Đại hội Đảng các cấp, Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ X, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, đã thu hút sự quan tâm theo dõi chặt chẽ, sâu sát và có những ý kiến góp ý cụ thể, thiết thực của cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân.
Đại hội Đảng các cấp, Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ X, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, đã thu hút sự quan tâm theo dõi chặt chẽ, sâu sát và có những ý kiến góp ý cụ thể, thiết thực của cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân.
* Ông Vũ Tiến Sỹ - Nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Đam Rông: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, nhiệm kỳ 2015-2020 được chuẩn bị chu đáo và tranh thủ ý kiến đóng góp của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, nhiệm kỳ 2010-2015 và phương hướng, nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể trong phát triển KT-XH, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong nhiệm kỳ 2015-2020. Theo tôi, 3 nhóm vấn đề cần được làm rõ trong văn kiện chính trị trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII (2015-2020), đó là: Thứ nhất, cần đánh giá sâu sắc những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, cốt lõi, đặc biệt là những vấn đề đang gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân hiện nay, những vấn đề làm được, chưa làm được. Trên cơ sở đó, đi sâu phân tích nguyên nhân khách quan, chủ quan, nhất là nguyên nhân chủ quan, nêu giải pháp và thời gian khắc phục, sửa chữa một cách cụ thể, không nói chung chung, theo đúng phương châm “nói đi đôi với làm”. Thứ hai, về công tác nhân sự Đại hội Đảng toàn quốc, theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, chú trọng tiêu chí, cơ cấu, coi trọng chất lượng theo hướng đảm bảo tỷ lệ tuổi trẻ, trí thức, cơ cấu nam, nữ, dân tộc thiểu số... Đây được xem là bước chuyển biến tích cực về công tác nhân sự đại hội, đảm bảo BCHTW Đảng sẽ hội đủ uy tín, năng lực, sức chiến đấu cao. Tuy nhiên, theo tôi, cần phải kiên quyết loại bỏ những cán bộ, đảng viên có dấu hiệu vi phạm, hoặc dư luận thiếu đồng tình, ủng hộ ra khỏi danh sách nhân sự BCH TW Đảng khóa mới. Thứ ba, đánh giá kiểm điểm BCH TW trong dự thảo văn kiện chính trị là rất nghiêm túc, trung thực, thẳng thắn, kiểm điểm từng việc, từng nội dung, làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể, làm được đến đâu, khuyết điểm, hạn chế đến đâu kiểm điểm đến đó, không chung chung, né tránh, đổ lỗi cho khách quan... Đặc biệt, trong kiểm điểm tập thể, cá nhân trong BCH TW đã gắn giữa “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với tự phê bình, phê bình theo Nghị quyết TW 4 (khóa XI), nên đã tạo được lòng tin đối với cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân về một BCH TW khóa mới có đủ năng lực, trí tuệ, bản lĩnh chính trị và sức chiến đấu để lãnh đạo đất nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2015-2020.
* Trung tá Phan Ngọc Dũng - Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Đam Rông: Trong nội dung đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH nhiệm kỳ 2010-2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển KT-XH nhiệm kỳ 2015-2020 có phần chủ trương, giải pháp xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, đô thị. Theo tôi, ngoài những chủ trương, giải pháp đã được xác định trong dự thảo văn kiện chính trị, cần bổ sung thêm một số giải pháp như sau: Cần rà soát, điều chỉnh quy hoạch xây dựng đô thị, đảm bảo sự thống nhất quy hoạch xây dựng với quy hoạch phát triển ngành, tránh tình trạng ngành này làm, ngành kia phá, dẫn đến hạ tầng giao thông trở thành hạ tầng thủy lợi vào mùa mưa lũ. Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, đồng thời tăng tỷ trọng phát triển kết cấu hạ tầng xã hội như giáo dục, y tế, văn hóa. Tránh tình trạng xây dựng đô thị lớn, nhưng thiếu nơi sinh hoạt cộng đồng, khu dân cư, công viên, sân chơi cho thiếu nhi, nhà trẻ... Cần quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông tại các địa bàn miền núi, nhằm tạo sự kết nối giữa vùng sâu, vùng xa với các trung tâm kinh tế, xã hội, kết nối giữa miền núi với đồng bằng, giữa Tây Nguyên với miền Trung, miền Nam, TP Hồ Chí Minh... Cần rà soát, bổ sung, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật đô thị và hướng dẫn thực hiện. Cần có cơ chế quản lý, sử dụng hạ tầng đồng bộ, hiệu quả...
* Ông Nguyễn Hoàng Mai - Bí thư Đảng ủy xã Đạ M’rông, huyện Đam Rông: Trong dự thảo văn kiện chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020, tôi xin đề xuất một số giải pháp đối với việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được Đại hội đề ra như sau: Cần tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao sự nhất trí về tư tưởng và hành động trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, sự đồng thuận trong nhân dân. Cần đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND các cấp. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của HĐND các cấp và đại biểu HĐND, kịp thời nắm bắt và giải quyết những vấn đề dư luận bức xúc. Tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai chương trình cải cách hành chính, tiến tới xây dựng nền hành chính phục vụ nhân dân. Xây dựng và thực hiện đồng bộ, nghiêm túc việc đối thoại, công khai dân chủ, động viên nhân dân tham gia giám sát các mặt hoạt động của đời sống xã hội; đẩy mạnh xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với công tác xây dựng Đảng, chính quyền TSVM. Phát huy dân chủ trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ, công chức đồng bào DTTS cả về kiến thức pháp luật, chuyên môn nghiệp vụ, ý thức chấp hành pháp luật, chế độ công vụ; từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức vững vàng về lập trường tư tưởng chính trị, gương mẫu về đạo đức, lối sống, gắn bó mật thiết với nhân dân.
HOÀNG ĐẠI HUYNH