Ý Đảng - Lòng dân

09:09, 11/09/2015

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, anh em hội viên Hội CCB vùng sâu, vùng xa của chúng tôi thực sự yên tâm về những quyết sách mang tầm vĩ mô đối với đối tượng hội viên CCB là người dân tộc thiểu số mà ở trên đã đưa ra để thực hiện...

* Ông K’Tỏi - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Sơn Điền (huyện Di Linh): “Hội viên CCB người DTTS đã thoát nghèo, nhưng chưa thật bền vững”
 
“Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, anh em hội viên Hội CCB vùng sâu, vùng xa của chúng tôi thực sự yên tâm về những quyết sách mang tầm vĩ mô đối với đối tượng hội viên CCB là người dân tộc thiểu số mà ở trên đã đưa ra để thực hiện. Ở từng gia đình và từng buôn làng, phát huy phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ, hội viên CCB Sơn Điền chúng tôi luôn có nhiều cố gắng vươn lên trong cuộc sống để thực sự là chỗ dựa vững chắc của cộng đồng buôn làng, của các tổ chức chính trị và đoàn thể của địa phương. Đến nay, trong 110 hộ gia đình hội viên CCB xã Sơn Điền chúng tôi không còn hộ nào thuộc diện nghèo. Đến nay, hộ cận nghèo hội viên chỉ còn 3 hộ thôi; còn lại, đều là hộ trung bình và khá trở lên. 
 
Tuy nhiên, trong số đó, số hộ có mức sống trung bình thì chiếm nhiều hơn cả. Đây là điều mà anh em CCB chúng tôi rất lo, nhất là anh em đứng đầu tổ chức hội. Lo là bởi lẽ, điều kiện để anh em CCB thuộc hộ có mức sống trung bình vươn lên thành hộ khá thì còn nhiều hạn chế lắm; nói rõ hơn là anh em không đủ điều kiện về kinh tế để làm nền tảng vươn lên. Do vậy, tuy đã thoát nghèo nhưng chưa thật bền vững. Từ đó, suy nghĩ của cá nhân tôi là: Tổ chức Đảng các cấp cần xác định đây là vấn đề căn bản để đưa ra các quyết sách hữu hiệu nhằm giải quyết căn cơ vấn đề, không để hộ hội viên CCB ở vùng sâu, vùng xa Sơn Điền này tái nghèo”.
 
* Nhà giáo K’Út - GV Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Sơn Điền (Di Linh): “Đầu tư cho giáo dục vùng DTTS là phải đầu tư từ “nền””
 
“Sau khi tốt nghiệp sư phạm ngành hóa học Trường Đại học Đà Lạt năm 2010, tôi về dạy học ở Tân Thượng (Di Linh); đến năm học 2012 - 2013, tôi về dạy ở Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Sơn Điền - quê hương của tôi, từ đó đến nay. Ở vùng sâu, vùng xa như Sơn Điền, cũng như nhiều địa phương vùng sâu vùng xa khác trong tỉnh, điều kiện về giáo dục (cả học lẫn dạy) đã được Đảng, Nhà nước và ngành quan tâm đầu tư đúng mức. Nhờ đó, với con em đồng bào DTTS, tình trạng mù chữ, tình trạng không được đến trường, đến lớp đã được hạn chế đến mức thấp nhất. Cùng đó, việc đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS trong những năm qua đã giúp cho bà con DTTS Sơn Điền cơ bản xóa được đói, giảm được nghèo, có điều kiện hơn để quan tâm cho con em mình đến trường. 
 
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, ở vùng đồng bào DTTS Sơn Điền hiện nay vẫn còn một số em học sinh có hoàn cảnh rất khó khăn, nhất là khó khăn về điều kiện kinh tế gia đình của các em. Do vậy, đối với một số trường hợp đặc biệt này, nếu không được quan tâm giúp đỡ một cách đúng mức thì chắc chắn là điều kiện đến trường đến lớp của các em bị ảnh hưởng tiêu cực. Về đội ngũ giáo viên ở trường của tôi, theo tôi, hầu hết anh em đều nhiệt tình, có nhiều cố gắng trong việc nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; nhưng cái hạn chế mà tôi muốn nêu ra đây chính là điều kiện giao lưu với bên ngoài để anh em GV, nhất là GV người DTTS, học hỏi, học tập, trao đổi kinh nghiệm đang là vấn đề rất đáng quan tâm hiện nay. Giải quyết những vấn đề tôi vừa nêu bằng các chính sách của Đảng là thể hiện sự đầu tư giáo dục vùng DTTS là phải đầu tư từ “nền””.
 
* Bà Ka Gliễu - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Sơn Điền (Di Linh): “Cần quan tâm phát triển đảng viên người DTTS là nữ nhiều hơn nữa”
 
“Tôi sinh năm 1970, tham gia công tác ở xã Sơn Điền này lâu rồi. Đến 1998 thì tôi được bầu làm lãnh đạo Hội Phụ nữ của xã, hiện tôi là Chủ tịch Hội. 17 năm làm cán bộ của tổ chức hội phụ nữ, tôi rất hiểu những tâm tư, nguyện vọng của chị em, nhất là đối với những chị em phụ nữ là người DTTS. Ở Sơn Điền, nói đến hội viên của Hội Phụ nữ xã là nói đến chị em người DTTS. Bởi vậy, chị em người DTTS (đặc biệt là các chị em hội viên) là một bộ phận rất quan trọng của tổ chức Hội, của tổ chức Đảng, chính quyền và của các tổ chức đoàn thể khác ở địa phương vùng sâu vùng xa như Sơn Điền này. Từ trước đến nay, Đảng và Nhà nước chúng ta đã có nhiều quan tâm đến đối tượng là phụ nữ DTTS, đến tổ chức hội phụ nữ, nhất là tổ chức hội phụ nữ thuộc vùng sâu, vùng xa, mà Sơn Điền là một ví dụ. Nhờ sự quan tâm ấy, đời sống kinh tế và tinh thần của chị em phụ nữ DTTS vùng sâu chúng tôi từng bước được cải thiện; bản thân chị em chúng tôi cũng có nhiều cố gắng vươn lên trong cuộc sống để làm tròn bổn phận, chức trách của mình đối với gia đình, đối với xã hội. Trong sự quan tâm đó, có sự quan tâm cụ thể về vị thế chính trị - xã hội của chị em; nhiều chị em đã vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng, để chị em phụ nữ DTTS có điều kiện hơn trong việc phát huy truyền thống của người phụ nữ Việt Nam trong đời sống xã hội. 
 
Tuy nhiên, theo quan sát của cá nhân, tôi cho rằng việc bồi dưỡng và tạo điều kiện để chị em người DTTS vùng sâu, vùng xa được đứng vào hàng ngũ của Đảng trong thực tế vẫn còn những hạn chế nhất định. Nói cách khác, cần quan tâm phát triển đảng viên người DTTS là nữ nhiều hơn nữa! Đây cũng là điều mà tôi muốn gửi đến Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ X sắp đến!”.     
 
KHẮC DŨNG ghi