Công tác tư tưởng trong giai đoạn hiện nay

03:08, 01/08/2015

(LĐ online) - Tư tưởng và đấu tranh tư tưởng là sản phẩm của lịch sử, nó như một dòng chảy từ xa xưa đến nay, bởi vì con người không bao giờ ngừng suy nghĩ, tìm tòi lối đi và lời giải đáp cho đời sống thực tại của mình. Và đương nhiên, con người ngày càng hoàn thiện hơn nhận thức của mình đối với tự nhiên, xã hội và chính bản thân mình...

(LĐ online) - Tư tưởng và đấu tranh tư tưởng là sản phẩm của lịch sử, nó như một dòng chảy từ xa xưa đến nay, bởi vì con người không bao giờ ngừng suy nghĩ, tìm tòi lối đi và lời giải đáp cho đời sống thực tại của mình. Và đương nhiên, con người ngày càng hoàn thiện hơn nhận thức của mình đối với tự nhiên, xã hội và chính bản thân mình. Do những thành tựu về khoa học, con người ngày càng thông minh hơn, tự tin hơn, được trang bị khả năng lớn hơn để tồn tại và phát triển.
 
Công tác tư tưởng có sức mạnh riêng của nó, trong cuộc đấu tranh giai cấp, vai trò của nó rất lớn. C.Mác đã từng chỉ rõ: “Vũ khí của sự phê phán cố nhiên không thay thế được sự phê phán của vũ khí, lực lượng vật chất chỉ có thể bị đánh đổ bằng lực lượng vật chất; nhưng lý luận cũng sẽ trở thành lực lượng vật chất, một khi nó xâm nhập vào quần chúng”. Thực ra, công tác tư tưởng không phải là chiếc đũa thần, muốn đổi màu hoặc thay đổi hình thù của thực tiễn là được. Công tác tư tưởng có thể nâng mặt tốt, mặt thiện, mặt đẹp lên vị trí chủ đạo - giữ vai trò chi phối. Muốn thế, tư tưởng phải hóa thân, đủ độ rung cảm để chuyển hóa cái xấu nhiều thành xấu ít và cao hơn là cái tốt.
 
Bối cảnh quốc tế hiện nay tác động đến công tác tư tưởng. Trên thế giới, những năm tới tình hình còn nhiều diễn biến rất phức tạp, nhưng hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn. Quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh. Hợp tác, cạnh tranh, đấu tranh và sự tùy thuộc lẫn nhau giữa các nước, nhất là các nước lớn ngày càng tăng. Cuộc cách mạng khoa học-công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin tiếp tục phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy sự phát triển nhảy vọt trên nhiều lĩnh vực, tạo ra thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia.
 
Tình hình chính trị-an ninh thế giới thay đổi nhanh chóng, diễn biến rất phức tạp, khó lường; tình trạng xâm phạm chủ quyền quốc gia, tranh chấp lãnh thổ và tài nguyên, tranh chấp chủ quyền biển, đảo trong khu vực và Biển Đông tiếp tục diễn ra gay gắt; xung đột sắc tộc, tôn giáo, can thiệp lật đổ, khủng bố, chiến tranh mạng, chiến tranh cục bộ,… vẫn xảy ra ở nhiều khu vực.
 
Cục diện thế giới theo xu hướng đa cực, đa trung tâm diễn ra nhanh hơn. Các nước lớn điều chỉnh chiến lược, vừa hợp tác, thỏa hiệp, vừa cạnh tranh, đấu tranh kiềm chế lẫn nhau, tác động mạnh đến cục diện thế giới và khu vực. Những biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa cường quyền áp đặt, chủ nghĩa thực dụng ngày càng nổi lên trong quan hệ quốc tế. Những vấn đề toàn cầu như an ninh tài chính, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, thiên tai dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp. Kinh tế thế giới phục hồi chậm, gặp nhiều khó khăn, thách thức và có nhiều biến động khó lường… Biến động của giá cả, sự bất ổn về tài chính, tiền tệ và vấn đề nợ công tiếp tục gây ra những hiệu ứng bất lợi đối với nền kinh tế thế giới. Tương quan sức mạnh kinh tế giữa các quốc gia, khu vực có nhiều thay đổi. 
 
