Những việc cần làm sau đại hội

05:06, 23/06/2015

Đến ngày 16/6/2015, toàn tỉnh đã có 453 tổ chức cơ sở đảng tổ chức đại hội (chiếm 66,81%) và sẽ hoàn thành trong tháng 6. Để thể hiện vai trò, trách nhiệm lãnh đạo của mình và sớm đưa nghị quyết đại hội vào cuộc sống, các cấp ủy cơ sở cần phải làm gì và làm như thế nào?

Đến ngày 16/6/2015, toàn tỉnh đã có 453 tổ chức cơ sở đảng tổ chức đại hội (chiếm 66,81%) và sẽ hoàn thành trong tháng 6. Để thể hiện vai trò, trách nhiệm lãnh đạo của mình và sớm đưa nghị quyết đại hội vào cuộc sống, các cấp ủy cơ sở cần phải làm gì và làm như thế nào?
 
Theo Chỉ thị 36-CT/TW ngày 30/5/2014 của Bộ Chính trị: Sau đại hội, các cấp ủy khóa mới phải tiến hành tổ chức họp rút kinh nghiệm, báo cáo cấp ủy cấp trên chuẩn y cấp ủy và các chức danh lãnh đạo cấp ủy, xây dựng quy chế làm việc, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nghị quyết đại hội... 
 
Thực tế vừa qua, sau khi kết thúc đại hội, các cấp ủy cơ sở đã tổ chức họp rút kinh nghiệm về công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội; đồng thời báo cáo ngay với cấp ủy cấp trên để chuẩn y cấp ủy và các chức danh lãnh đạo của cấp mình. Tuy nhiên, hầu hết cấp ủy chưa chủ động xây dựng quy chế làm việc, chưa xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nghị quyết đại hội. Có một vài cấp ủy đã triển khai xây dựng, song chưa ban hành; quy trình thực hiện còn lúng túng; việc hướng dẫn, giám sát của các tổ chức đảng cấp trên trực tiếp còn hạn chế... 
 
Theo nguyên tắc và các quy định của Đảng, việc xây dựng quy chế làm việc và kế hoạch triển khai thực hiện nghị quyết... là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của cấp ủy, đây là bước đầu tiên cụ thể hóa nghị quyết của đại hội, đảm bảo sự lãnh đạo thắng lợi của cả nhiệm kỳ mới. Do đó, cấp ủy cơ sở cần tập trung thực hiện tốt một số việc sau:
 
Một là: Xây dựng và ban hành Chương trình làm việc nhiệm kỳ 2015-2020 (toàn khóa) của cấp ủy.
 
Căn cứ mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ mới mà đại hội đã thông qua ngay sau khi đại hội (không chờ có quyết định chuẩn y của cấp trên), thường trực cấp ủy phân công xây dựng dự thảo chương trình làm việc cũng như các quy chế làm việc.
 
Khác với những đại hội trước đây, báo cáo chính trị và nghị quyết của các tổ chức đảng từ chi bộ trở lên lần này đều theo các chuyên đề (từ 10 đến 15 chuyên đề), do đó chương trình hành động cũng phải “thiết kế” cho phù hợp; tuy nhiên, cần xác định rõ những việc hoặc nhóm việc cho từng năm, trong năm chia những việc ấy cho từng quý để dễ thực hiện.
 
Hai là: Xây dựng và ban hành quy chế làm việc của cấp ủy.
 
Căn cứ kết quả bầu cử cấp ủy, quy chế làm việc của cấp ủy nhiệm kỳ 2010-2015 và các văn bản hướng dẫn của tổ chức đảng cấp trên để dự thảo quy chế, nhất là quy định của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ từng loại hình tổ chức cơ sở đảng như: Quy định số 94-QĐ/TW ngày 3/3/2004 quy định chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở phường, thị trấn; Quy định số 95-QĐ/TW ngày 3/3/2004 quy định chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở xã; Quy định số 96-QĐ/TW ngày 3/3/2004 quy định chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong các doanh nghiệp nhà nước; Quy định số 97-QĐ/TW ngày 22/3/2004 quy định chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong các đơn vị sự nghiệp...
 
Nội dung quy chế cần quy định rõ trách nhiệm và quyền hạn của ban chấp hành, ban thường vụ đảng ủy, thường trực đảng ủy, đồng chí bí thư và các phó bí thư cấp ủy (nếu có). Theo quy định của Đảng, đối với cấp cơ sở thì trách nhiệm và thẩm quyền lãnh đạo của tổ chức đảng chủ yếu thuộc ban chấp hành đảng bộ (chi bộ); vì vậy, đối với các ban thường vụ đảng ủy xã và tương đương không thể “rập khuôn” trách nhiệm và quyền hạn của ban thường vụ cấp ủy cấp trên.
 
Quy chế quy định cụ thể chế độ làm việc, phương pháp công tác, quan hệ công tác... sao cho dễ thực hiện, giám sát và đánh giá, nhận xét sau này.
 
Ba là: Xây dựng và ban hành chương trình kiểm tra, giám sát toàn khóa. Lãnh đạo việc xây dựng Chương trình kiểm tra, giám sát toàn khóa của ủy ban kiểm tra (UBKT) đảng ủy.
 
Yêu cầu của chương trình kiểm tra, giám sát phải cụ thể từng nội dung và thời điểm thực hiện; phương châm giám sát mở rộng nhưng kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm; đối tượng kiểm tra, giám sát tập trung vào các tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên là cán bộ chủ chốt. Tuy nhiên, nội dung của chương trình kiểm tra, giám sát phải có tính khả thi và bám sát chương trình làm việc toàn khóa của cấp ủy.
 
Để thực hiện những việc trên, thường trực cấp ủy sau khi dự thảo văn bản cần sự góp ý của các đồng chí ủy viên ban thường vụ cấp ủy, thống nhất của thủ trưởng cơ quan, sau đó hoàn chỉnh dự thảo và tổ chức họp cấp ủy để thông qua. Trước khi ban hành các quy chế làm việc của mình, cấp ủy cơ sở cần tranh thủ ý kiến của tổ chức đảng cấp trên.
 
Theo các văn bản, quy định của Trung ương, Ban Tổ chức cấp ủy cấp trên trực tiếp có trách nhiệm chính trong việc thẩm định, hướng dẫn chương trình làm việc, quy chế làm việc; UBKT cấp ủy cấp trên trực tiếp có trách nhiệm hướng dẫn, thẩm định về chương trình kiểm tra, giám sát. 
 
Như vậy, ngay sau đại hội, các cấp ủy đảng chủ động ban hành các văn bản của mình để thực hiện vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, sớm đưa nghị quyết đại hội vào cuộc sống tại địa phương, đơn vị mình.                  
 
XUÂN THÙY