Đức Trọng: Hướng đến một nhiệm kỳ "năng động, sáng tạo, phát triển nhanh, bền vững"

09:09, 28/09/2015

5 năm qua, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Đức Trọng đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, thực hiện đạt và vượt 17/20 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội huyện Đảng bộ lần thứ XI, nhiệm kỳ 2010-2015 đã đề ra...

5 năm qua, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Đức Trọng đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, thực hiện đạt và vượt 17/20 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội huyện Đảng bộ lần thứ XI, nhiệm kỳ 2010-2015 đã đề ra. Những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ qua là cơ sở, nền tảng để Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Đức Trọng có niềm tin hướng đến một nhiệm kỳ mới 2015-2020 tiếp tục “năng động, sáng tạo, phát triển nhanh, bền vững”.
 
Ông Đỗ Minh Thế - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đức Trọng cho rằng: Nhiệm kỳ qua, tuy đạt được nhiều thành tựu quan trọng về CT-KT-XH-QP-AN và tiếp tục khẳng định được vị thế của 1 trong 4 địa bàn trọng điểm của tỉnh, nhưng nếu “thỏa mãn” dừng lại, thì Đức Trọng sẽ bị “tụt hậu”, bởi lẽ các địa phương trong cả nước nói chung, trong tỉnh nói riêng đang phát triển rất mạnh mẽ. Vì vậy, nhiệm kỳ mới 2015-2020, Đảng bộ, chính quyền huyện Đức Trọng có chủ trương thực hiện nhiều giải pháp, biện pháp năng động, sáng tạo để phát triển địa phương nhanh, mạnh, bền vững trên mọi lĩnh vực. Theo đó, sẽ định hướng mô hình, cơ cấu lại nền kinh tế, dựa trên lợi thế cạnh tranh của địa phương, bằng việc: Tiếp tục thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng của các ngành: CN-XD-TM-DV, hướng tới mô hình tăng trưởng trên cơ sở nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, chú trọng tái cấu trúc nông nghiệp, mở rộng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNƯDCNC), hình thành vùng sản xuất nguyên liệu lợi thế của huyện, gắn với phát triển công nghiệp chế biến, thương mại, dịch vụ; phát triển chăn nuôi bò sữa tập trung theo hướng hiện đại. Cùng với đó, phát triển mạnh dịch vụ và ngành nghề nông thôn, nhất là nghề truyền thống để sử dụng lao động nhàn rỗi và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn hợp lý. Đẩy mạnh việc chuyển giao tiến bộ KHKT, khuyến nông, khuyến lâm, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống thủy lợi, GTNT, cung cấp đầy đủ điện, nước, viễn thông, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân. Thực hiện tốt các chương trình phát triển VH-GD-YT, bảo vệ môi trường, an sinh xã hội. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển các ngành CN có lợi thế cạnh tranh, có tính mũi nhọn, sử dụng nguyên liệu tại chỗ. Trong đó, chú trọng phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn. Khuyến khích đầu tư các cơ sở chế biến dâu tằm tơ, cấp đông rau, củ, quả, đóng gói hoa quả tươi, sản xuất rượu vang, nước khoáng, chế biến thịt, thức ăn gia súc, mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ các cơ sở chế biến lâm sản, cà phê, cao lanh, gốm sứ, vật liệu chịu lửa... Thu hút đầu tư mới các cơ sở sản xuất gạch không nung, gạch ốp lát, gạch siêu nhẹ, ngói màu xi măng, cấu kiện bê tông đúc sẵn và bê tông tươi, tấm lợp, xà gồ kim loại... Tiếp tục phát triển các trung tâm thương mại, dịch vụ, các chợ hiện có, đồng thời mở rộng các hình thức kinh doanh, mua bán, trao đổi hàng hóa ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Chú trọng tìm kiếm thị trường, xúc tiến đầu tư, mở rộng thị phần cho các mặt hàng thế mạnh của địa phương như cà phê, rau, hoa, lâm sản chế biến... Kêu gọi đầu tư xây dựng một số siêu thị, hoàn thành chợ đầu mối nông sản, xây dựng chợ nông thôn tại một số xã. Khuyến khích đầu tư mở rộng các dịch vụ có giá trị gia tăng cao như tài chính, ngân hàng. Phát huy lợi thế về vị trí địa lý, đặc điểm tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và văn hóa để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, tham quan, nghỉ dưỡng, văn hóa... Đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư về du lịch như: Dự án hồ Đại Ninh, suối khoáng nóng P’re, Công viên sinh thái GAK-Gougah, thu hút đầu tư du lịch tại Núi Voi, hồ Nam Sơn... Chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng các tour, tuyến kết nối sản phẩm du lịch của huyện với một số huyện, TP Đà Lạt, Đơn Dương, Bảo Lộc. Huy động nhiều nguồn lực khác nhau đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng: Điện - đường - trường - trạm - viễn thông đồng bộ, có chất lượng, nhằm đáp ứng được yêu cầu phát triển KT-XH và an sinh xã hội. Chú trọng đầu tư phát triển kinh tế vùng, dựa trên tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, trong đó, chú trọng phát triển rau, hoa ứng dụng công nghệ cao và nâng cao chất lượng tái canh cà phê cả ở những vùng đồng bào DTTS. Mở rộng giao lưu hợp tác phát triển kinh tế giữa các tỉnh và vùng kinh tế. Phát triển kinh tế tập thể với nhiều hình thức đa dạng mà nòng cốt là HTX. Tăng cường liên doanh, liên kết từ sản xuất - chế biến - tiêu thụ, thực hiện lồng ghép các chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn với mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế hợp tác. Chủ động khai thác lợi thế, phát huy nội lực, khắc phục khó khăn, tận dụng cơ hội, giảm thiểu khó khăn, thách thức, tác động tiêu cực trong quá trình hội nhập quốc tế.
 
Cùng với đó, huy động mọi nguồn lực để phát triển giáo dục - đào tạo chất lượng cao, đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào mọi lĩnh vực và đẩy mạnh phát triển văn hóa, xây dựng con người mới XHCN, đảm bảo an sinh xã hội. Đặc biệt, tập trung xây dựng TCCS đảng TSVM, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện, xem đây là yếu tố then chốt, quan trọng hàng đầu trong việc thúc đẩy KT-XH của địa phương phát triển nhanh, mạnh, toàn diện, bền vững.
 
Với việc thực hiện đồng bộ các biện pháp, giải pháp nói trên, huyện Đức Trọng quyết tâm thực hiện đạt và vượt một số chỉ tiêu cơ bản về KT-XH như: Tổng thu NSNN hàng năm tăng từ 11-13%; GRDP bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 85-87 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,5-2%/năm, hộ đồng bào DTTS giảm trên 4%/năm; 70-73% trường học đạt chuẩn quốc gia, 32-35% trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2; giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên còn dưới 1,05%; 100% xã, đạt chuẩn quốc gia về y tế; 95% thôn, buôn, TDP và 90% gia đình, 99% cơ quan đạt tiêu chuẩn văn hóa; huyện đạt chuẩn NTM vào năm 2016; hàng năm có 75-80% TCCS đảng đạt TSVM, không có TCCS đảng yếu kém, kết nạp từ 170 đảng viên trở lên/năm, 100% các đơn vị sự nghiệp, thôn, TDP có tổ chức Đảng; xây dựng hệ thống chính trị VMTD, giữ vững QP, AN, TTATXH...
 
HOÀNG KIẾN GIANG