85 năm truyền thống Ngành Tuyên giáo Lâm Đồng (1/8/1930-1/8/2015)

03:08, 01/08/2015

(LĐ online) - Cách đây 85 năm, ngày 1/8/1930, Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng  Cộng sản Việt Nam cho xuất bản cuốn tài liệu "Ngày quốc tế đỏ 1/8" nhân dịp kỷ niệm ngày quốc tế đấu tranh chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ hoà bình, bảo vệ Liên bang Xô - viết, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc, kêu gọi binh lính đoàn kết với nhân dân, hưởng ứng cuộc đấu tranh chống chiến tranh đế quốc...

(LĐ online) - Cách đây 85 năm, ngày 1/8/1930, Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng  Cộng sản Việt Nam cho xuất bản cuốn tài liệu “Ngày quốc tế đỏ 1/8” nhân dịp kỷ niệm ngày quốc tế đấu tranh chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ hoà bình, bảo vệ Liên bang Xô - viết, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc, kêu gọi binh lính đoàn kết với nhân dân, hưởng ứng cuộc đấu tranh chống chiến tranh đế quốc. Bản tài liệu này có sức cổ vũ to lớn đối với quần chúng công - nông nước ta đứng lên đấu tranh. Từ đó, ngày 1/8 trở thành cột mốc lớn trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, đánh dấu một hoạt động rất có ý nghĩa trong công tác tuyên giáo của Đảng. Xuất phát từ Bản tài liệu và sự kiện lịch sử có ý nghĩa chính trị to lớn đó, năm 2000, Bộ Chính trị Trung ương Đảng (khoá VIII) đã quyết định lấy ngày 1/8 hàng năm làm Ngày truyền thống công tác Tư tưởng-Văn hóa của Đảng. Đến năm 2007, sau khi Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương và Ban Khoa giáo Trung ương hợp nhất thành Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) đã quyết định lấy ngày 1 tháng 8 hàng năm làm Ngày truyền thống công tác Tuyên giáo của Đảng.
 
Trải qua 85 năm xây dựng và trưởng thành, tên gọi cơ quan tham mưu của Đảng về công tác tuyên giáo tuy có khác nhau, cơ cấu tổ chức và đội ngũ những người làm công tác tuyên giáo cũng có những thay đổi, song chức năng tham mưu về chính trị, tư tưởng; về chủ trương, đường lối, quan điểm và chính sách của Đảng trong lĩnh vực tuyên truyền, báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ và một số lĩnh vực xã hội cho Đảng là không thay đổi và xuyên suốt trong công tác xây dựng Đảng; đồng thời là cơ quan chuyên môn, nghiệp vụ của Đảng trên các lĩnh vực công tác đó.
 
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng và Bác Hồ luôn khẳng định: công tác chính trị, tư tưởng, khoa giáo là một bộ phận cấu thành đặc biệt quan trọng không thể tách rời trong toàn bộ hoạt động của Đảng, là sức mạnh to lớn, là vũ khí sắc bén trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “công việc thành hay là bại một phần lớn là do tư tưởng đạo đức, thái độ và lề lối làm việc của các đồng chí”, do đó “toàn Đảng phải tư tưởng nhất trí, hành động nhất trí, đoàn kết nhất trí mới làm tròn nhiệm vụ của Đảng” và Người cũng yêu cầu công tác tuyên giáo là phải: “Tuyên truyền để làm cho những người đã yêu quý thì yêu quý chúng ta hơn, những người chưa hiểu thì hiểu đúng và đi đến yêu quý chúng ta, thậm chí làm cho những người chống đối chúng ta thì bớt hung hăng đi”. Thấm nhuần lời dạy đó của Người, 85 năm qua, công tác tuyên giáo đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng, góp phần quan trọng vào việc hình thành cương lĩnh, đường lối chính trị đúng đắn của Đảng, đề ra những khẩu hiệu hành động đúng lúc và sát hợp với nhiệm vụ chính trị của từng giai đoạn cách mạng; truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước đến quần chúng nhân dân, biến đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước thành hành động tự giác của hàng triệu triệu quần chúng, thành cao trào cách mạng, góp phần đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. 
 
