(LĐ online) - Hiện nay quan niệm về văn hóa phê bình (VHPB) còn có những ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng VHPB chủ yếu đề cập đến động cơ, phương pháp và ngôn ngữ phê bình. Ý kiến khác chỉ tập trung xoáy sâu làm rõ những hạn chế, yếu kém của tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên (CB, ĐV).
(LĐ online) - Hiện nay quan niệm về văn hóa phê bình (VHPB) còn có những ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng VHPB chủ yếu đề cập đến động cơ, phương pháp và ngôn ngữ phê bình. Ý kiến khác chỉ tập trung xoáy sâu làm rõ những hạn chế, yếu kém của tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên (CB, ĐV). Văn hóa phê bình trong Đảng là hoạt động của tổ chức đảng, đảng viên thông qua sinh hoạt đảng, trên tinh thần xây dựng, khách quan, trung thực phê bình tổ chức đảng, đảng viên, giúp tổ chức đảng, đảng viên phát huy ưu điểm, khắc phục các khuyết điểm yếu kém, nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, chức năng, nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng Đảng vững mạnh trên cả 3 mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức. Theo chúng tôi, khía cạnh VHPB thể hiện ở các nội dung sau:
- Thứ nhất, khi tiến hành phê bình phải đảm bảo tính khách quan, trung thực, làm rõ đúng sai, ưu khuyết điểm của tổ chức Đảng và CB, ĐV. Hồ Chí Minh chỉ rõ “cán bộ và công nhân phải phê bình nhau thẳng thắn, có đúng nói đúng, có sai nói sai, không sợ mất thể diện”
(1) ; “phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt”
(2) ; “Nói cái xấu phải nói cả cái tốt. Nếu chỉ chuyên nói cái xấu là lệch”
(3).
Thực tiễn cho thấy chất lượng phê bình hiện nay vẫn còn là khâu yếu, chỉ phê bình những khuyết điểm có tính chất thứ yếu, thuộc về tác phong sinh hoạt…Tình trạng nể nang, xuê xoa, né tránh, không dám nói thẳng, nói thật, “nói tốt trước mặt, hục hặc sau lưng” còn khá phổ biến, chậm được khắc phục. Không ít trường hợp lợi dụng phê bình để thổi phồng khuyết điểm nhằm hạ thấp uy tín đồng chí mình. Từ thực tiễn cuộc vận động xây dựng chỉnh đốn Đảng, tự phê bình và phê bình trong những năm gần đây, Đảng ta nhận định: Tình trạng nể nang, né tránh, không dám nói thẳng, nói thật đang là căn bệnh của nhiều tổ chức đảng, một số cấp ủy và cán bộ chủ chốt chưa thực sự gương mẫu trong công tác và sinh hoạt.
- Thứ hai, mục đích của phê bình là giúp nhau tiến bộ, sửa chữa khuyết điểm. Người khái quát: “Phê bình không phải để mỉa mai, nói xấu. Phê bình là để giúp nhau tiến bộ”. Khi CB, ĐV có khuyết điểm mà không chỉ ra để họ sửa chữa như thế là “hại người”, là một khuyết điểm rất to. Tác hại của việc coi nhẹ, buông lơi phê bình sẽ dẫn tới để cái xấu của người ta phát triển “cộng nhiều khuyết điểm nhỏ thành khuyết điểm to sẽ rất có hại”. “Thấy cái xấu của người mà không phê bình là một khuyết điểm rất to”
(4). Bởi vậy, mục đích chính của phê bình vẫn lấy giáo dục phòng ngừa, hướng thiện là chủ yếu.
- Thứ ba, VHPB phải đảm bảo tính công khai, dân chủ, thông qua sinh hoạt đảng. Chỉ trong sinh hoạt đảng thì đảng viên mới được lấy tư cách là đảng viên để phê bình đồng chí của mình và phê bình các tổ chức của Đảng. Bởi việc vào Đảng của đảng viên là hoàn toàn tự nguyện, nhận thức, trình độ các mặt tương đối đều nhau. Đây là hệ giá trị văn hóa tiếp thêm nguồn năng lượng mới để phê bình có hiệu quả. Trong bầu không khí cởi mở, dân chủ, chân thành, tôn trọng lẫn nhau thì mọi CB, ĐV mới nói thẳng nói thật, làm rõ được bản chất của vấn đề. Song, mở rộng dân chủ trong phê bình không có nghĩa muốn nói gì thì nói, muốn phê bình gì thì phê mà phải nằm trong khuôn khổ của nguyên tắc tập trung dân chủ - kỷ luật Đảng; bởi vì kỷ luật Đảng là nghiêm minh và tự giác.
