Lan tỏa mô hình chào cờ ở thôn

08:08, 12/08/2015

Cứ vào sáng thứ hai đầu tháng, khắp các thôn, xóm ở huyện Đức Trọng, bà con người Kinh, người K' Ho, người Thái, người Tày... cùng hát vang bài Quốc ca và nghe những câu chuyện kể về tấm gương đạo đức của Bác.

Cứ vào sáng thứ hai đầu tháng, khắp các thôn, xóm ở huyện Đức Trọng, bà con người Kinh, người K’ Ho, người Thái, người Tày... cùng hát vang bài Quốc ca và nghe những câu chuyện kể về tấm gương đạo đức của Bác.
 
Quang cảnh buổi chào cờ tại thôn Đại Ninh
Quang cảnh buổi chào cờ tại thôn Đại Ninh

Tùy vào điều kiện thời tiết, nếu những ngày trời đẹp, khô ráo, lãnh đạo các thôn sẽ tổ chức chào cờ lúc 6h để bà con kịp đi làm sớm. Còn nếu mưa gió, lễ chào cờ sẽ được lùi lại lúc 7h sáng. Buổi chào cờ thường được tổ chức tại hội trường hay nhà sinh hoạt cộng đồng thôn, do các đồng chí trong Chi bộ thôn thay nhau điều hành. Ông Nguyễn Ngọc Huyên - Chủ tịch UBND xã Ninh Gia, cho biết: “Ban đầu, lễ chào cờ chỉ có sự tham gia của các đồng chí trong Chi bộ, các cơ quan, đoàn thể, người có uy tín trong thôn, sau đó bà con trong thôn đã tự nguyện tham gia rất đông”.
 
Bà Nguyễn Thị Thu Hương - Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đức Trọng, cho biết thêm: “Các thôn không rập khuôn theo tài liệu tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Huyện ủy, mà các đồng chí trong Chi bộ thôn thay nhau thực hiện một bài viết và trình bày nhận thức về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo chủ đề của TW, gắn với chủ trương của Ban Thường vụ Đảng ủy xã. Phần nghi thức có thể giống những buổi chào cờ khác, song những vấn đề liên hệ trong buổi chào cờ ở thôn không hề nặng tính lý luận, mà lại sâu sát với thực tiễn. Bà con dễ nghe, dễ hiểu, dễ thực hiện”.
 
Có mặt tại buổi chào cờ ở thôn Đại Ninh, xã Ninh Gia, Trưởng thôn Lê Anh Duyên nói với bà con: “Chuẩn bị vào năm học mới, các bậc cha mẹ phải chuẩn bị quần áo, sách vở, giày dép đầy đủ cho con em đi học. Nhà nào có con đến tuổi đi học mẫu giáo, phải đưa các cháu đến trường. Đi học các cháu được hát múa, được các cô giáo chăm sóc sạch sẽ. Cha mẹ đi làm sẽ không sợ con mình ở nhà chạy lung tung dễ bị rơi xuống ao hồ, chạy ra đường bị xe đụng. Bà con ta nên cố gắng tham gia bảo hiểm y tế kẻo lỡ ốm đau nặng không có bảo hiểm thì tiền đâu mà mua thuốc...”. Không chỉ ở Đại Ninh, mà tất cả các thôn khác, nhất là những thôn có nhiều bà con dân tộc thiểu số, những vấn đề liên hệ thực tiễn sau khi kể chuyện về Bác đều rất gần gũi. Là việc bố mẹ tắm cho con phải tắm cho sạch, không để các cháu nghịch bẩn sẽ bị sán trong bụng; nuôi heo gà phải có rào chắn, không để chúng chạy rông ngoài đường; bà con không được vứt rác bừa bãi... Thông qua những buổi chào cờ, những câu chuyện về tấm gương đạo đức của Bác, các vấn đề bức xúc, nổi cộm của người dân được giải quyết kịp thời. Bà con ý thức hơn đến việc chăm lo lao động, sản xuất; ăn ở hợp vệ sinh; trách nhiệm trong việc xây dựng nông thôn mới...
 
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, cho hay: “Mô hình này xuất phát từ sáng kiến của xã Phú Hội năm 2012. Sau khi mô hình được triển khai có hiệu quả, lãnh đạo huyện Đức Trọng đã tiến hành sơ kết, rút kinh nghiệm tại xã Phú Hội và nhân rộng ra tất cả các xã, thị trấn trong huyện. Đến nay, toàn huyện đã có 102/177 thôn, tổ dân phố tổ chức chào cờ đầu tháng”.
 
Đánh giá về mô hình này ở Đức Trọng, ông Trương Văn Thu - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã nhận định: “Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tiến hành kiểm tra đột xuất tại các thôn ở Đức Trọng và kết quả hết sức vui mừng. Đó thực sự là một cách làm rất hay và cần được nhân rộng. Mô hình này đang và sẽ được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nhân rộng ra toàn tỉnh”. 
 
Tuy nhiên, để mô hình này duy trì có hiệu quả, đòi hỏi các cán bộ đảng viên trong Chi bộ thôn phải xung kích đi đầu, gương mẫu thực hiện để nhân dân noi theo. Mặt khác, lãnh đạo các thôn cũng cần có nhiều thay đổi, đa dạng hơn nội dung buổi sinh hoạt, nhằm phù hợp với tình hình thực tế, nhiệm vụ công tác ở địa phương, tạo sự hấp dẫn để thu hút thêm nhiều bà con nhân dân tham gia.
 
NGỌC NGÀ