Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Văn Báu |
Phát biểu tại lễ khai mạc, GS. TS Nguyễn Xuân Thắng - Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh, hội thảo lần này nhằm tới 4 mục tiêu là: Khơi dậy và phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh nguồn nội lực của các tỉnh có chung biên giới vào phát triển kinh tế sản xuất hàng hóa, mục tiêu tăng trưởng kinh tế với tốc độ nhanh, bền vững; Tăng cường mối liên kết kinh tế trong nội bộ vùng thông qua các chương trình hợp tác phát triển giữa các tỉnh trong vùng, hợp tác mở rộng và nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại, thực hiện nhất quán, lâu dài chính sách thu hút từ bên ngoài, gắn quá trình phát triển của mỗi nước với từng địa phương trong khu vực tam giác biên giới 3 nước nhằm chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao hiệu quả trên từng ngành, từng tỉnh của khu vực; Hợp tác phát triển giữa các địa phương trong khu vực được coi là biện pháp quan trọng hàng đầu để phát triển tốt tam giác phát triển khu vực biên giới của 3 nước, có tính tới thu hút sự tham gia của bên thứ tư, trong đó Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ kỹ thuật và vốn đầu tư; Phát huy ưu thế đầu mối cửa ngõ ra biển của Việt Nam nhằm tạo ra sức hấp dẫn, lôi cuốn giao lưu kinh tế, thúc đẩy hợp tác hỗ trợ lẫn nhau cùng có lợi.
TS. Phạm Nguyên Minh, Viện trưởng Viện nghiên cứu thương mại Việt Nam cho biết, những năm qua, do tốc độ tăng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Lào luôn cao hơn khá nhiều so với tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu nên cán cân nhập khẩu giữa hai nước luôn diễn biến theo hướng nhập siêu về phía Việt Nam và chênh lệch ngày càng lớn. Tỉ lệ giữa giá trị xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam với Lào năm 2006 là 0,77, năm 2010 là 0,7 và năm 2014 là 0,59. Nguyên nhân chính làm hạn chế xuất khẩu của Việt Nam sang Lào là không cạnh tranh được với các sản phẩm của Thái Lan và Trung Quốc. Trong khi đó, năm 2014, xuất khẩu của Việt Nam sang Campuchia chiếm 1,66% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, nhập khẩu từ Campuchia chiếm 0,38% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Xuất khẩu từ Campuchia sang Việt Nam chiếm 5,35% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này, nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 21,87% tổng kim ngạch nhập khẩu của Campuchia.
Đại biểu của 3 nước Việt Nam - Lào và Campuchia cùng chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Văn Báu |
Tại hội thảo, có 9 tham luận được trình bày trong 3 phiên khai mạc tập trung ở 3 chủ đề: “Ảnh hưởng của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC/ASEAN) đến hợp tác kinh tế xuyên biên giới Việt Nam - Campuchia - Lào” (chủ tọa: GS.TS Nguyễn Quang Thuấn - Phó Chủ tịch VASS), “Đánh giá thực trạng và các vấn đề đặt ra của hợp tác kinh tế xuyên biên giới Việt Nam, Campuchia, Lào” (chủ tọa: TS Sila Mounthalavong - Phó Chủ tịch LASS) và “Triển vọng hợp tác Việt Nam - Campuchia - Lào trong thúc đẩy quan hệ kinh tế xuyên biên giới” (chủ tọa: Viện sỹ Sum Chhum Bun - Phó Chủ tịch RAC).
TS. Sok Touch, Viện trưởng Viện Quan hệ quốc tế Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia đã có bài tham luận về “Quan hệ láng giềng tốt và phát triển: Một số vấn đề và thách thức”, thu hút được sự quan tâm của nhiều đại biểu. Trong tham luận này, TS. Sok Touch nhấn mạnh: “Một quốc gia cần phải có mối quan hệ với các nước khác trên thế giới, đặc biệt là các nước láng giềng. Thù địch với một nước láng giềng thì không có gì ngoài việc gây ra mất an ninh, bất ổn định và cản trở phát triển… Do vậy, điều quan trọng là xây dựng niềm tin, xóa thù hận, tạo dựng nền văn hóa hòa bình và bền vững, phát triển cân đối, hài hòa trên biên giới”.
Một số giải pháp nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư xuyên biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia được các đại biểu nêu ra là cần sửa đổi, hoàn thiện khung pháp lý hợp tác kinh tế giữa các nước; thành lập Bộ Xúc tiến thương mại, đầu tư tại Lào và Campuchia; cải tiến thủ tục thương mại xuyên biên giới; phối hợp giữa thương mại và sản xuất hàng hóa khu vực biên giới…