Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thương yêu nhân dân, thương yêu con người, tin tưởng ở sức mạnh đoàn kết của nhân dân, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân. Bác nói: "Ngoài lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, Đảng ta không có lợi ích nào khác. Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm. Việc gì có hại cho dân thì ta hết sức tránh".
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thương yêu nhân dân, thương yêu con người, tin tưởng ở sức mạnh đoàn kết của nhân dân, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân. Bác nói: “Ngoài lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, Đảng ta không có lợi ích nào khác. Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm. Việc gì có hại cho dân thì ta hết sức tránh”.
Bác Hồ đã khẳng định: “Nhân dân ta có lòng nồng nàn yêu nước, sẵn sàng chiến đấu, hi sinh cho độc lập dân tộc, xây dựng đất nước giàu mạnh. Trong thời kỳ Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, nhân dân luôn là lực lượng che chở cho Đảng. Chính vì thế, Đảng muốn tồn tại thì phải ở trong lòng dân, dựa vào nhân dân để làm nên mọi thắng lợi. Chính vì vậy mà mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân càng phải được chú trọng”. Cả cuộc đời của Bác luôn là một tấm gương gần dân, hiểu dân và vì dân, hiểu được vai trò vô cùng to lớn của nhân dân. Bác tôn vinh nhân dân: “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Bác chỉ rõ: “Nhân dân là người xây dựng, là người đổi mới, làm nên sự nghiệp lớn, mọi quyền hành và lực lượng đều ở nhân dân”. Bác cho rằng: “Nếu nước đã được độc lập mà dân không có tự do thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì”. Vì vậy mà trong Di chúc, Bác đã căn dặn Đảng ta phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân. Trong sự nghiệp đổi mới mấy chục năm qua, cùng với việc đề ra đường lối và các chính sách đúng đắn, Đảng luôn luôn giương cao ngọn cờ đại đoàn kết toàn dân, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, gắn liền với sức mạnh thời đại, tạo ra nguồn lực to lớn, từng bước đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế, xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH đã ghi: “Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Chính người dân là người làm nên thắng lợi lịch sử. Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Sức mạnh của Đảng là sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Quan liêu, mệnh lệnh, xa rời nhân dân sẽ dẫn đến những tổn thất không lường được đối với vận mệnh của đất nước”. Không có sự tham gia giám sát của nhân dân thì cán bộ, đảng viên dễ trở thành “ông quan’’, “bà quan” và khó trở thành “Người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân”. Không có sự giám sát chặt chẽ của nhân dân thì tổ chức Đảng khó tránh khỏi quan liêu, lạm quyền. Sinh thời, Bác Hồ đã từng nói: “Hễ còn một người Việt Nam bị bóc lột, bị nghèo nàn, thì Đảng vẫn đau thương, cho đó là vì mình chưa làm tròn nhiệm vụ. Cho nên Đảng vừa lo tính công việc lớn như đổi nền kinh tế và văn hóa lạc hậu của nước ta thành một nền kinh tế và văn hóa tiên tiến, đồng thời lại luôn luôn quan tâm đến những việc nhỏ như tương cà mắm muối cần thiết cho đời sống hàng ngày của nhân dân. Cho nên Đảng ta vĩ đại vì nó bao trùm cả nước, đồng thời vì nó gần gũi tận trong lòng của mỗi đồng bào ta. Đảng ta vĩ đại, vì ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích gì khác” (Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, H 2002, t.10, tr.4). Chính vì thế, Đảng được nhân dân tin theo, sức mạnh vô địch của Đảng ta là từ nhân dân mà ra. Ngày nay, những lời dạy của Bác về mối quan hệ giữa Đảng với dân càng có ý nghĩa khi “Có một bộ phận không nhỏ đảng viên không còn gần gũi, gắn bó với họ như ngày xưa. Thậm chí có nhiều nơi, nhiều lúc có một số cán bộ, đảng viên không khác xa mấy bọn hào lý thời cũ. Họ cũng chè chén xa hoa, ăn đút lót, hù dọa, hạch sách, quát nạt dân. Nhiều cán bộ, đảng viên sống xa cách dân, chỉ thấy quần chúng là đối tượng bị lãnh đạo, phải giáo dục, được ban phát. Quần chúng nhân dân muốn gặp những “đầy tớ” của mình thì thật khó khăn, cách bức, thậm chí có lúc bị hoạnh họe, hù dọa”, “những hành động việc làm cụ thể nhiều khi không dựa vào dân; dân không được biết, được bàn, ngay cả với những vấn đề thiết thân của họ. Do vậy, nguy cơ lớn nhất đối với Đảng Cộng sản cầm quyền là thoát ly quần chúng; cán bộ, đảng viên của Đảng đối lập với những người sinh ra, nuôi dưỡng, đùm bọc, hi sinh vì mình” (Hoàng Tùng - Tạp chí Cộng sản, số 2, 1999). V.I.Lênin từng khẳng định: “Chúng ta sẽ mất tất cả khi những người cộng sản trở thành quan liêu”. Căn bệnh quan liêu, xa rời quần chúng đã và đang diễn ra khá trầm trọng. Điều này đã được đề cập đầy đủ trong Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Nghị quyết đã chỉ rõ: “Đồng thời Đảng và Chính phủ cần có những chế tài cụ thể để mọi cán bộ, đảng viên chịu sự kiểm soát của dân, mở rộng dân chủ, kỷ luật thích đáng để trừng trị nghiêm khắc những ai xâm phạm lợi ích, quyền làm chủ của dân. Cần giữ vững quan hệ máu thịt giữa Đảng và dân. “Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hi sinh” phải là nghĩa vụ, trách nhiệm của những người cán bộ, đảng viên phát huy sức mạnh “Đảng với nhân dân là một”.
Một khi mỗi cán bộ, đảng viên đặt lợi ích của nhân dân lên trên lợi ích cá nhân, nhất định Đảng sẽ được nhân dân tin yêu và họ sẵn sàng “Sống theo Đảng chết không rời Đảng”. Đảng phải luôn tự đổi mới, tự chỉnh đốn, xứng đáng với sự tin yêu mà nhân dân đã dành cho Đảng, xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ trung thành của nhân dân. Mỗi người dân Việt Nam sẽ thấy tự hào, hạnh phúc được đi trên con đường mà Bác đã lựa chọn, chiến đấu dưới lá cờ của Đảng và Bác kính yêu.
HOÀNG BÍCH HÀ