Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời được 3 tuần lễ, ngày 23/9/1945 thực dân Pháp núp dưới bóng quân đội Anh vào tước vũ khí của quân đội Nhật ở Nam bộ, âm mưu quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. 6.000 quân Pháp dựa vào hơn 1 vạn quân Anh đã trắng trợn gây hấn ở thành phố Sài Gòn, âm mưu chiếm Nam bộ làm bàn đạp đánh chiếm cả nước.
Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời được 3 tuần lễ, ngày 23/9/1945 thực dân Pháp núp dưới bóng quân đội Anh vào tước vũ khí của quân đội Nhật ở Nam bộ, âm mưu quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. 6.000 quân Pháp dựa vào hơn 1 vạn quân Anh đã trắng trợn gây hấn ở thành phố Sài Gòn, âm mưu chiếm Nam bộ làm bàn đạp đánh chiếm cả nước.
7h sáng ngày 23/9, Xứ uỷ và Ủy ban Hành chính Nam bộ họp khẩn cấp tại phố Cây Mai (Chợ Lớn) có đồng chí Hoàng Quốc Việt thay mặt Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh tham dự. Hội nghị quyết định phát động nhân dân quyết tâm kháng chiến chống thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta. Ủy ban Kháng chiến Nam bộ được thành lập, ra lệnh tổng bãi công, bãi thị, bất hợp tác với địch, phong tỏa địch…
Dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy, theo lệnh của Ủy ban Kháng chiến Nam bộ, quân đội cách mạng và nhân dân Sài Gòn sôi sục căm thù, nhất tề đứng lên, xông ra mặt trận quyết chiến với quân xâm lược. Khắp thành phố, lập tức tổng bãi công, bãi khóa, bãi thị, tản cư ra khỏi thành phố; mọi sinh hoạt chợ búa, giao thông, trường học đều ngưng hoạt động, công nhân nhà máy nghỉ việc đồng loạt, nhà đèn bị phá. Hàng vạn thanh niên, học sinh, người lao động, thợ thuyền, quần chúng yêu nước tự nguyện xông ra các tuyến đường; các công sự do nhân dân ta được đắp lên khắp nơi trong những ngày đầu kháng chiến, chướng ngại vật được lập lên, bao vây cắt đường giao thông triệt phá các đường tiếp tế lương thực của địch... Bên trong thành phố, gần 350 đội tự vệ bám sát các vị trí chiến đấu. Bên ngoài thì các lực lượng vũ trang siết chặt vòng vây, chiến đấu lấy súng địch đánh địch... Ngay ngày 23-9-1945, giặc Pháp đã vấp phải những trận chiến đấu anh dũng, quật cường của quân và dân ta. Tiếng súng kháng chiến ở Sài Gòn chấn động cả nước; nhiều tỉnh Nam bộ đưa lực lượng về góp sức với Sài Gòn chống quân xâm lược, mở đầu một trang sử mới oanh liệt: Nam bộ Kháng Chiến.
Trước tình hình đó, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp chủ trương đánh mạnh quân Pháp ở Nam bộ, quyết tâm giành thắng lợi ở chiến trường để tạo điều kiện cho việc đấu tranh với quân Tưởng ở miền Bắc. Ngày 27/9/1945, Chủ tich Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào miền Nam khẳng định quyết tâm kháng chiến của Đảng, Chính phủ và nhân dân ta, chỉ rõ mục tiêu chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, khẳng định tư tưởng “thà chết tự do hơn sống nô lệ” của nhân dân ta. Đáp lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, để xứng đáng với lòng tin cậy và sự cổ vũ của nhân dân cả nước, nhân dân Nam bộ vùng lên dũng cảm đánh trả kẻ thù có trang bị hiện đại, làm thất bại âm mưu thắng nhanh của địch, tạo điều kiện để ta củng cố chính quyền cách mạng, xây dựng chế độ mới, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến toàn quốc lâu dài.
