Tại cuộc giao ban công tác dân vận 6 tháng đầu năm 2015, đồng chí Vũ Công Tiến - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Lâm Đồng đánh giá: Sau hai năm thực hiện Nghị quyết 217, 218/NQ-TW của Bộ Chính trị, Lâm Đồng là địa phương tổ chức triển khai thực hiện đạt kết quả khá tốt...
Tại cuộc giao ban công tác dân vận 6 tháng đầu năm 2015, đồng chí Vũ Công Tiến - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Lâm Đồng đánh giá: Sau hai năm thực hiện Nghị quyết 217, 218/NQ-TW của Bộ Chính trị, Lâm Đồng là địa phương tổ chức triển khai thực hiện đạt kết quả khá tốt. Mặt trận và các đoàn thể chính trị, xã hội (MT & CĐTCT, XH) đã thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội (GS, PBXH). Tuy nhiên, cũng còn nhiều việc phải tiếp tục bổ sung, khắc phục, nhằm thực hiện tốt hơn Nghị quyết 217, 218/NQ-TW của Bộ Chính trị trong công tác giám sát, phản biện xã hội.
Sau khi Bộ Chính trị có Nghị quyết 217, 218/NQ-TW, Tỉnh ủy có nhiều công văn, quyết định giao Đảng, đoàn, MTTQVN tỉnh phối hợp với các ĐTCT, XH hàng năm căn cứ Quy chế của Bộ Chính trị xây dựng Kế hoạch giám sát, phản biện xã hội và quy định MTTQVN tỉnh, các ĐTCT, XH và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, giao Ban Dân vận Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp Văn phòng Tỉnh ủy, các ban Đảng của Tỉnh ủy, Đảng, đoàn, MTTQVN tỉnh tổ chức học tập, phổ biến, quán triệt, hướng dẫn, đôn đốc việc triển khai thực hiện NQ 217, 218/NQ-TW của Bộ Chính trị trên địa bàn tỉnh. Thực hiện các công văn, quyết định của Tỉnh ủy, Ban Thường trực MTTQ tỉnh đã tổ chức Hội nghị quán triệt, phổ biến nội dung NQ 217, 218/NQ-TW của Bộ Chính trị cho gần 120 chức sắc, tôn giáo và tập huấn công tác giám sát, phản biện xã hội cho gần 700 cán bộ mặt trận các cấp trong toàn tỉnh và thành lập Hội đồng tư vấn giám sát, phản biện xã hội trực thuộc UBMTTQVN tỉnh. Nhờ vậy, tuy bước đầu thực hiện chức năng GS, PBXH còn gặp một số lúng túng, bỡ ngỡ, nhưng MTTQVN và ĐTCT, XH các cấp đã thực hiện khá thành công chức năng GS, PBXH. Qua giám sát, những kiến nghị của các đoàn đã được các cấp, các ngành giải quyết rốt ráo, hoặc có kế hoạch giải quyết đúng quy định của chính sách, pháp luật, các quy định của Đảng - Nhà nước. Qua đó, MTTQ và các ĐTCT, XH đã phát huy được vai trò làm chủ của nhân dân, thể hiện trách nhiệm đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân.
Về chức năng phản biện xã hội, MTTQVN tỉnh và các ĐTCT, XH đã tập trung phản biện Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị năm 2014, 2015 của Tỉnh ủy; dự thảo Quy định quản lý đất đai đối với các hộ gia đình, cá nhân là đồng bào DTTS trên địa bàn Lâm Đồng; Quy định về công tác Thi đua, khen thưởng, chính sách đối với cán bộ không chuyên trách cấp xã… của UBND tỉnh. Nội dung phản biện được UBND tỉnh đánh giá cao và tiếp thu, bổ sung, hoàn chỉnh dự thảo. Thông qua hoạt động PBXH, đã nâng cao tính chủ động, ý thức trách nhiệm của MTTQ và các ĐTCT, XH, quy tụ và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức, chuyên gia trên các lĩnh vực tham gia góp ý, phản biện.
Cùng với việc thực hiện chức năng GS, PBXH đạt được những kết quả khả quan nói trên, 2 năm qua, định kỳ 6 tháng cuối năm và cuối năm, MTTQ tỉnh và các ĐTCT, XH tỉnh tổ chức Hội nghị góp ý báo cáo xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Thông qua ý kiến đóng góp của cử tri, MTTQ tỉnh và các ĐTCT, XH tỉnh đã tổng hợp, báo cáo, phản ánh tại các kỳ họp của Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh và thường xuyên tổ chức cho cán bộ đoàn viên, hội viên, nhân dân tham gia góp ý, phản biện dự thảo văn kiện đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015-2020, chủ trì, hoặc phối hợp chủ trì đối thoại trực tiếp với nhân dân, hoặc đại biểu các tầng lớp nhân dân ở cả 3 cấp khi có vấn đề cần có sự thống nhất, tạo sự đồng thuận xã hội để tổ chức thực hiện. Qua đối thoại, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền trả lời thấu tình, đạt lý, được nhân dân tin tưởng, hoan nghênh, ủng hộ. Nhờ vậy, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả cao trong mọi mặt đời sống CT-KT-XH ở địa phương.
Tuy nhiên, việc thực hiện chức năng GS, PBXH của MTTQ và các ĐTCT, XH 2 năm qua vẫn còn bộc lộ một số mặt hạn chế, đó là: Sự phối kết hợp giữa MTTQ và các ĐTCT, XH đôi lúc, đôi nơi còn thiếu chặt chẽ, đồng bộ; chất lượng GS, PBXH nhìn chung chưa cao, thiếu chiều sâu. Một số địa phương chậm triển khai thực hiện chức năng GS, PBXH còn lúng túng trong lựa chọn nội dung GS, PBXH, nhất là ở cấp xã. Đặc biệt, hậu của GS, PBXH chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến hiệu quả chưa cao. Những hạn chế, tồn tại này đã được đồng chí Vũ Công Tiến chỉ ra, đồng thời đưa ra một số biện pháp, giải pháp khắc phục, sửa chữa để việc thực hiện chức năng GS, PBXH của MTTQ và các ĐTCT, XH trong thời gian tới đạt kết quả cao hơn.
HOÀNG VƯƠNG MỸ