Ở trong nước, thế và lực, sức mạnh tổng hợp của đất nước tăng lên, uy tín quốc tế của đất nước ngày càng được nâng cao, tạo ra những tiền đề quan trọng, tạo niềm tin và động lực để nhân dân ta thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
 
Mặc dù kinh tế từng bước ra khỏi tình trạng suy giảm, lấy lại đà tăng trưởng, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế vĩ mô ổn định chưa vững chắc; nợ công tăng nhanh, nợ xấu đang giảm dần nhưng còn ở mức cao, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh thấp.
 
Bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra vẫn còn nguyên giá trị, nhất là nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới, nguy cơ “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch nhằm chống phá nước ta; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí diễn biến phức tạp; khoảng cách giàu-nghèo, phân hóa xã hội ngày càng tăng, đạo đức xã hội có mặt xuống cấp đáng lo ngại, làm giảm lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Đảng và Nhà nước. Bảo vệ chủ quyền biển, đảo đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn. Tình hình chính trị-xã hội ở một số địa bàn còn tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định.
 
Có thể nói, tình hình thế giới và trong nước tạo ra cả thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới to lớn, phức tạp hơn đối với sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước và bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, đòi hỏi Đảng, Nhà nước và nhân dân ta phải nỗ lực phấn đấu mạnh mẽ hơn.
 
Nhìn lại thời gian qua, công tác tư tưởng của Đảng có nhiều cố gắng, chất lượng, hiệu quả của công tác tư tưởng, lý luận có bước được nâng lên. Công tác tư tưởng được coi trọng và tăng cường, góp phần tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội. Tích cực đấu tranh với hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phản động, chủ động phòng ngừa, đấu tranh phê phán, ngăn chặn những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận được đẩy mạnh hơn. Đã coi trọng rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân trong cán bộ, đảng viên. Việc thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW, ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đạt được kết quả bước đầu quan trọng.
 
Để làm tốt hơn nữa công tác tư tưởng, thời gian tới cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức nâng cao hơn nữa tính chiến đấu, tính thuyết phục, hiệu quả công tác tư tưởng; đẩy mạnh tuyên truyền, học tập Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước phù hợp với từng đối tượng theo hướng cụ thể, thiết thực, hiệu quả. Đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên. Đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống; ngăn chặn đẩy lùi những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Tăng cường đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phản động; chủ động ngăn chặn, phản bác các thông tin, quan điểm xuyên tạc, sai trái thù địch. Thực hiện nền nếp việc bồi dưỡng lý luận chính trị, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên.
 
Kỷ niệm 85 năm Ngày truyền thống công tác Tuyên giáo của Đảng, chúng ta tự hào về những thành tựu mà các thế hệ nối tiếp nhau đã tạo dựng nên. Chúng ta biết ơn các thế hệ đi trước để lại những bài học quý báu. Chúng ta mong muốn cấp ủy, chính quyền quan tâm tạo điều kiện cho công tác này bằng cả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, cũng như chính sách, chế độ đối với họ. Chúng ta mong muốn những người có chức, có quyền phải là những người làm công tác tư tưởng số một với cái tâm trong sáng, tinh thần trách nhiệm, công minh, trung thực, yêu cái thiện đến cùng. Lòng dân là bài học chung cho tất cả các lĩnh vực, nhưng nó xuyên suốt trong công tác tư tưởng, nhất là ngày nay, trình độ dân trí được nâng lên, nhân dân rất tinh tường trong phân biệt đúng - sai, nhân dân mới là người bảo vệ và tạo điều kiện cho Đảng ta tồn tại và phát triển.
 
Khuất Minh Phương