Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ IV, Bảo Lộc đã có bước chuyển mình theo đúng định hướng và trở thành đô thị có vai trò "đầu tàu" cho sự phát triển của khu vực Nam Lâm Đồng.
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ IV, Bảo Lộc đã có bước chuyển mình theo đúng định hướng và trở thành đô thị có vai trò “đầu tàu” cho sự phát triển của khu vực Nam Lâm Đồng. Nhân Đại hội Đảng bộ TP Bảo Lộc lần thứ V (nhiệm kỳ 2015 - 2020), phóng viên Báo Lâm Đồng đã có dịp trao đổi với đồng chí Lê Hoàng Phụng, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Bảo Lộc.
PV: Thưa đồng chí! Xin đồng chí cho biết khái quát những thành tựu kinh tế - xã hội nổi bật mà TP Bảo Lộc đã đạt được trong nhiệm kỳ qua?
Đồng chí Lê Hoàng Phụng. Ảnh: XUÂN LONG |
Đồng chí Lê Hoàng Phụng: Bước vào nhiệm kỳ 2010 - 2015, sau khi có Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Bảo Lộc lần thứ IV và Nghị quyết 07-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Phát triển Bảo Lộc trở thành trung tâm dịch vụ - công nghiệp của tỉnh giai đoạn 2011 - 2015”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP đã có nhiều nỗ lực chung tay xây dựng và phát triển. TP Bảo Lộc đã hoàn thành 14/15 chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ lần thứ IV đã đề ra và 11/15 chỉ tiêu theo Nghị quyết 07-NQ/TU. Đồng thời, trong quá trình xây dựng, phát triển đô thị, TP đã thực hiện và đạt được 19/27 tiêu chí của đô thị loại II. Đến nay, TP có 4/5 xã đạt các tiêu chí “xã nông thôn mới”, 6 phường tiếp tục thực hiện Đề án xây dựng Đô thị văn minh, phường phát triển toàn diện.
TP Bảo Lộc đã đầu tư nhiều công trình. Trong đó, giao thông nội thị được phát triển, mở rộng và hoàn thiện tương đối đồng bộ; giao thông nông thôn được nhân dân tích cực tham gia, thông qua chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh và phường phát triển toàn diện. Đến nay, hệ thống giao thông kết nối giữa các trục đường chính đến các thôn, xóm và từ trung tâm đến vùng ven của TP cơ bản được nâng cấp và hoàn thiện theo định hướng phát triển. Ngoài ra, một số khu dân cư được tiếp tục phát triển, mở rộng, như: Khu dân cư khu phố 7 (phường Lộc Phát), Khu dân cư Đông hồ Nam Phương, Khu dân cư khu phố 3 (phường B’Lao), Khu dân cư khu phố 3 (phường Lộc Tiến)... Không gian đô thị mở rộng theo quy hoạch đã tạo điều kiện để TP tái bố trí, sắp xếp lại nơi ở, việc sinh hoạt cho nhân dân, tạo được quỹ đất và nguồn lực cho quá trình chỉnh trang đô thị, hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, góp phần đầu tư phát triển hạ tầng phúc lợi xã hội.
TP luôn quan tâm thực hiện các chính sách an sinh xã hội đối với gia đình chính sách và các đối tượng bảo trợ xã hội, gắn với nâng cao đời sống của đồng bào DTTS và giảm nghèo bền vững. Từ hơn 4% của đầu nhiệm kỳ, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn TP chỉ còn 0,8%. Bên cạnh đó, các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế... cũng đạt được nhiều kết quả. Hiện nay, hơn 80% trường lớp đã được kiên cố hóa; tỷ lệ trường chuẩn Quốc gia đạt trên 50%; 9/11 xã, phường đạt chuẩn Quốc gia về y tế. Thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng cải thiện và nâng cao.
PV: Song song với quá trình phát triển, TP Bảo Lộc đã thể hiện vai trò là một đô thị chức năng trung tâm của khu vực phía Nam như thế nào? Thưa đồng chí!
Đồng chí Lê Hoàng Phụng: Vai trò đô thị trung tâm, đô thị chức năng của TP Bảo Lộc được thể hiện xuyên suốt trong quá trình phát triển. Khi triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần IV và Nghị quyết 07-NQ/TU, thì vai trò này càng được thể hiện rõ nét. Nghị quyết 07 đặt ra yêu cầu cho TP Bảo Lộc phải nâng cao các chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ IV đã đề ra. Điều quan trọng là Nghị quyết 07 định hướng xây dựng Bảo Lộc trở thành trung tâm dịch vụ - công nghiệp. Đến nay, giá trị sản xuất dịch vụ - công nghiệp của TP đã chiếm 87%; còn lại là nông nghiệp.
