(LĐ online) - Ngày 30/10, tại Đà Lạt, Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Văn Đa và lãnh đạo các sở ngành đã tiếp Đoàn công tác Ban chỉ đạo Nhà nước về Du lịch đến làm việc tại tỉnh Lâm Đồng, do Thượng tướng Tô Lâm – UVBCHTW Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, thành viên Ban chỉ đạo Nhà nước về du lịch làm Trưởng đoàn.
(LĐ online) - Ngày 30/10, tại Đà Lạt, Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Văn Đa và lãnh đạo các sở ngành đã tiếp Đoàn công tác Ban chỉ đạo Nhà nước về Du lịch đến làm việc tại tỉnh Lâm Đồng, do Thượng tướng Tô Lâm – UVBCHTW Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, thành viên Ban chỉ đạo Nhà nước về du lịch làm Trưởng đoàn.
|
Thượng tướng Tô Lâm làm việc với tỉnh Lâm Đồng về du lịch |
Tại buổi làm việc, lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng đã báo cáo với Đoàn công tác về tình hình phát triển du lịch tại tỉnh Lâm Đồng, cơ chế thúc đẩy phát triển du lịch và nâng cao nhận thức về du lịch trong cộng đồng dân cư và các thành phần kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch… nhằm khai thác tiềm năng và lợi thế về du lịch tại tỉnh lâm Đồng, từng bước khẳng định du lịch là ngành kinh tế động lực của tỉnh, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Trong 10 tháng qua, khách du lịch đến Lâm Đồng đạt trên 3.927 ngàn lượt (tăng 8,56% so với cùng kỳ năm 2014, đạt 78,24% kế hoạch năm 2015), khách quốc tế đạt gần 140 ngàn lượt và khách nội địa đạt khoảng 3.788 ngàn lượt. Doanh thu xã hội từ hoạt động du lịch trong 10 tháng đạt khoảng 7 ngàn tỷ đồng…
Tính trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay, tỉnh Lâm Đồng đã đón tiếp và phục vụ khoảng 20 triệu lượt khách, trong đó có 1 triệu lượt khách quốc tế; số ngày lưu trú bình quân đạt 2,45 ngày; công suất sử dụng phòng bình quân đạt 50%.
Cả tỉnh có 920 cơ sở lưu trú (trên 14,6 ngàn phòng), sức chứa khoảng 45 ngàn khách; trong đó, có 305 khách sạn có sao (trên 8 ngàn phòng), 25 khách sạn từ 3-5 sao (trên 2 ngàn phòng).
Lâm Đồng hiện có 100 khu điểm tham quan du lịch (13 khu điểm là danh thắng được xếp hạng cấp tỉnh và quốc gia…); 42 đơn vị kinh doanh lữ hành, trong đó có 12 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế. Sản phẩm du lịch tập trung khai thác thế mạnh của tỉnh, như: du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, hội nghị - hội thảo, thể thao mạo hiểm, văn hóa bản địa, nông nghiệp, di sản, kiến trúc…
Lâm Đồng đang có 2 trường đại học và 4 trường cao đẳng có chức năng đào tạo du lịch đóng chân. Đến nay, 80% đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về du lịch và hơn 75% lao động trong lĩnh vực du lịch được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ chuyên môn.
Thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng đã thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch được 229 dự án, với tổng số vốn đăng ký trên 70 ngàn tỷ đồng, trong đó, có khoảng 40 dự án đã được đầu tư hoàn thiện và đưa vào khai thác kinh doanh, đa số tập trung đầu tư du lịch sinh thái, tham quan, nghỉ dưỡng… Hạ tầng giao thông phục vụ du lịch cũng ngày càng được quan tâm, hoàn thiện, nối Lâm Đồng với vùng Đông Nam bộ, Tp.HCM, các tỉnh Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung bộ, tạo điều kiện để phát triển các tour, tuyến du lịch liên tỉnh bằng đường bộ. Sân bay Liên Khương được nâng cấp, mở rộng và đang khai thác các đường bay kết nối Lâm Đồng với Hà Nội, Tp.HCM, Nghệ An, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế và kết nối thử nghiệm một số chuyến bay du lịch đến từ các nước trong khu vực.
Lâm Đồng đã tổ chức được 5 kỳ festival Hoa và các lễ hội hằng năm, như Lễ hội văn hóa Trà, Lễ hội cồng chiêng, Lễ hội mùa hè…; đặc biệt, năm 2014, Lâm Đồng đã đăng cai tổ chức thành công Năm Du lịch Quốc gia 2014 Tây Nguyên – Đà Lạt… và việc Lang Biang được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển của thế giới… góp phần quảng bá hình ảnh du lịch quốc gia và địa phương đến với du khách trong và ngoài nước.
