Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ X (nhiệm kỳ 2015 - 2020) diễn ra trong thời điểm có ý nghĩa quan trọng: Toàn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã thực hiện thắng lợi nhiều mục tiêu, nhiệm vụ do Đại hội lần thứ IX đề ra...
LTS: Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ X (nhiệm kỳ 2015 - 2020) diễn ra trong thời điểm có ý nghĩa quan trọng: Toàn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã thực hiện thắng lợi nhiều mục tiêu, nhiệm vụ do Đại hội lần thứ IX đề ra. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X xác định chủ đề: “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy dân chủ và sức mạnh đoàn kết toàn dân; huy động mọi nguồn lực; tiếp tục phát triển nhanh và bền vững”. Trước thềm Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, đồng chí Nguyễn Xuân Tiến - UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Lâm Đồng về những thành tựu nổi bật trong nhiệm kỳ qua và một số định hướng lớn trong giai đoạn 2015 - 2020. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi.
PV: Thưa Bí thư Tỉnh ủy, 5 năm qua, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng đã vượt qua và đạt những thành tựu quan trọng. Xin đồng chí cho biết vài nét khái quát về vấn đề này?
BÍ THƯ TỈNH ỦY: Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ IX (nhiệm kỳ 2010 - 2015), bên cạnh những thuận lợi cơ bản, Lâm Đồng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Song, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh nỗ lực phấn đấu và đạt được những thành tựu quan trọng:
- Kinh tế tiếp tục phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt trên 14%. Quy mô, chất lượng nền kinh tế tăng đáng kể, cơ cấu kinh tế chuyển dịch hợp lý. GDP bình quân đầu người năm 2015 ước đạt 52,2 triệu đồng, gấp 2,6 lần so với năm 2010.
- Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là giao thông, thủy lợi, đô thị phát triển mạnh; giao thông đã kết nối đến tất cả các tỉnh lân cận bằng các quốc lộ, phá thế độc đạo trước đây khi chỉ có Quốc lộ 20. Giao thông nông thôn gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới đã phát triển tốt. Tốc độ đô thị hóa khá nhanh, diện mạo và cảnh quan đô thị không ngừng đổi mới.
- Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ: Giáo dục và đào tạo có nhiều đổi mới; cơ sở vật chất ngành y tế và đội ngũ y, bác sỹ được tăng cường; các lĩnh vực khoa học công nghệ, văn hóa, thông tin, thể dục thể thao tiếp tục phát triển; an sinh xã hội được đảm bảo, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh (đến nay toàn tỉnh còn dưới 2%, riêng vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn dưới 6%); đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên.
- An ninh, chính trị - trật tự xã hội ổn định. Các hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế được chú trọng, tạo môi trường thuận lợi để hội nhập quốc tế và huy động nguồn lực phát triển.
- Công tác xây dựng Đảng luôn được xác định là nhiệm vụ then chốt; xây dựng hệ thống chính trị luôn được quan tâm…, vì vậy vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng; hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của các cấp không ngừng được nâng lên; vai trò của MTTQ, các đoàn thể chính trị xã hội ngày càng được phát huy. Dân chủ trong Đảng, trong xã hội ngày càng được mở rộng; đoàn kết dân tộc, đồng thuận xã hội không ngừng được phát huy.
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn được chú trọng. Việc thực hiện Nghị quyết TW4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã tạo được sự chuyển biến đáng kể trong các tổ chức Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên về bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống, tinh thần và thái độ phục vụ nhân dân; cán bộ, đảng viên, nhân dân phấn khởi tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền và công cuộc đổi mới của đất nước.
PV: Được biết một trong những nội dung trọng tâm trong nhiệm kỳ 2010 - 2015 mà Đảng bộ tỉnh quan tâm triển khai thực hiện là đổi mới mô hình tăng trưởng để phát huy lợi thế của địa phương. Xin đồng chí cho biết kết quả việc thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng của tỉnh như thế nào?
BÍ THƯ TỈNH ỦY: Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng và Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI), Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh và các ngành xây dựng, thực hiện đề án đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu kinh tế gắn với thực hiện 5 khâu đột phá của tỉnh, phát huy lợi thế của địa phương, với định hướng chuyển từ phát triển chủ yếu dựa vào chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng với chiều sâu; kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội.