Tám mươi lăm năm qua, đội ngũ những người làm công tác tuyên giáo của Đảng được tôi luyện trong thực tiễn, không ngừng trưởng thành và ngày càng lớn mạnh; luôn là những người tiên phong đi trước, đấu tranh không mệt mỏi cho lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Ngày nay, đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo của Đảng không chỉ lớn mạnh về số lượng, dạn dày về kinh nghiệm mà còn có hệ thống tổ chức chặt chẽ, rộng khắp từ Trung ương xuống tận cơ sở; được trang bị phương tiện và điều kiện hoạt động ngày càng tốt hơn và là chỗ dựa về hoạt động tinh thần của toàn xã hội.  
 
Cùng với cả nước, công tác tuyên giáo Lâm Đồng được hình thành và phát triển gắn liền với lịch sử Đảng bộ tỉnh. Tháng 4 năm 1930, chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên được thành lập tại Đà Lạt. Nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư tưởng giai đoạn 1930-1945 là tuyên truyền, giác ngộ cách mạng cho công nhân và những đoàn viên, hội viên ưu tú trong các đoàn thể quần chúng; mở các lớp bồi dưỡng cán bộ; vận động nhân dân tham gia Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc ở Lâm Đồng; vạch mặt âm mưu, thủ đoạn lừa bịp của thực dân Pháp, phát xít Nhật. Trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, công tác tuyên truyền được tiến hành khẩn trương, từ việc chuẩn bị lực lượng, phổ biến kế hoạch hành động, viết khẩu hiệu đến việc thuyết phục, kêu gọi chính quyền thân Nhật đầu hàng. Vì vậy, cuộc khởi nghĩa của quân dân hai tỉnh Lâm Viên và Đồng Nai Thượng (tiền thân của Lâm Đồng ngày nay) đã giành được thắng lợi nhanh chóng, trọn vẹn.
 
Chín năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp (1945-1954), công tác tuyên giáo tỉnh nhà đã bám sát địa bàn để tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia kháng chiến, xây dựng cơ sở cách mạng; tham gia xây dựng các phòng tuyến chiến đấu; vạch trần bộ mặt xâm lược của thực dân Pháp; đẩy mạnh sản xuất tự túc lương thực, bảo đảm đời sống cho bộ đội và nhân dân, thành lập phòng bình dân học vụ, mở các lớp bồi dưỡng giáo viên và động viên mọi người tham gia học xoá mù chữ,  học bổ túc văn hoá… Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên  nhận thức của cán bộ, đảng viên, chiến sỹ và các tầng lớp nhân dân được nâng cao; tạo được lòng tin và sự đồng thuận của nhân dân đối với cách mạng, góp phần vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
 
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi, đế quốc Mỹ phá hoại Hiệp định Giơnevơ chiếm lấy miền Nam, đất nước tạm thời chia cắt làm hai miền. Nhân dân các dân tộc tỉnh Lâm Đồng tiếp tục cùng với nhân dân cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trường kỳ suốt 21 năm vô cùng gian khổ, ác liệt nhưng thật anh dũng và tự hào. Trải qua từng giai đoạn thăng trầm của chiến tranh, nhất là trong mỗi bước ngoặt của lịch sử, đội ngũ làm công tác tuyên giáo tỉnh nhà đã kịp thời tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị trong các cơ quan, đơn vị, tuyên truyền trong nhân dân để quán triệt các chỉ thị, nghị quyết, các chủ trương, đường lối của Đảng, làm cho cán bộ, đảng viên, chiến sỹ và các tầng lớp nhân dân thấy rõ thắng lợi to lớn, toàn diện của quân và dân miền Nam trong các cuộc tấn công địch, thấy được âm mưu và thủ đoạn của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai qua mỗi chiến lược chiến tranh. Từ đó, động viên mọi lực lượng quyết tâm đánh bại các chiến lược của kẻ thù góp phần cùng quân và dân cả nước tiến hành thắng lợi Cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
 
