Tư tưởng Hồ Chí Minh về tổ chức bộ máy và sự vận dụng của Đảng ta

08:07, 03/07/2015

(LĐ online) - Sinh thời Hồ Chí Minh cho rằng nhiều người làm thành một tổ chức, nhưng mỗi người đều có vị trí quan trọng trong bộ máy tổ chức đó - Người ví cán bộ là dây chuyền của bộ máy. 

(LĐ online) - Sinh thời Hồ Chí Minh cho rằng nhiều người làm thành một tổ chức, nhưng mỗi người đều có vị trí quan trọng trong bộ máy tổ chức đó - Người ví cán bộ là dây chuyền của bộ máy. “Cách mạng cũng như một bộ máy, phải có phân công, người làm việc này, người làm việc khác, nhưng việc nào cũng cần thiết, cũng quan trọng”(2). Từ trong chiều sâu bản chất quý trọng và thương yêu con người, Hồ Chí Minh xác định dù ở mỗi người tài năng có khác nhau nhưng đều có vai trò to lớn đối với sự nghiệp cách mạng. Người nói “chúng ta tất cả mọi người, bất kỳ ở một chức vụ nào, cao hay thấp, to hay nhỏ, tất cả mọi người làm thành một bộ máy. Thiếu một người nào hay có một người làm không tròn nhiệm vụ là hỏng cả”(3). Trong bài thiếu óc tổ chức - một khuyết điểm lớn trong ủy ban nhân dân, Hồ Chí Minh đưa ra nhận xét tổ chức bộ máy chưa khoa học, chất lượng đội ngũ cán bộ chưa đều, hiệu quả hoạt động còn thấp “một khuyết điểm lớn chung cho phần đông các ủy ban nhân dân là bệnh lộn xộn, thiếu tổ chức. Về cán bộ hành chính, ta phải thú nhận là thiếu rất nhiều”(4); rằng “Trong một ủy ban, nhiều khi có người rất rỗi rãi, cả ngày chỉ chạy ra chạy vào cho có chuyện, có người lại bù đầu rối óc vì một mình phải kiêm đến mấy việc: nào ngoại giao, nào tư pháp, nào tài chính”(5).
 
Trong thư gửi Hội nghị kháng chiến hành chính toàn quốc (2/1950), Hồ Chí Minh yêu cầu hội nghị cần hướng vào thảo luận những vấn đề căn cốt của tổ chức “Thảo luận kỹ lưỡng những vấn đề rất quan trọng như: Chỉnh đốn và kiện toàn bộ máy chính quyền; sửa đổi và thống nhất cách làm việc; thiết thực thực hiện quân dân chính nhất trí; giải quyết vấn đề cán bộ; chỉnh đốn và đẩy mạnh phong trào thi đua ái quốc”(5). Ngay từ năm 1951, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn quyết liệt, để dồn sức cho cuộc kháng chiến, giảm tải sự đóng góp của nhân dân, Người chỉ dẫn “Thực hành chấn chỉnh biên chế, để bớt sự đóng góp cho dân, và thêm lực lượng vào công việc tăng gia sản xuất”(6). Trong bài nói chuyện tại Hội nghị cung cấp toàn quân lần thứ nhất (25/6/1952), Hồ Chí Minh không chỉ khen ngợi những kết quả của ngành đã đạt được mà Người còn chỉ rõ hiện trạng tổ chức bộ máy và đưa ra lộ trình, phương châm sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn “thà ít mà tốt”. Người chỉ dẫn “Nói chung, các cơ quan, đều phải tiết kiệm. Riêng cơ quan cung cấp tổ chức còn kềnh càng, thừa người, phải sắp xếp cho gọn gàng, hợp lý, mọi người đều có công việc thiết thực, những người thừa phải đưa đi chỗ thiếu, những người ở lại phải thi đua nâng cao năng suất của mình. Thế là tinh giản, tinh là năng suất lên cao, làm cho mau cho tốt, giản là vừa phải, không kềnh càng, tránh hình thức”(7). 
 
