Sáng ngày 14/9, Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Lâm Đồng tổ chức hội thảo góp ý Dự thảo Luật An toàn thông tin dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Bá Thuyền - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH, tham dự còn có đại biểu Quốc hội YaDuck, đại diện Sở Thông tin - truyền thông, Công an tỉnh và các thành viên tổ Tư vấn pháp luật.
* Tăng cường bảo vệ thông tin cá nhân người sử dụng
Sáng ngày 14/9, Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Lâm Đồng tổ chức hội thảo góp ý Dự thảo Luật An toàn thông tin dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Bá Thuyền - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH, tham dự còn có đại biểu Quốc hội YaDuck, đại diện Sở Thông tin - truyền thông, Công an tỉnh và các thành viên tổ Tư vấn pháp luật.
Việc quản lý an toàn thông tin mạng hiện nay đang hết sức cần thiết, vì vậy Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra lấy ý kiến góp ý cho dự án Luật An toàn thông tin là phù hợp. Đa số các ý kiến tham dự đều thống nhất với tên gọi là Luật “An toàn thông tin mạng”. Có ý kiến đề nghị nên quy định cụ thể hơn về việc bảo vệ thông tin cá nhân để bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, nên có sự quản lý chặt chẽ trong việc bán sim điện thoại, quản lý sử dụng internet…Trước tình trạng phát tán thông tin cá nhân trên mạng tại Việt Nam gây bức xúc dư luận từ nhiều năm nay, dự thảo Luật lần này đã bổ sung nhiều điểm mới nhằm góp phần hạn chế tình trạng trên, tăng cường trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp trong việc bảo vệ thông tin cá nhân của người sử dụng; bổ sung quy định về trách nhiệm bảo mật, lưu trữ thông tin cá nhân của cơ quan nhà nước.
Có ý kiến đề nghị giữ nguyên như dự thảo, giao việc quản lý mật mã dân sự thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ chịu trách nhiệm giúp Bộ trưởng Quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước về mật mã dân sự, đảm bảo an ninh quốc gia. Về lĩnh vực kinh doanh an toàn thông tin, nhiều ý kiến đề nghị cần cụ thể hóa các quy trình, thủ tục cấp phép trong luật để áp dụng, đi vào cuộc sống nhanh hơn.
* Chiều ngày 14/9, tiếp tục thực hiện chương trình lấy ý kiến góp ý xây dựng Luật, Đoàn ĐBQH Lâm Đồng đã tổ chức hội thảo góp ý Luật Trưng cầu ý dân - một nội dung được đông đảo các tầng lớp nhân dân đặc biệt quan tâm, để chuẩn bị phục vụ kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII.
Dự thảo Luật Trưng cầu ý dân gồm 8 chương, 51 điều, theo đó những vấn đề trưng cầu ý dân sẽ bao gồm: Hiến pháp; Các vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của quốc gia; Các nguyên tắc cơ bản của Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; Các vấn đề đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội có ảnh hưởng lớn đến quốc kế dân sinh; Những vấn đề quan trọng khác do Quốc hội quyết định”.
Nhiều ý kiến tán thành với quy định về cơ quan, tổ chức phụ trách trưng cầu ý dân quy định tại chương này; bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan như Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban nhân dân ở từng cấp chính quyền địa phương trong tổ chức trưng cầu ý dân. Có ý kiến đề nghị làm rõ hiệu lực của kết quả trưng cầu ý dân và trách nhiệm của cơ quan Nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện kết quả trưng cầu ý dân. Có ý kiến đề nghị Luật cần làm rõ vai trò của MTTQ trong giám sát trưng cầu ý dân, tại điều 9 (mục 2) nên quy định cụ thể MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân giám sát việc tổ chức trưng cầu ý dân theo quy định của pháp luật.
Các ý kiến đóng góp sẽ được Đoàn ĐBQH tổng hợp, trình UBTV Quốc hội vào kỳ họp thứ X sắp tới.
Nguyệt Thu