Vấn đề xây dựng quy mô sản xuất tập trung, tái cấu trúc ngành nông nghiệp, tạo điều kiện về chính sách trong đất đai, nước sạch... để doanh nghiệp sản xuất hàng hóa sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm chính là những kỳ vọng, mong muốn thiết thực của rất nhiều doanh nghiệp trước thềm đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X (nhiệm kỳ 2015 - 2020).
Vấn đề xây dựng quy mô sản xuất tập trung, tái cấu trúc ngành nông nghiệp, tạo điều kiện về chính sách trong đất đai, nước sạch... để doanh nghiệp sản xuất hàng hóa sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm chính là những kỳ vọng, mong muốn thiết thực của rất nhiều doanh nghiệp trước thềm đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X (nhiệm kỳ 2015 - 2020).
Ông Đoàn Trọng Phương - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Chè Lâm Đồng:
Kỳ vọng lớn nhất của đơn vị chúng tôi chính là chương trình nông nghiệp công nghệ cao - đây là một chương trình lớn, nhằm tái cấu trúc lại hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước. Trong đó, vị trí cây chè, cà phê, dâu tằm là cây trồng chiến lược của tỉnh được nêu lên trong báo cáo chính trị, mong Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X sẽ sớm đưa nghị quyết đi vào cuộc sống. Tổ chức lại sản xuất nông nghiệp đảm bảo an toàn thực phẩm - đó là mục tiêu mà chúng tôi mong tỉnh sẽ sớm quan tâm thực hiện để doanh nghiệp sớm hội nhập phát triển. Chỉ khi tỉnh thực hiện hiệu quả chương trình nông nghiệp công nghệ cao, cánh đồng mẫu lớn, thì khi đó mới kiểm soát được sản phẩm trên thị trường. Cây trà có lợi thế là một thức uống phổ biến trên thế giới, là sản phẩm có lợi thế cạnh tranh cao. Vấn đề là chúng ta sản xuất như thế nào để đáp ứng được yêu cầu nghiêm ngặt của thế giới.
Ông Phan Thanh Sơn - Bí thư Chi bộ Công ty cổ phần Nông sản thực phẩm Lâm Đồng:
Tôi mong muốn tỉnh sẽ có nhiều đột phá trong xuất khẩu rau - một mặt hàng chiến lược của tỉnh. Chúng tôi quan tâm đến vấn đề nước sạch, mục tiêu đến năm 2020 có 65% tỷ lệ dân đô thị dùng nước sạch là hơi thấp. Với doanh nghiệp, nước sạch tưới cây trồng cũng rất quan trọng để đảm bảo sản phẩm sạch xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Theo đó, chúng tôi kiến nghị tỉnh cần xây thêm các hồ lắng đầu nguồn phục vụ tưới tiêu thuận lợi. Cần tuyên truyền nâng cao nhận thức hơn nữa cho nông dân khi tham gia sản xuất, ký kết hợp đồng với doanh nghiệp đã được đăng ký chứng nhận sản phẩm VietGAP, GlobalGAP, HCCP để tránh gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Sắp tới, chúng tôi sẽ tăng cường nhập giống để cung cấp cho bà con đảm bảo chủ động trong sản xuất, kinh doanh. Mong tỉnh sẽ có chủ trương giảm thuế đất cho các doanh nghiệp, cần có quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung để tránh nguyên liệu trồng bị nhiễm chéo thuốc bảo vệ thực vật... đảm bảo nguồn nông sản sạch, an toàn phục vụ người tiêu dùng và xuất khẩu ra thị trường thế giới tốt nhất.
Ông Nguyễn Văn Thông - Giám đốc Bưu điện tỉnh Lâm Đồng:
Chúng tôi mong có sự chỉ đạo sâu sát, cụ thể hơn của tỉnh, mà trực tiếp là của BCH Đảng ủy Khối Doanh nghiệp để hỗ trợ, giúp đỡ Bưu điện tỉnh vượt qua những khó khăn, thách thức, nhất là sau khi chia tách Bưu chính Viễn thông từ ngày 1/1/2008 đến nay. Mong tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ các điều kiện cần thiết để đơn vị mở rộng mạng lưới phục vụ các địa bàn trong toàn tỉnh, tiếp tục duy trì đẩy mạnh các hoạt động của bưu điện xã. Trong nhiệm kỳ tới, hy vọng Tỉnh Đảng bộ sẽ có những cơ chế cùng với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam hỗ trợ cho Bưu điện tỉnh Lâm Đồng, nhất là trong bố trí đất, miễn giảm tiền thuê đất đối với doanh nghiệp, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ cung cấp dịch vụ bưu chính viễn thông và các hoạt động kinh doanh trên nhiều lĩnh vực khác, nhằm góp phần vào việc đảm bảo an ninh, quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
HÀ NGUYỆT (ghi)