Mấy suy nghĩ về cơ cấu người dân tộc thiểu số trong bầu cử cấp ủy hiện nay

04:08, 03/08/2015

(LĐ online) - Trong Đại hội Đảng các cấp, nhân sự được coi là một trong những nội dung quan trọng quyết định thành công của Đại hội. Trong khâu nhân sự thì tiêu chuẩn và cơ cấu là hai nội dung xuyên suốt, tác động làm tiền đề cho nhau, đặt ra cho các cấp ủy đương nhiệm và Đại hội đảng các cấp phải quán triệt, tổ chức thực hiện tốt.

(LĐ online) - Trong Đại hội Đảng các cấp, nhân sự được coi là một trong những nội dung quan trọng quyết định thành công của Đại hội. Trong khâu nhân sự thì tiêu chuẩn và cơ cấu là hai nội dung xuyên suốt, tác động làm tiền đề cho nhau, đặt ra cho các cấp ủy đương nhiệm và Đại hội đảng các cấp phải quán triệt, tổ chức thực hiện tốt. Chất lượng cấp ủy thể hiện chất lượng của từng cấp ủy viên và cơ cấu. Chất lượng cấp ủy quyết định đến năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng-vững mạnh trên cả ba mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đặc biệt đối với các xã, huyện, tỉnh mà có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số thì việc coi trọng cơ cấu cán bộ dân tộc thiểu số tham gia vào cấp ủy cũng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng; lãnh đạo, chỉ đạo các mặt công tác trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao đời sống các mặt cho đồng bào. Mặt khác tiếng nói của  các cấp ủy viên người dân tộc thiểu số sẽ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng, nhà nước cũng thuận lợi hơn. Bởi họ hiểu được tập quán, phong tục, nguyện vọng của các dân tộc thiểu số. Nhận rõ tính cấp thiết của việc xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số trước thời kỳ phát triển mới, Đại hội XI chỉ rõ “Làm tốt công tác quy hoạch và tạo nguồn cán bộ, chú ý cán bộ trẻ, nữ, dân tộc thiểu số” (1).

Tiêu chuẩn là những tiêu chí thể hiện phẩm chất và năng lực (đức-tài) của người cán bộ nói chung, cấp ủy viên nói riêng. Cơ cấu phản ánh mối quan hệ giới tính, các bộ phận, các dân tộc trong một tập thể cấp ủy. Một tập thể cấp ủy có chất lượng phải thể hiện đầy đủ các thành tố đó. Đương nhiên cơ cấu phải dựa trên tiêu chuẩn. Hướng dẫn công tác nhân sự cấp ủy tại đại hội đảng bộ các cấp tiến tới đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, ngày 18-8-2014 của Ban Tổ chức Trung ương chỉ rõ “tỷ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số phù hợp với cơ cấu dân cư của từng địa phương và phải bằng hoặc cao hơn khóa hiện nay” (2). Đến nay đại hội đảng bộ cấp cơ sở về cơ bản đã hoàn thành; các tổ chức đảng đã thực hiện tốt Chỉ thị 36 của Bộ Chính trị, Hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương về Đại hội đảng bộ các cấp. Tiêu chuẩn và cơ cấu cấp ủy được các cấp ủy đương nhiệm, đại hội đảng cấp cơ sở quán triệt và thực hiện tương đối tốt. Trình độ kiến thức các mặt của cấp ủy viên cơ sở cao hơn nhiệm kỳ 2010-2015. Cấp ủy viên người dân tộc thiểu số chiếm 12,6%; một số tỉnh có tỷ lệ trên 50%, riêng tỉnh Bắc Cạn chiếm 77% (3). Tuy nhiên một số cấp ủy chưa quán triệt tốt Chỉ thị 36 của Bộ Chính trị, nhất là trong cơ cấu cấp ủy, do đó một số đảng bộ xã tỷ lệ cấp ủy viên người dân tộc thiểu số chưa đảm bảo quy định. Một số cấp ủy viên, đảng viên khi thảo luận về nhân sự lại nhấn mạnh về tiêu chuẩn mà coi nhẹ cơ cấu, nhất là cơ cấu dân tộc. Một số chủ tịch đoàn chưa nắm vững nguyên tắc và hướng xử lý khi các đại biểu giới thiệu thêm danh sách ứng viên để bầu cử. Tình huống đó thể hiện một số đại biểu giới thiệu thêm chủ yếu là người Kinh mà không chú ý đến cơ cấu, hoặc trường hợp khác đại biểu giới thiệu người dân tộc thiểu số nhưng đảng viên đó chỉ là cấp phó, thậm chí nhân viên bình thường… Điều đó đã làm cho một số đoàn chủ tịch xử lý lúng túng và mất nhiều thời gian trong khâu bầu cử.

