Tiếp tục xây dựng nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân

09:08, 20/08/2015

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 mở ra một kỷ nguyên mới đối với dân tộc Việt Nam. Cuộc Tổng khởi nghĩa mùa Thu 70 năm trước đã đập tan xiềng xích nô lệ của thực dân, đế quốc trong gần một thế kỷ, lật nhào chế độ quân chủ chuyên chế tồn tại ngót một nghìn năm...

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 mở ra một kỷ nguyên mới đối với dân tộc Việt Nam. Cuộc Tổng khởi nghĩa mùa Thu 70 năm trước đã đập tan xiềng xích nô lệ của thực dân, đế quốc trong gần một thế kỷ, lật nhào chế độ quân chủ chuyên chế tồn tại ngót một nghìn năm. Tiếp theo đó, ngày 2-9 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Nòi giống con Lạc cháu Hồng từ thân phận nô lệ vươn lên trở thành người dân một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình.
 
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là thắng lợi của chủ nghĩa Mác-Lênin được vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh Việt Nam, là thắng lợi của đường lối cách mạng giải phóng dân tộc của Đảng, là thắng lợi của tư tưởng Hồ Chí Minh: độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Với bước ngoặt lịch sử từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Việt Nam không những trở thành một quốc gia độc lập, tự do mà còn trở thành một trong những nước đi tiên phong trong việc xây dựng chế độ xã hội mới, chế độ dân chủ nhân dân, tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đánh giá về thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: Đây là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”.
 
Đất nước độc lập, tự do, Đảng và Bác Hồ kính yêu với tư tưởng đại đoàn kết dân tộc đã dày công xây dựng một Nhà nước do nhân dân lao động làm chủ. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Tất cả quyền bính trong nước ta là của toàn thể nhân dân Việt Nam. Việc nước là việc chung, mỗi một người con Rồng cháu Tiên, bất kỳ già trẻ, gái trai, giàu nghèo, nòi giống, tôn giáo đều phải gánh vác một phần”. Đồng thời, Người khẳng định: “Chính phủ ta là Chính phủ của nhân dân, chỉ có một mục đích là phụng sự cho lợi ích của nhân dân. Chính phủ rất mong đồng bào giúp đỡ, đôn đốc, kiểm soát và phê bình để làm trọn nhiệm vụ của mình là người đầy tớ trung thành tận tụy của nhân dân”. 
 
70 năm xây dựng và phát triển, đất nước ta đã giành nhiều thành tựu quan trọng trong sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Đến Đại hội XI của Đảng, vấn đề này được hoàn thiện hơn trong Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 và được chế định trong Hiếp pháp năm 2013. Đó là: Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Đồng thời khẳng định Nhà nước tôn trọng và bảo đảm các quyền con người, quyền công dân. Nhân dân thực hiện quyền làm chủ thông qua hoạt động của Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện. 
 
Qua 7 thập kỷ, Đảng ta nhận thức ngày càng sâu sắc hơn tầm quan trọng và vai trò của xây dựng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, khẳng định dân chủ là bản chất của chế độ, vừa là mục tiêu vừa là động lực của công cuộc đổi mới, phát triển và bảo vệ Tổ quốc; xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam phải vừa thể hiện các giá trị dân chủ phổ quát của nhân loại, vừa thể hiện những giá trị đặc trưng phản ánh bản sắc, đặc điểm văn hóa, truyền thống dân tộc; có nội dung cốt lõi là tôn trọng, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, quyền làm chủ của nhân dân, gắn với trách nhiệm và nghĩa vụ công dân nhằm tạo ra ngày càng đầy đủ những điều kiện cho sự giải phóng mọi năng lực sáng tạo của con người, gắn liền với việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Phát huy dân chủ đồng thời với tăng cường kỷ cương, kỷ luật, tuân thủ pháp luật. Nhận thức rõ hơn dân chủ trong Đảng có ý nghĩa quyết định đối với phát triển dân chủ trong tổ chức và hoạt động của cả hệ thống chính trị, gắn với dân chủ hóa toàn bộ đời sống xã hội; có dân chủ mới có đồng thuận xã hội; có đồng thuận xã hội mới tạo ra sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
 
Kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám 1945 và Quốc khánh 2 - 9 trong bối cảnh cả nước đang đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; tiến tới Đại hội XII của Đảng, chúng ta càng hiểu rõ giá trị lịch sử của Cách mạng tháng Tám năm 1945 và Quốc khánh 2-9; ý nghĩa của việc tiếp tục chăm lo xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
 
LAN HỒ