Qua 5 năm triển khai thực hiện đã đạt được những kết quả bước đầu tương đối toàn diện:
- Chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao đã đưa ngành nông nghiệp của tỉnh phát triển vượt bậc. Đến nay, tổng diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC của tỉnh khoảng 40.000ha, chiếm khoảng 15% tổng diện tích đất nông nghiệp và 30% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp; thu nhập bình quân trên 1ha canh tác hiện đạt 145 triệu đồng và là một trong các tỉnh dẫn đầu trong cả nước về ứng dụng công nghệ cao và xây dựng thương hiệu các mặt hàng nông sản. Chương trình xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào sâu rộng trong toàn tỉnh, người nông dân đã thật sự là chủ thể trong phong trào, nhân dân đồng tình, xã hội đồng thuận; diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới, khang trang. Đến nay toàn tỉnh có huyện Đơn Dương và 43 xã đạt tiêu chí nông thôn mới.
- Các ngành công nghiệp có lợi thế được chú trọng phát triển, đặc biệt là công nghiệp thủy điện, khai khoáng và chế biến nông lâm sản; quy mô và năng lực của một số ngành được nâng lên.
- Các lĩnh vực dịch vụ có bước phát triển mới; nhất là dịch vụ du lịch có sự chuyển biến đáng kể về quy mô, chất lượng dịch vụ, đang phát triển để trở thành ngành kinh tế động lực của tỉnh; năm 2015 dự kiến đón trên 5 triệu lượt khách.
|
Bí thư Tỉnh ủy (thứ ba từ phải qua) cùng Chủ tịch nước thăm mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: Mai Văn Bảo |
PV: Thưa đồng chí, trong nhiệm kỳ qua, bài học kinh nghiệm mà Đảng bộ tỉnh rút ra là gì?
BÍ THƯ TỈNH ỦY: Từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo trong nhiệm kỳ vừa qua, Đảng bộ tỉnh rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:
- Thứ nhất, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, đảm bảo nguyên tắc, phát huy dân chủ, giữ vững kỷ cương; chú trọng xây dựng và chỉnh đốn Đảng, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong các tổ chức Đảng.
- Thứ hai, không ngừng đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị; một mặt khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng trong hệ thống chính trị, mặt khác phát huy tính chủ động, điều hành theo pháp luật của chính quyền, hoạt động theo luật pháp và điều lệ của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. Không buông lỏng sự lãnh đạo, không bao biện làm thay.
- Thứ ba, năng động, sáng tạo trong tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào điều kiện thực tiễn địa phương; phát huy tiềm năng, lợi thế so sánh để phát triển.
- Thứ tư, quán triệt và thực hiện tốt phương châm: Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt; văn hóa là nền tảng tinh thần, là động lực phát triển; quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên; đảm bảo sự phát triển hài hòa giữa kinh tế với các lĩnh vực văn hóa xã hội, giữa kinh tế với quốc phòng, an ninh.
- Thứ năm, phát huy mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế, mở rộng các hình thức và nội dung liên kết trên tất cả các lĩnh vực.
PV: Xin đồng chí cho biết mục tiêu tổng quát và những định hướng cơ bản trong nhiệm kỳ 2015 - 2020?
BÍ THƯ TỈNH ỦY: Trong những năm tới, tình hình thế giới vẫn tiếp tục có nhiều yếu tố diễn biến khó lường; tình hình trong nước, tuy nền kinh tế từng bước phục hồi và phát triển nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, các thế lực thù địch vẫn không ngừng tìm cách chống phá. Với đặc thù của một tỉnh Tây Nguyên, có đông đồng bào dân tộc thiểu số, xuất phát điểm về mọi mặt thấp hơn so với các tỉnh khác; trong điều kiện hội nhập và phát triển hiện nay, bên cạnh những thuận lợi, Lâm Đồng phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức lớn.
