chí và những người làm báo cần phải: “Chú trọng nâng cao tính tư tưởng, phát huy mạnh mẽ chức năng thông tin, giáo dục, tổ chức và phản biện xã hội của các phương tiện thông tin đại chúng vì lợi ích của nhân dân và đất nước; khắc phục xu hướng thương mại hóa, xa rời tôn chỉ, mục đích trong hoạt động báo chí, xuất bản. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ hoạt động báo chí, xuất bản vững vàng về chính trị, tư tưởng, nghiệp vụ và có năng lực đáp ứng tốt yêu cầu của thời kỳ mới. Rà soát, sắp xếp hợp lý mạng lưới báo chí, xuất bản trong cả nước theo hướng tăng cường hiệu quả hoạt động, đồng thời, đổi mới mô hình, cơ cấu tổ chức, cơ sở vật chất - kỹ thuật theo hướng hiện đại” (Báo cáo Chính trị của BCHTW Đảng khóa X tại ĐH XI).        
 
LAN HỒ