Để đại hội đảng bộ cấp huyện, tỉnh thời gian tới đạt hiệu quả, đúng nguyên tắc, quy trình trong khâu nhân sự cấp ủy, đảm bảo tiêu chuẩn và cơ cấu cần thực hiện tốt một số biện pháp sau:

- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, cán bộ, đảng viên cũng như các đại biểu dự đại hội về cơ cấu cấp ủy nói chung, người dân tộc thiểu số nói riêng. Nhận thứ đúng là khởi đầu cho hành động đúng. “Tư tưởng thông suốt thì mọi việc làm đều tốt” (4). Cần thấy rằng cơ cấu cấp ủy người dân tộc thiểu số đảm bảo sẽ góp phần nâng cao chất lượng lãnh đạo của cấp ủy, nhất là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đảm bảo cấp ủy viên người dân tộc thiểu số tham gia cấp ủy là đầu tư cho phát triển bền vững miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; mặt khác giúp họ mới nắm bắt được đặc điểm tâm lý, tập quán, chiều hướng tư tưởng trong đồng bào dân tộc thiểu số để kiến nghị cho Đảng, Nhà nước quyết định đúng các chủ trương, chính sách đúng, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

- Thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ trong bầu cử cấp ủy. Tập trung và dân chủ hai mặt cấu thành chỉnh thể của nguyên tắc luôn song hành và chế ước lẫn nhau trong Đại hội Đảng nói chung, bầu cử cấp ủy nói riêng. Thực tiễn cho thấy Đảng bộ nào thực hiện tốt nguyên tắc này thì khâu nhân sự thực hiện thuận lợi, đúng nguyên tắc, quy trình, dự kiến ban đầu. Mặt dân chủ được thể hiện từ khâu các chi bộ giới thiệu đảng viên tham gia cấp ủy; Ban chấp hành đương nhiệm thảo luận, cân nhắc để chốt danh sách giới thiệu trước đại hội, số dư từ 10-15%; dân chủ còn thể hiện, các đại biểu (không phải là cấp ủy viên đương nhiệm) giới thiệu đề cử thêm đảng viên tham gia cấp ủy khóa mới. Mặt tập trung thể hiện ở chỗ đoàn chủ tịch phải xử lý bằng việc phân tích, lý giải có sức thuyết phục về tiêu chuẩn, cơ cấu, về số lượng cấp ủy viên, nhất là khi Đại hội giới thiệu thêm quá 30% theo quy định. Lý giải có sức thuyết phục để các đại biểu trong Đại hội nhận thức vấn đề rõ hơn, thể hiện được tính chứng kiến của mình khi biểu quyết nhằm hướng tới sự tập trung mà đoàn chủ tịch đã định hướng. Đây là tác nghiệp khó, thể hiện sự tinh tế, nhạy cảm nên đặt ra cho đoàn chủ tịch xử lý làm sao đúng nguyên tắc, đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, đảm bảo tiêu chuẩn, cơ cấu, đúng tiến độ thời gian đại hội.

- Chủ động quy hoạch, tạo nguồn, bố trí sử dụng cán bộ trước đại hội Đảng các cấp. Đây vừa là giải pháp vừa là kinh nghiệm đặt ra cho các cấp ủy đảng, cơ quan tổ chức cán bộ tham khảo. Thực tiễn các nhiệm kỳ đại hội gần đây cho thấy, khi đại hội giới thiệu thêm các ứng viên để bầu cấp ủy mà họ giữ chức vụ cấp phó hoặc chuyên viên bình thường thì trúng cử không nhiều. “Khi bỏ phiếu kín bầu cấp ủy khóa mới, đại biểu đại hội thường cân nhắc về ba mối quan hệ: già- trẻ, nam-nữ, chức vụ cao-thấp, nhưng chủ yếu là quan tâm về mối quan hệ chức vụ cao-thấp” (5). Công tác quy hoạch cán bộ thể hiện tầm nhìn xa, có hướng đích rõ ràng, tương thích giữa vị trí cấp ủy viên và chính quyền, do đó đặt ra cho các cấp ủy đảng, người đứng đầu của cấp ủy, chính quyền cần căn cứ vào nguồn quy hoạch cán bộ, tiêu chuẩn, cơ cấu, yêu cầu, năng lực sở trường của cán bộ để bổ nhiệm vào vị trí cấp trưởng, chí ít là cấp phó làm cơ sở cho đại biểu đại hội xem xét. Quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng cán bộ đồng bộ, đảm bảo tiêu chuẩn, cơ cấu, khoa học, thể hiện tầm nhìn xa chính là chỗ đó.
 
  (1) Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr.261.
  (2) Ban Tổ chức Trung ương: Hướng dẫn công tác nhân sự tại đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng (18-8-2014), tr.5.
  (3) Nguyễn Ngọc Lâm: Phó ban Tổ chức Trung ương: Thông tin kết quả Đại hội Đảng bộ cấp cơ sở nhiệm kỳ 2015-2020 (Hội nghị trực tuyến) ngày 16-7-2015 của Ban Tuyên giáo Trung ương.
  (4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, t.9, tr277.
(5) Bùi Văn Tiếng: Trưởng ban tổ chức cấp ủy với công tác nhân sự Đại hội Đảng, Tạp chí Xây dựng Đảng, tháng 7-2015, tr.52.
 
Nguyễn Thế Tư - Học viện Chính trị khu vực III