Để bộ máy vận hành hoạt động có hiệu quả, theo Hồ Chí Minh mấu chốt của vấn đề là xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức, bộ phận, của mỗi cán bộ, công chức. Định vị, minh bạch vấn đề đó là cơ sở để mỗi tổ chức, cán bộ thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Để bộ máy hoạt động vận hành có hiệu quả, không có sự chồng lấn về nhiệm vụ theo Hồ Chí Minh phải xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng bộ phận, con người. Trước yêu cầu cấp thiết đó, Hồ Chí Minh yêu cầu “Tổ chức phải gọn gàng. Nhiệm vụ của mỗi bộ phận, mỗi người phải quy định rõ ràng. Các cấp và cán bộ lãnh đạo phải giúp đỡ và đôn đốc thường xuyên, phải kiểm tra chặt chẽ”(8). Bởi vì công tác tổ chức cán bộ là khoa học và nghệ thuật quyết định đến chất lượng chính trị của tổ chức bộ máy, trách nhiệm chính trị và năng lực công tác của mỗi cán bộ, công chức. Nếu làm không tốt thì hệ quả của nó sẽ dẫn tới những lệch chuẩn đáng tiếc. “Chia công việc không khéo thành ra bao biện: nhiều việc quá thì sao làm việc đến nơi đến chốn, vì thì giờ và sức lực người ta chỉ có chừng. Có kế hoạch làm việc nhưng sắp đặt công việc không khéo, phân công không sáng suốt thì việc cũng đến hỏng”(9).
 
Trong lời khai mạc Hội nghị lần thứ bảy của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa II (3/3/1955), Người nhấn mạnh đến kiện toàn bộ máy, phương pháp lề lối làm việc để nâng cao hiệu quả công tác “Tổ chức của Đảng cần phải kiện toàn hơn. Lề lối làm việc cần phải tiến bộ hơn”(10). Kiện toàn tổ chức bộ máy xét tới cùng là nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, nâng cao năng suất, hiệu quả công tác, giúp cho bộ máy hoạt động thông suốt, nhịp nhàng. Khi đề cập đến tính toàn diện của tổ chức, ở khía cạnh khác, Hồ Chí Minh còn nói đến công tác bảo vệ chính trị nội bộ, có biện pháp nhận diện loại bỏ những phần tử xấu ra khỏi Đảng, bộ máy nhà nước. Người nói “Phải luôn luôn chỉnh đốn tổ chức, loại bỏ những phần tử xấu ra khỏi Đảng. Phải bồi dưỡng, lựa chọn và dùng cán bộ một cách đúng đắn”(12).
 
Phương pháp luận trong bố trí sử dụng cán bộ được Người xác định cần tuân thủ nguyên tắc “tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy”(13). Hồ Chí Minh đã tiên lượng được những khó khăn phức tạp, tinh tế của công tác tổ chức, do đó Người mong muốn kỳ vọng làm sao cấp ủy, cơ quan tổ chức cán bộ phải bố trí đúng người, đúng việc, đúng với sở trường sở đoản của cán bộ. Người chỉ dẫn “Công việc có việc khó việc dễ, việc nặng việc nhẹ. Phải phân phối thế nào cho người đúng với việc, việc đúng với người và ai cũng có công việc, cũng phấn khởi lao động”(14). Bằng sự theo dõi, tổng kết thực tiễn, Người đã phát hiện có những trường hợp bố trí sử dụng cán bộ không đúng với tiêu chuẩn, năng lực của cán bộ “Người nói giỏi lại cho vào việc chỉ cần khéo chân tay, người viết giỏi lại cho làm việc về lao động thì nhất định không thể nào thành công được”. Không dừng lại ở quan điểm, phương hướng, phương châm củng cố kiện toàn tổ chức bộ máy, Hồ Chí Minh còn phác thảo các tác nghiệp cụ thể trong các khâu của công tác cán bộ; chẳng hạn như khâu điều động cán bộ “Khi cần điều động một người cán bộ cao cấp, thì phải nói rõ lý lịch, năng lực, ưu điểm và khuyết điểm của cán bộ ấy; và vì sao cần phải điều động”(15).
 
Phẩm chất, bản lĩnh và trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ, công chức cũng là nhân tố quan trọng tạo nên chất lượng tổ chức bộ máy, vì cán bộ là nhân tố động nhất của tổ chức. Bởi vậy hơn lúc nào hết cần “Kiện toàn tổ chức và lề lối làm việc; nâng cao tính tổ chức, tính kỷ luật và đạo đức cách mạng của toàn thể cán bộ và đảng viên”(16). Hồ Chí Minh yêu cầu “bất kỳ chỗ nào, bất kỳ việc gì, Đảng và Chính phủ đã giao thì các cô các chú phải quyết tâm làm cho trọn, không nên muốn thế này thế khác”. Đồng thời theo Người “cán bộ chăm chỉ làm việc chưa đủ, cần phải biết làm việc cho có phương pháp. Phải cần mà phải cẩn nữa”(17). 
 