Ngày 26/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát lời động viên quân dân Nam bộ trên Đài Tiếng nói Việt Nam: “Tôi chắc và đồng bào cả nước đều chắc vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam bộ”. Chỉ sau 14 ngày, đoàn quân Nam Tiến đầu tiên chi viện cho Nam bộ do tướng Nam Long chỉ huy đã vào đến Thủ Đức (6/10/1945). Các đơn vị “hải ngoại” được trang bị súng (là con em bà con Việt kiều yêu nước ở Cao Miên, Thái Lan, Lào), lần lượt về Nam bộ tham gia kháng chiến… Riêng khu Sài Gòn - Chợ Lớn thành lập 6 “Đội công tác thành” chiến đấu trong lòng địch.
Cuộc chiến đấu không cân sức diễn ra quyết liệt từ 23/9/1945, quân dân Nam bộ tuy chịu nhiều tổn thất hy sinh nhưng đã cầm chân quân viễn chinh Pháp, khiến chúng không thể nhanh chóng đưa quân ra chiếm miền Bắc. Cuộc kháng chiến Nam bộ đã tạo được thời gian 15 tháng cực kỳ quý báu cho cả nước chuẩn bị tiến hành cuộc trường kỳ kháng chiến mà không thể nào tránh được. Nam bộ đã cùng cả nước tiến hành cuộc kháng chiến 9 năm, góp phần cùng cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Ý chí chiến đấu quật cường của đồng bào Nam bộ trong ngày 23/9 đã để lại những bài học vô cùng quý giá, mà đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị; đó là:
(1) Chủ trương đúng đắn của Đảng ta, trực tiếp là Xứ ủy Nam kỳ và Ủy ban Hành chính Nam bộ là nhân tố quan trọng để tập hợp, động viên, khích lệ nhân dân Sài Gòn - Gia Định nói riêng, nhân dân Nam bộ nói chung đồng sức, đồng lòng đứng lên kháng chiến chống kẻ thù xâm lược với ý chí quyết tâm thà chết chứ không chịu làm nô lệ một lần nữa.
(2) Tinh thần đại đoàn kết dân tộc là chất keo gắn kết nhân dân Sài Gòn và cả Nam bộ cùng đứng lên hướng về sự nghiệp kháng chiến bảo vệ nền độc lập tự do của dân tộc. Đó là bài học lịch sử quý báu không chỉ trong sự nghiệp đấu tranh giành lại đất nước trước đây mà còn cả trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay cũng như mãi mãi về sau.
(3) Quân dân Nam bộ trong điều kiện tương quan lực lượng chênh lệch nhau rất nhiều lần nhưng đã đánh địch và thắng địch không chỉ bằng khí phách dũng cảm, anh hùng, mà cả bằng bản lĩnh, trí tuệ của truyền thống ông cha để lại. Đồng bào Nam bộ đã không từ một hy sinh, mất mát nào để đi vào cuộc kháng chiến nhằm quyết giữ nền độc lập non trẻ mà sau 80 năm bị đô hộ vừa giành lại được. Khí phách, bản lĩnh, trí tuệ của nhân dân Nam bộ đang được kế thừa và phát huy mạnh mẽ trong thời đại ngày nay.
Ngày Nam bộ kháng chiến 23/9/1945 đã trở thành một trong những dấu son không thể phai mờ trong tiến trình lịch sử của dân tộc ta, góp phần khẳng định chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Tự hào với truyền thống của Nam bộ “Thành đồng Tổ quốc”, nhân dân cả nước nói chung, nhân dân Nam bộ nói riêng phát huy hơn nữa truyền thống kiên cường, bất khuất, tinh thần đoàn kết vì sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, năng động, sáng tạo cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, thách thức, có nhiều đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sớm đưa nước ta thoát khỏi nước nghèo, cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại; từng bước hiện thực hóa mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
VĂN NHÂN