Sáng ngày 9/8, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X Hội Nhà báo Việt Nam đã họp phiên chính thức sau hai ngày họp nội bộ. Tới dự Đại hội có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Tô Huy Rứa;
Sáng ngày 9/8, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X Hội Nhà báo Việt Nam đã họp phiên chính thức sau hai ngày họp nội bộ. Tới dự Đại hội có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Tô Huy Rứa; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh; lãnh đạo các ban, bộ, ngành; các nhà báo lão thành...
|
BCH khóa X ra mắt đại hội |
Đại hội đã đánh giá, kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ IX Hội Nhà báo Việt Nam; kiểm điểm đánh giá việc thực hiện những chủ trương, nhiệm vụ về công tác báo chí nêu trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng; 10 năm thực hiện Chỉ thị 37-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa IX) về “Nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong thời kì mới”; 8 năm thực hiện Thông báo kết luận số 221-TB/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tiếp tục nâng cao vị trí, vai trò, chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cấp Hội Nhà báo Việt Nam”…
Đại hội cũng đã tiến hành bầu Ban Chấp hành khóa X gồm 57 người. Ban Chấp hành cũng đã bầu ra Ban Thường vụ gồm 11 người. Ông Thuận Hữu, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khóa IX tiếp tục được bầu giữ chức Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khóa X, nhiệm kỳ 2015-2020.
Phát biểu chỉ đạo Đại hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chúc mừng, biểu dương những thành tựu, cống hiến mà các thế hệ nhà báo Việt Nam đã đóng góp cho sự nghiệp phát triển của dân tộc. Tổng Bí thư nhấn mạnh báo chí là binh chủng trên mặt trận tư tưởng. Trong bối cảnh thông tin đang phát triển như vũ bão ngày nay, nhà báo cần nâng cao chất lượng nghiệp vụ, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của công chúng.
Tuy nhiên, Tổng Bí thư cũng đề cập đến những hạn chế, khuyết điểm của báo chí, đó là còn có những biểu hiện thiếu nhạy bén chính trị, chưa làm tốt chức năng định hướng dư luận, chưa thực hiện tốt tôn chỉ mục đích, đưa tin chưa trung thực, thiếu chính xác, giật gân, câu khách, lộ bí mật, khai thác thông tin nước ngoài thiếu chọn lọc, một số phóng viên còn vi phạm đạo đức nghề nghiệp, thậm chí vi phạm pháp luật; việc xử lý vi phạm trong hoạt động báo chí còn có lúc chưa nghiêm... Tổng Bí thư cũng đề cập đến tình trạng một số hội nhà báo địa phương hoạt động còn hình thức. Tổng Bí thư yêu cầu thời gian tới cần hoàn thiện cơ chế hoạt động của Hội Nhà báo để đồng hành hiệu quả với nền báo chí nước nhà. Tổng Bí thư nhấn mạnh báo chí phải làm sao góp phần tạo nên sự đồng tâm, đồng thuận xã hội. Mỗi nhà báo, cơ quan báo chí cần phát huy truyền thống vẻ vang trong suốt 90 năm qua; xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, nêu cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân và đạo đức nghề nghiệp để hoàn thành tốt chức năng nhiệm vụ được giao, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, mong đợi của Nhà nước và nhân dân.
VĂN DUẨN