Vấn đề thứ 2 mà Nghị quyết 07 đặt ra là tạo nguồn lực đầu tư vào hạ tầng để Bảo Lộc trở thành đô thị có vai trò, chức năng của đô thị khu vực, có sức chi phối và lan tỏa trong khu vực phía Nam. Có thể nói, lĩnh vực thương mại - dịch vụ và công nghiệp của Bảo Lộc đã thể hiện được vai trò trung tâm. Hệ thống hạ tầng công nghiệp của Bảo Lộc đủ năng lực để tiêu thụ, chế biến nông sản chè, cà phê, tơ tằm của Bảo Lộc và các vùng phụ cận. Các dịch vụ, thương mại đã có vai trò chi phối thông qua các dịch vụ cung ứng, hỗ trợ sản xuất, như: Dịch vụ tài chính, dịch vụ vật tư hàng hóa, dịch vụ thu mua, tiêu thụ sản phẩm và các dịch vụ kiểm định chất lượng nông sản, hàng hóa... Ngoài ra, các dịch vụ về giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân không chỉ phục vụ cho người dân TP mà còn đóng vai trò trung tâm phục vụ cho cộng đồng dân cư khu vực phía Nam. Sự phát triển toàn diện của Bảo Lộc cũng là động lực thúc đẩy sự phát triển của các vùng phụ cận.
PV: Thưa đồng chí! Công tác xây dựng Đảng, xây dựng cả hệ thống chính trị được Đảng bộ TP quan tâm như thế nào để quyết định thành quả xây dựng và phát triển của TP?
Đồng chí Lê Hoàng Phụng: Hiện tại, Đảng bộ TP Bảo Lộc có 60 tổ chức cơ sở Đảng với 305 chi bộ cơ sở và hơn 4.300 đảng viên. Tất cả các thôn, tổ dân phố hiện đều có tổ chức cơ sở Đảng và không còn chi bộ sinh hoạt ghép hoặc thôn “trắng” đảng viên. Trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ TP xem công tác xây dựng Đảng là một trong những nhiệm vụ then chốt. Đảng bộ đã triển khai nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với việc thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Công tác kiểm tra, giám sát cũng được chú trọng. Nhờ vậy, Đảng bộ TP ngày càng lớn mạnh; năng lực, sức chiến đấu của Đảng bộ, các tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên được nâng cao để có thể thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ.
Công tác xây dựng Đảng luôn gắn với xây dựng cả hệ thống chính trị để nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực thông qua hoạt động của HĐND, UBND và UBMTTQ các cấp. MTTQ đã có sự phối kết hợp với các tổ chức thành viên để thực hiện vai trò đoàn kết dân tộc, giám sát và phản biện xã hội, tạo sự đồng thuận của nhân dân trong quá trình tham gia phát triển kinh tế - xã hội của TP. Nhờ vậy, năm 2015, TP Bảo Lộc đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.
PV: Đồng chí có thể cho biết thêm những định hướng trong nhiệm kỳ tới mà BCH Đảng bộ TP Bảo Lộc khóa IV dự kiến sẽ tập trung triển khai để TP phát triển bền vững?
Đồng chí Lê Hoàng Phụng: Từ những kết quả mà nhiệm kỳ qua đã đạt được và những điều kiện thuận lợi mà TP Bảo Lộc đang có, trong nhiệm kỳ tới, Bảo Lộc sẽ tập trung thu hút đầu tư; nâng cao chất lượng sản xuất công nghiệp, đưa sản xuất công nghiệp từ sơ chế sang chế biến sâu để tăng giá trị và năng lực cạnh tranh sản phẩm hàng hóa trong quá trình hội nhập. Cùng với sự phát triển sản xuất công nghiệp, TP Bảo Lộc cũng tiếp tục nâng cao chất lượng và hoàn thiện hệ thống dịch vụ nhằm chi phối và liên kết sản xuất giữa các vùng phụ cận, thông qua hoạt động lưu trữ và nâng cao chất lượng bảo quản hàng hóa sau thu hoạch, dịch vụ hậu cần, kết nối giữa sản xuất nông nghiệp và công nghiệp… Đặc biệt, Bảo Lộc tiếp tục quảng bá thương hiệu Trà B’Lao và xây dựng thương hiệu Tơ lụa Bảo Lộc…
Trên lĩnh vực xây dựng đô thị, TP nỗ lực thực hiện nhằm hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại II. TP cần chú trọng nâng cao năng lực cấp nước; xây dựng hệ thống xử lý nước thải, rác thải và tạo cảnh quan môi trường. Đây là những lĩnh vực còn hạn chế, TP Bảo Lộc cần phải nỗ lực thực hiện trong nhiệm kỳ tới.
Đại hội Đảng bộ TP Bảo Lộc lần thứ V sẽ đánh giá toàn diện quá trình thực hiện nhiệm vụ 5 năm qua (2010 - 2015) và quyết định mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ V (2015 - 2020) với tinh thần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, đổi mới; phát huy các nguồn lực, xây dựng TP Bảo Lộc phát triển bền vững.
HỮU SANG (thực hiện)