- Thứ tư, động cơ, phương pháp phê bình phải thân ái, trong sáng, đúng lúc, thấm đượm tính nhân văn. Chỉ dẫn “khéo dùng cách phê bình” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hàm chứa phương pháp, nghệ thuật khi phê bình. Theo Người, cần hướng vào phê bình việc làm chứ không phải phê bình người; “phê bình phải thành khẩn, không mỉa mai, nói xấu”, “không được nói gàn, nói vòng quanh”. Khi phê bình phải giữ vững nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng, chú ý khía cạnh tâm lý, mềm dẻo và khéo léo về cách thức tiến hành, bởi nó dễ gây tổn thương đến lòng tự trọng, tự ái của CB, ĐV. Phê bình có văn hóa thì tác dụng lan tỏa rất lớn đến lòng tự trọng, tính tự giác nhận khuyết điểm, sai phạm của CB, ĐV. Tính hiệu quả của văn hóa phê bình thể hiện khi đối tượng phê bình trở thành đồng chủ thể tự phê bình, thành khẩn, nghiêm túc tiếp thu các ý kiến góp ý phê bình của đảng viên, tổ chức đảng. Phê bình phải luôn giữ đúng nguyên tắc, biên độ tính chất công tác đảng, khác với phê bình đấu tranh ngoài xã hội. Cần khắc phục phương pháp hành chính, mệnh lệnh, chì chiết, “đao to búa lớn” truy tìm khuyết điểm, thậm chí tìm cách “hạ bệ” lẫn nhau mà thiếu đi sự cởi mở, chân thành và tình thương yêu đồng chí sâu sắc khi phê bình.
Để VHPB được duy trì, thực hiện tốt trong tổ chức đảng cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
- Thường xuyên giáo dục cho các tổ chức đảng, cấp ủy, CB, ĐV nhận thức đúng mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của phê bình, VHPB, từ đó nâng cao tính đảng của đảng viên trong phê bình. “Phê bình là để giúp nhau tiến bộ. Học nhau điều hay, giúp nhau sửa chữa khuyết điểm”
(5); “là một phương pháp căn bản để tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng”. Cấp ủy cần có chủ trương, cách làm, bước đi cụ thể, vừa gợi ý động viên đảng viên tự phê bình, vừa nhắc nhở đảng viên nêu cao tính đảng, ý thức đấu tranh phê bình. Cần bổ sung quy chế, quy định, điều kiện bảo đảm để tự phê bình và phê bình có hiệu quả; khắc phục hiện tượng phê bình không có nội dung, địa chủ cụ thể, “đấu tranh, tránh đâu”. Các tổ chức đảng cần tiếp tục quán triệt nắm vững nguyên tắc, phương châm, phương pháp và nội dung phê bình trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI.
- Tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn các TCCSĐ trong sạch vững mạnh gắn với nâng cao chất lượng đảng viên. Đây là nhân tố bảo đảm sức mạnh của tổ chức đủ sức miễn dịch những phản VHPB, buộc đảng viên tự soi xét khuyết điểm của mình và thành khẩn nhận và quyết tâm sửa chữa. Khi TCCSĐ yếu kém thì việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, đấu tranh phê bình với các sai phạm, tiêu cực yếu kém sẽ gặp nhiều khó khăn.
- Cán bộ chủ chốt phải nêu gương sáng tự phê bình và phê bình trước cấp dưới, đảng viên thường thì dễ tạo ra không gian văn hóa dân chủ, cởi mở, vừa có sức lan tỏa tạo chỗ dựa cho đảng viên phê bình và tự phê bình có hiệu quả. Cán bộ chủ chốt có nhân cách trong sáng, động cơ phê bình chân thành, thân ái, nhân văn sẽ là nhân tố tạo lập văn hóa phê bình và môi trường nhân văn trong các chức Đảng.
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, tập 9, 2000, tr.394.
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, tập 5, 2000, tr.232.
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, tập 7, 2000, tr.221.
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, tập 5, 2000, tr.260.
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2000, tập 7, tr.414.
Nguyễn Thế Tư