Lâm Đồng cũng tăng cường liên kết hợp tác phát triển, mở rộng thị trường du lịch với các địa phương trong nước, như Chương trình tam giác phát triển du lịch: Lâm Đồng – Bình Thuận – Tp.HCM, Chương trình liên kết du lịch Lâm Đồng – Khánh Hòa; Liên kết du lịch Lâm Đồng với các tỉnh thành: Đà Nẵng, Cần Thơ, Kiên Giang, Nghệ An… bước đầu mang lại hiệu quả; và đang xúc tiến các chương trình ký kết với các địa phương khác ở miền Trung và Tây Nguyên…
Lâm Đồng cũng tăng cường xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch địa phương thông qua nhiều kênh thông tin hiệu quả trong nước và quốc tế…
Tuy nhiên, Lâm Đồng cũng gặp phải những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động du lịch, chưa được đầu tư tương xứng với lợi thế hiện có, cũng chưa thể hiện được vai trò là ngành kinh tế động lực…, như: về hạ tầng giao thông, đường bộ từ các vùng miền đến Lâm Đồng chủ yếu được xây dựng trên 40 năm, chỉ được tu sửa, chưa được đầu tư, nâng cấp; đường hàng không khai thác tốt các chuyến bay trong nước, nhưng chưa khai thác được đường bay quốc tế; một số quy định của Luật Du lịch ảnh hưởng đến thủ tục công nhận Khu du lịch quốc gia, điểm du lịch quốc gia, và thực hiện cơ chế đặc thù phát triển thành phố Đà Lạt đã được Thủ tướng phê duyệt; những vướng mắc trong thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất của dự án đầu tư trên diện tích rừng phòng hộ, rừng cảnh quan…
Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt thông tin thêm với Đoàn Công tác về một số vấn đề liên quan đến phát triển du lịch. Đó là Lâm Đồng có 2 thế mạnh về phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) theo hướng tiếp cận đa ngành, gắn với chuỗi giá trị từ sản xuất – chế biến đến phân phối, tiêu dùng…Ngành nông nghiệp ở Lâm Đồng có cơ hội tiếp cận với các kỹ thuật tiên tiến của thế giới và được các chuyên gia quốc tế, đặc biệt là chuyên gia Nhật Bản hỗ trợ… Từ đó, có nền tảng để phát triển du lịch gắn với nông nghiệp và NNCNC nhằm thúc đẩy loại hình, sản phẩm du lịch mới. Tuy nhiên, cả hai lĩnh vực này lại ảnh hưởng rất lớn đến tình hình thu ngân sách, làm hụt thu đáng kể nguồn ngân sách địa phương… Khu du lịch Tuyền Lâm là khu du lịch nghỉ dưỡng chuyên đề đã có 8 dự án đi vào hoạt động, nhưng thực sự phát huy hiệu quả, chủ các dự án hiện đang chấp nhận lỗ… nếu không có chủ trương và chính sách đồng bộ sẽ rất khó khăn cho nhà đầu tư. Chủ tịch mong muốn Đoàn công tác giúp tỉnh tháo gỡ những khó khăn về chính sách, về cơ chế để Lâm Đồng có nhiều cơ hội hơn trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là thúc đẩy du lịch phát triển…
Thượng tướng Tô Lâm ghi nhận những kết quả mà Lâm Đồng đạt được dựa trên các lợi thế về thiên nhiên. Đồng chí biểu dương Lâm Đồng đã nỗ lực liên kết vùng miền để mở rộng thị trường và khuyến khích liên kết quốc tế để quảng bá hình ảnh, nâng cao vị thế của Lâm Đồng trên bản đồ du lịch. Đồng chí cũng khẳng định, Chính phủ xác định Lâm Đồng là trọng điểm phát triển du lịch của cả nước và khu vực. Việc bảo đảm an ninh trật tự và giữ gìn môi trường trong hoạt động du lịch cần được chú trọng để quảng bá hình ảnh tươi đẹp và điểm đến an toàn của Đà Lạt – Lâm Đồng. Thượng tướng cảnh báo việc nước ta miễn visa cho 20 nước, tạo điều kiện để thu hút du khách, nhưng cũng mang đến nhiều hệ lụy, làm biến dạng thị trường du lịch, khó quản lý, khó thu thuế, ảnh hưởng đến an ninh trật tự trong hoạt động du lịch.
Đồng chí cũng ghi nhận những vấn đề khó khăn của Lâm Đồng và mong muốn, chính quyền, nhân dân tỉnh Lâm Đồng cố gắng khắc phục những khó khăn trước mắt, học hỏi kinh nghiệm của các địa phương trong việc giải quyết các vấn đề tương tự… luôn hướng đến mục tiêu xây dựng Lâm Đồng trở thành đô thị văn minh, đô thị du lịch…
NHẬT QUÂN