Trên cơ sở dự báo tình hình, đánh giá tiềm năng, thế mạnh và các vấn đề quan trọng quyết định đến sự phát triển của địa phương, Đảng bộ đã đề ra mục tiêu tổng quát 5 năm (2015 - 2020) là: “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; giữ vững nguyên tắc của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình. Xây dựng bộ máy chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh, gần gũi và gắn bó với nhân dân. Tăng cường đoàn kết, mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy sức mạnh toàn dân, đảm bảo sự đồng thuận xã hội. Huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển, chủ động hội nhập quốc tế; duy trì tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý; phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, đảm bảo an sinh xã hội; giữ vững quốc phòng, an ninh và trật tự xã hội. Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững”.
Đồng thời cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện 4 chương trình trọng tâm, gồm: Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển dịch vụ du lịch chất lượng cao; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Và tập trung các nguồn lực để thực hiện 12 dự án, công trình trọng điểm thuộc các lĩnh vực: giao thông, công nghiệp, công nghệ thông tin, nông nghiệp, du lịch và văn hóa xã hội (gồm: Đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương; Khu Công nghiệp Phú Hội, Khu Công - nông nghiệp Tân Phú, Khu Công nghệ thông tin tập trung; các khu du lịch: Đan Kia - Đà Lạt, hồ Đại Ninh, hồ Tuyền Lâm; các dự án thủy lợi: Đạ Sị, Đông Thanh, KaZam; Khu Trung tâm Hòa Bình - thành phố Đà Lạt, Trung tâm Văn hóa - Thể thao Lâm Đồng).
|
Đà Lạt tăng tốc để phát triển nhanh, bền vững. Ảnh: Nguyễn Nghĩa |
PV: Vậy cần phải thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp nào để thực hiện thắng lợi mục tiêu nêu trên, thưa đồng chí?
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu tiếp tục đưa Lâm Đồng phát triển nhanh và bền vững, trong thời gian tới, cần phải đề ra nhiều giải pháp hợp lý và cần có sự đồng bộ trong tổ chức thực hiện…; trong đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
1) Tiếp tục thực hiện đề án tái cơ cấu kinh tế dựa trên tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; trước hết là tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhân rộng mô hình sản xuất NNCNC trên cơ sở quy hoạch được phê duyệt; từng bước sắp xếp, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp; mở rộng liên kết, tạo lập thị trường ổn định cho các mặt hàng nông sản.
Phát triển mạnh dịch vụ du lịch để thực sự trở thành ngành kinh tế động lực của tỉnh; chú trọng các loại hình dịch vụ chất lượng cao, dịch vụ dựa vào lợi thế về khí hậu, cảnh quan và văn hóa của địa phương để tạo nên những sản phẩm dịch vụ đặc trưng của du lịch Lâm Đồng.
2) Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trọng tâm là hạ tầng giao thông, thủy lợi và hạ tầng đô thị. Tiếp tục nâng cấp các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và giao thông nông thôn. Tích cực phối hợp với Bộ Giao thông vận tải để kêu gọi các nhà đầu tư để sớm khởi công xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, hoàn thành đưa vào sử dụng trước năm 2020 theo kế hoạch.
Tăng cường đầu tư phát triển đô thị của Đà Lạt, Bảo Lộc, Đức Trọng; phấn đấu đến năm 2020 thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đạt tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố Bảo Lộc là đô thị loại II và huyện Đức Trọng là đô thị loại III. Đồng thời tiếp tục đầu tư phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
3) Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và công tác đào tạo nghề, nhất là đào tạo nghề cho khu vực nông thôn, đáp ứng yêu cầu của hội nhập và đổi mới. Chuẩn hóa và chuyên nghiệp hóa đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
4) Chăm lo công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, trọng tâm là nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Không ngừng đổi mới phương thức quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền các cấp, đảm bảo gần dân và trách nhiệm với nhân dân. Nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, nhất là vai trò giám sát, phản biện xã hội.
5) Phát huy dân chủ và sức mạnh đoàn kết dân tộc, khơi dậy tinh thần sáng tạo và sức mạnh trong nhân dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội và sự đoàn kết thống nhất trong nhân dân; giữ vững kỷ cương, sống và làm việc theo pháp luật.
PV: Xin cảm ơn Bí thư Tỉnh ủy về cuộc phỏng vấn! Chúc Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ X (2015 - 2020) thành công tốt đẹp!
HỒ LAN (thực hiện)