Người cao tuổi ngoài ưu điểm về kinh nghiệm sống, còn là những người có uy tín, được nhân dân trong thôn, xóm nể trọng. Hơn nữa, ở thôn 8, xã Lộc Ngãi của chúng tôi, người cao tuổi đa phần là cán bộ hưu trí, nên không những hiểu biết mà còn nắm chắc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
* Ông Lê Công Đức (xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm): “Cần quan tâm, chăm lo hơn nữa sức khỏe của người cao tuổi”.
Người cao tuổi ngoài ưu điểm về kinh nghiệm sống, còn là những người có uy tín, được nhân dân trong thôn, xóm nể trọng. Hơn nữa, ở thôn 8, xã Lộc Ngãi của chúng tôi, người cao tuổi đa phần là cán bộ hưu trí, nên không những hiểu biết mà còn nắm chắc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Do vậy, nếu dùng người cao tuổi vào việc hòa giải trong những vụ việc liên quan đến tranh chấp đất đai, bạo lực gia đình, an ninh trật tự... thì hiệu quả của các cuộc hòa giải ở cơ sở sẽ rất khả quan.
Tôi mong trong nhiệm kỳ tới, Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng sẽ quan tâm hơn nữa đến công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, để người cao tuổi ngày càng sống vui, sống khỏe, sống có ích.
* Bà Nguyễn Thị Kim Thanh (Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm): “Nên xem xét, giải quyết chế độ phụ cấp cho cán bộ cấp thôn”.
Từ khi có Nghị định 92 của Chính phủ, cán bộ cấp thôn không còn được hưởng phụ cấp như trước đây, nên hoạt động của Hội ở cơ sở có phần bị chững lại. Ai cũng biết, hoạt động ở cơ sở rất vất vả, vừa phải đi lại nhiều, vừa tốn tiền xăng xe, mà cán bộ cấp thôn lại không nhận được bất kỳ một chế độ hỗ trợ nào, thì việc triển khai các công tác của Hội gặp khó khăn cũng là điều dễ hiểu. Số tiền phụ cấp tuy không nhiều nhưng nó là nguồn động viên và cũng là một phần trách nhiệm của cán bộ cấp thôn với công việc.
Thông qua đây, tôi rất mong trong nhiệm kỳ mới, Đảng bộ tỉnh sẽ quan tâm xem xét, giải quyết.
* Ông Điểu Hòa (Bí thư Đoàn xã Lộc Lâm, huyện Bảo Lâm): “Tạo thêm điều kiện cho thanh niên dân tộc thiểu số phát triển kinh tế”.
Trước hết, Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng cần quan tâm đến vấn đề đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên dân tộc thiểu số; sau nữa, cần thay đổi phương thức đầu tư vào vùng dân tộc thiểu số cho phù hợp hơn với thực tế. Điều quan trọng nhất là có giải pháp làm sao để thay đổi được nhận thức, tư duy trong lao động, sản xuất của những thanh niên dân tộc thiểu số. Chỉ khi nhận thức của thanh niên thay đổi thì các chương trình, dự án đầu tư của Nhà nước vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số mới phát huy hiệu quả.
TRỊNH CHU ghi