Những chỉ dẫn của Hồ Chí Minh về tinh giản, kiện toàn tổ chức bộ máy là định hướng, cơ sở phương pháp luận để Đảng ta từng bước củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng tổ chức bộ máy. Điều này càng có ý nghĩa to lớn đối với công tác xây dựng Đảng và cải cách hành chính của Nhà nước ta hiện nay; khi “tình trạng vừa thừa vừa thiếu cán bộ vẫn phổ biến”.
 
Trong hơn 10 năm qua, Đảng ta đã có những chủ trương, quan điểm sắp xếp kiện toàn tổ chức bộ máy của HTCT gắn với tinh giản biên chế. Nhìn chung bộ máy của HTCT đã củng cố kiện toàn một bước; xác định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ, quy chế lề lối làm việc và quy chế phối hợp giữa các tổ chức trong HTCT. Trình độ kiến thức các mặt của cán bộ, công chức, viên chức không ngừng được nâng lên. Tuy nhiên “Tổ chức bộ máy ở nhiều cơ quan chưa hợp lý, biên chế cán bộ, công chức tăng thêm; chức năng nhiệm vụ của một số cơ quan chưa đủ rõ, còn chồng chéo. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới của đất nước” . “Thiếu cơ chế có hiệu lực để phát huy dân chủ, sắp xếp, bố trí lại đội ngũ cán bộ, thay thế kịp thời những cán bộ yếu kém, trì trệ”(18). Như vậy công tác tổ chức cán bộ giữ vai trò cực kỳ quan trọng trong hoạt động lãnh đạo của Đảng; đặt ra cho các cấp ủy đảng phải tập trung trí tuệ lãnh đạo công tác quan trọng này. Để vận dụng có hiệu quả tư tưởng Hồ Chí Minh về tổ chức bộ máy gọn nhẹ, hoạt động có hiệu quả, đặt ra cho Đảng, Nhà nước ta cần thực hiện tốt mấy vấn đề sau:
 
- Đầu tư trí tuệ nghiên cứu tổng kết về tổ chức bộ máy của HTCT, đi sâu luận giải cơ sở khoa học, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức bộ máy sao cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn hiện nay. Luận chứng cần đi sâu làm rõ vì sao phải thiết kế sự hiện diện của tổ chức bộ máy; vì sao phải sáp nhập hoặc tách ra để bộ máy hoạt động có hiệu quả. Bởi trong thực tế có những tổ chức đã tồn tại hơn 10 năm qua, sau đó giải thể nay lại lập lại.
 
- Các tổ chức, cơ quan của HTCT phải tiếp tục thực hiện đề án mô tả công việc một cách cụ thể từ đó làm cơ sở cho việc bố trí người một cách hợp lý, phù hợp với sở trường sở đoản của từng cán bộ, công chức, viên chức. Mô tả càng chi tiết thì càng có cơ sở để bố trí đúng người, với số lượng cán bộ, viên chức hợp lý không thừa không thiếu.
 
- Đảng, Nhà nước cần quy định cụ thể số lượng cấp phó trong bộ máy HTCT, lực lượng vũ trang nhằm đảm bảo thống nhất đồng bộ trong HTCT và lực lượng vũ trang. Thực tế cho thấy đang có tình trạng lạm phát cấp phó dẫn tới lãng phí trong bố trí ngân sách và chế độ công vụ.
 
- Tưng bước nhân rộng thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý làm sao đảm bảo khách quan, trung thực, công bằng, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay.
 
Tài liệu tham khảo
 
(1); (3); (8); (10); (11); (12); (16) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, tập 7, tr.185; tr.130; tr.91; tr.487; tr.392; tr.235; tr.488
(2); (5); (6); (7); (15) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, tập 6, tr.296; tr.17; tr.281; tr.513; tr.77
(4); (5); (9); (13); (17) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, tập 4, tr.38; tr.38; tr.38-39; tr.39; tr.39
(18) Nghị quyết Trung ương 9 khóa X, tr.209
(19) Nghị quyết Đại hội X, Nxb CTQG, H, 2006, tr.270
(20) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, tập 5, tr.280
 
PGS, TS.Nguyễn Thế Tư