Trong những năm đầu sau khi miền Nam được giải phóng, đất nước độc lập; đứng trước vô vàn khó khăn, thử thách, nhiệm vụ công tác tuyên giáo lúc đó là vận động nhân dân đẩy mạnh sản xuất, chống giặc đói, giặc dốt; đẩy mạnh tuyên truyền nhiệm vụ tiếp tục truy quét địch, truy quét Fulro, thiết lập trật tự an ninh, hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, ổn định đời sống nhân dân,  xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng…
 
Đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986), Đảng ta đã khởi xướng sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đòi hỏi công tác tuyên giáo cũng phải đổi mới. Nhiệm vụ của công tác tuyên giáo lúc này là tập trung tổ chức học tập, quán triệt và tuyên truyền đường lối đổi mới của Đảng để mọi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hiểu, đồng tình ủng hộ, góp phần đưa đường lối đổi mới của Đảng đi vào cuộc sống, khơi dậy sự sáng tạo, sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, địa phương và các tầng lớp nhân dân vượt qua khó khăn, thách thức lập nên những thành tựu to lớn về kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng. 
 
Trải qua gần 30 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới (1986 – 2015), công tác tuyên giáo Lâm Đồng đã đạt được nhiều thành tích, góp phần chung vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Song trước yêu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, công tác tuyên giáo vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập như: công tác giáo dục phẩm chất đạo đức, lối sống cho các tầng lớp nhân dân chưa được chú trọng và quan tâm đúng mức; việc nắm bắt dư luận xã hội, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân chưa kịp thời nên công tác tham mưu định hướng dư luận xã hội nhất là đối với những vấn đề nhạy cảm, bức xúc chưa đạt yêu cầu và hiệu quả cao. Công tác tuyên truyền chưa thực sự đổi mới và mang tính hấp dẫn, đa dạng nên hiệu quả thuyết phục không cao, chưa phát huy đồng bộ các kênh tuyên truyền, đặc biệt là công tác tuyên truyền miệng. Định hướng dư luận và hoạt động báo chí thiếu kịp thời, chưa nhạy cảm, sắc bén trước các vấn đề nổi cộm, bức xúc trong nhân dân; công tác lý luận và tổng kết thực tiễn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra; một số yếu kém của các ngành trong lĩnh vực tuyên giáo chậm được khắc phục; đội ngũ làm công tác tuyên giáo có nguy cơ hụt hẫng về số lượng, bất cập về chất lượng…
 
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay tạo nên các thời cơ và thách thức cho nước ta nói chung và Lâm Đồng nói riêng; thế giới tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất trắc khó lường; đặc biệt là tình hình biển Đông và những tranh chấp chủ quyền biển, đảo; âm mưu “diễn biến hoà bình”, gây mất đoàn kết nội bộ, tạo sự chuyển hoá trong nội bộ Đảng…Tình hình đó sẽ thường xuyên tác động đến tư tưởng của cán bộ, đảng viên, nhân dân theo cả chiều thuận và nghịch, đòi hỏi công tác tuyên giáo phải thực sự nhanh nhạy, sắc bén trong việc nắm và định hướng dư luận; thực hiện phương châm đi trước đón đầu; “lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy cái tích cực đẩy lùi cái tiêu cực”; bám  sát thực tiễn, tham gia tổng kết và nhân rộng các điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; mở rộng dân chủ, tăng cường đối thoại, nâng cao tính chiến đấu và hiệu quả công tác tuyên truyền; thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước; cổ vũ, động viên mọi người, mọi ngành và các địa phương phấn đấu hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2015 và mục tiêu kế hoạch 5 năm 2010-2015 đã được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX đề ra để thiết thực chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X  tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
 
Nguyễn Thị Mỵ