Xuất phát từ nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; Đảng ta luôn xác định: Công tác dân vận (CTDV) là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng nước ta và đã trở thành một truyền thống tốt đẹp, là cội nguồn sức mạnh của Đảng ta.
Xuất phát từ nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; Đảng ta luôn xác định: Công tác dân vận (CTDV) là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng nước ta và đã trở thành một truyền thống tốt đẹp, là cội nguồn sức mạnh của Đảng ta.
Từ khi thành lập đến nay, trải qua các thời kỳ cách mạng: Đấu tranh giành độc lập dân tộc (1930-1945), kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược để giữ vững nền độc lập, tự do của Tổ quốc (1945-1975), xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN (1975 - đến nay); Đảng ta luôn đặt CTDV là một trong những nhiệm vụ hàng đầu, thể hiện mối quan hệ khăng khít giữa Đảng với nhân dân, tạo thành sức mạnh to lớn vượt qua mọi gian nan, thử thách, giành được thắng lợi này đến thắng lợi khác. Trong mỗi giai đoạn lịch sử cách mạng, CTDV có phương thức, nội dung khác nhau nhưng đều nhằm mục tiêu vận động tất cả các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia vào các phong trào cách mạng, thi đua yêu nước; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố và tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân.
Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta trong điều kiện hội nhập quốc tế càng đòi hỏi phải phát huy cao độ khối đoàn kết và sức mạnh toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh của thời đại, đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, thực hiện thành công công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Do vậy, từ Đại hội V, Đảng ta đã xác định “Trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, tầm quan trọng của công tác vận động quần chúng chẳng những không giảm bớt mà còn tăng thêm”. Đặc biệt, trong công cuộc đổi mới đất nước bắt đầu từ Đại hội lần thứ VI, Đảng ta đã ban hành nhiều văn kiện lãnh đạo công tác vận động quần chúng của Đảng. Ngoài các nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc, Ban Chấp hành Trung ương các khóa còn ban hành những nghị quyết, chuyên đề về CTDV. Hội nghị lần thứ 8 BCH Trung ương khóa VI đã ban hành Nghị quyết số 8B “Về đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân”. Nghị quyết đã tổng kết 4 quan điểm chỉ đạo của Đảng mang tính chiến lược đối với CTDV của Đảng mà đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự nóng hổi, đó là: (1) Cách mạng là sự nghiệp của dân, do dân và vì dân; (2) Động lực thúc đẩy phong trào quần chúng là đáp ứng lợi ích thiết thực của nhân dân và kết hợp hài hòa các lợi ích, thống nhất quyền lợi và nghĩa vụ công dân; (3) Các hình thức tập hợp nhân dân phải đa dạng; (4) Công tác quần chúng là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể nhân dân.
Bộ Chính trị khóa X đã ra Quyết định số 290-QĐ/TW, ngày 25/2/2010 về việc ban hành “Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị” một lần nữa khẳng định: “Dân vận và công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng nước ta; là điều kiện quan trọng bảo đảm cho sự lãnh đạo của Đảng và củng cố, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân”. Đồng thời, xác định rõ trách nhiệm lãnh đạo và thực hiện công tác dân vận của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, của mọi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên; cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong thực hiện CTDV. Có thể nói, đây là văn bản đầu tiên của Đảng có tính chế định về chế độ trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện CTDV trong hệ thống chính trị nước ta.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã chỉ rõ: Tình hình đất nước và bối cảnh quốc tế có những thuận lợi và cơ hội to lớn cùng những khó khăn và thách thức gay gắt trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ trong thời kỳ chiến lược tới. Vì vậy, nhân dân ta phải nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với sự nghiệp cách mạng hiện nay. Việc tăng cường CTDV lúc này chính là nhằm tăng cường nhân tố bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân ta.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) ban hành Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 3/6/2013 về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” xác định mục tiêu: Củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân với Đảng; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân; tập hợp, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân, tạo phong trào cách mạng rộng lớn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tiếp theo, ngày 12/12/2013 Bộ Chính trị ban hành hai quyết định: Quyết định số 217-QĐ/TW về việc ban hành “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội”; Quyết định số 218-QĐ/TW về ban hành “Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”. Việc ban hành các Quy chế, Quy định nói trên là sự cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI) về CTDV; là bước đột phá mới về phát huy dân chủ nhằm không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Thực tiễn 85 năm qua, CTDV luôn là một nhiệm vụ chính trị quan trọng của Đảng, là một hoạt động đặc trưng trong phương thức lãnh đạo quần chúng của Đảng. CTDV không chỉ là vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, mà còn là phương thức thu hút nhân dân vào việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách đó. Vì vậy, làm tốt CTDV không chỉ phát huy được sức mạnh toàn dân tộc, mà còn góp phần nâng cao vị trí, vai trò lãnh đạo, uy tín của Đảng đối với nhân dân, một nguồn lực to lớn, chủ yếu quyết định sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cùng với cả nước, Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tổ chức, tập hợp lực lượng chiến đấu ở cả tiền tuyến và hậu phương, ở nông thôn, thành thị và cả trong lòng địch tham gia đấu tranh cách mạng, góp phần quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta. Trong thời kỳ đổi mới, CTDV luôn được sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy, cấp ủy các cấp, tổ chức bộ máy Dân vận, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể của tỉnh được củng cố, kiện toàn và không ngừng lớn mạnh. Các phong trào, cuộc vận động lớn như xóa đói giảm nghèo; toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; toàn dân chung tay xây dựng nông thôn mới; đền ơn đáp nghĩa; thi đua làm “Dân vận khéo”… đã góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân.
Kỷ niệm 85 năm Ngày truyền thống CTDV của Đảng (15/10/1930 - 15/10/2015) trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực thi đua lập nhiều thành tích chào mừng đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Hơn lúc nào hết, các cấp, các ngành, mọi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân phát huy cao độ tinh thần yêu nước, tạo khí thế và quyết tâm mới, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, ra sức phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và kế hoạch 5 năm 2011 - 2015 mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã đề ra. Phát huy truyền thống 85 năm CTDV của Đảng, đội ngũ những người làm CTDV của Đảng hôm nay phải thường xuyên rèn luyện bản lĩnh, ý chí, trau dồi phẩm chất đạo đức, phong cách công tác, thực sự thấm nhuần lời dạy của Bác: “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì hại đến dân phải hết sức tránh; chúng ta phải yêu dân, kính dân, thì dân mới yêu ta, kính ta”.
VĂN NHÂN