Thực hiện theo tư tưởng Hồ Chí Minh về học tập suốt đời

09:10, 01/10/2015

Nhân Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2015, xin được trao đổi đôi điều xung quanh vấn đề thực hiện một luận điểm quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về tự học và học suốt đời và chính Người là tấm gương sáng ngời về tinh thần bền bỉ học tập suốt đời. 

Nhân Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2015, xin được trao đổi đôi điều xung quanh vấn đề thực hiện một luận điểm quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về tự học và học suốt đời và chính Người là tấm gương sáng ngời về tinh thần bền bỉ học tập suốt đời. 
 
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự học là vô biên, vô cùng, “thế giới tiến bộ không ngừng, ai không học là lùi” (1). Đất nước ta 80 năm bị đô hộ một phần do chính sách ngu dân của thực dân Pháp. Vì vậy, con người ta phải ham học, học suốt đời, học ở mọi nơi, mọi lúc, lấy tự học làm chính. Bác Hồ là một tấm gương mẫu mực về đức tính ham học, tự học và học suốt đời mới có đủ tri thức, sự hiểu biết để tìm đường cứu nước và lãnh đạo đất nước, trong đó tự học là chính, “học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học ở nhân dân” (2). Lúc Bác Hồ đi tìm đường cứu nước dù phải làm việc quần quật suốt ngày, nhưng Người vẫn tranh thủ mọi cách để học, kể cả việc viết mấy chữ lên bàn tay để vừa làm vừa nhìn vào bàn tay mà học. Khi đã trở thành người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, với bề bộn công việc, nhưng Bác vẫn tranh thủ tự học, học mọi nơi, mọi lúc, “học trong đời sống của mình,... học ở giai cấp công nhân” (3). Bác khuyến khích, động viên và kêu gọi mọi người cố gắng học tập “chúng ta phải học và hoạt động cách mạng suốt đời. Còn sống thì còn phải học” (4). Người còn nhắc nhở cán bộ cơ quan “mỗi ngày ít nhất phải học tập một tiếng đồng hồ” (5) và xem việc cán bộ, đảng viên lấy lý do vì bận việc mà xao nhãng chuyện học tập là “một khuyết điểm rất to” (6)
 
Tư tưởng Hồ Chí Minh về học suốt đời là di sản vô giá, một bài học kinh nghiệm, cẩm nang quý báu; qua đó, động viên, tạo động cơ để mọi người đều ham học và học suốt đời nhằm mục tiêu cuối cùng là xây dựng xã hội học tập. Điều lý thú là nội dung tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về học tập suốt đời hết sức phù hợp với khuyến cáo của UNESCO ngày nay về 4 trụ cột của giáo dục là “học để biết, học để làm, học để cùng chung sống, học để làm người”. Tư tưởng, tấm gương của Bác về học tập suốt đời không chỉ là cách tiếp cận đầy sức thuyết phục đối với các đối tượng khác nhau, từ trẻ đến già, từ người dân tới cán bộ, từ người mù chữ đến trí thức mà qua đó còn nhằm thức tỉnh, huy động và tổ chức cho mọi người ai cũng ham học và học suốt đời. 
 
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra chủ trương giáo dục suốt đời, nhiều văn kiện của Đảng xác định mục tiêu: Xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập nhằm tạo điều kiện cho mọi người ở mọi lứa tuổi được học tập thường xuyên, suốt đời; chuyển dần mô hình giáo dục hiện nay sang mô hình giáo dục mở - mô hình xã hội học tập với hệ thống giáo dục suốt đời, đào tạo liên tục, liên thông giữa các bậc học, ngành học; xây dựng và phát triển hệ thống học tập cho mọi người với những hình thức học tập, thực hành linh hoạt, bảo đảm sự công bằng xã hội trong giáo dục. Điều này vừa phù hợp với hoàn cảnh thực tế của đất nước, vừa theo kịp xu thế phát triển của giáo dục thế giới, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới cũng như nhu cầu học tập ngày càng cao của nhân dân.
 
Từ các Nghị quyết của Đảng, Bộ Chính trị đã có Chỉ thị 50 - CT/TW ngày 24/8/1999 và Chỉ thị 11/CT/TW ngày 13/4/2007 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, xác định: “Xây dựng xã hội học tập là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, là mục tiêu cơ bản trong chiến lược chấn hưng và phát triển giáo dục của nước ta” và Chỉ thị 02/2008/CT-TTg ngày 8/1/2008 của Thủ tướng Chính phủ thể chế hóa về mặt nhà nước, nhằm đưa chủ trương lớn của Đảng vào cuộc sống. Gần đây là Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; trong đó có nhiệm vụ là “Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập”.
 
Điều cốt lõi trong xây dựng một xã hội học tập, học suốt đời là đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo cả về mục tiêu, nội dung, phương pháp giảng dạy lẫn cách kiểm tra, đánh giá; đề cao năng lực tự học mà chủ yếu là học cách học, đưa người học từ vị trí thụ động trở thành người chủ động, sáng tạo trong quá trình lĩnh hội kiến thức; hình thức giáo dục phải đa dạng, linh hoạt, phương pháp khoa học, áp dụng phương tiện hiện đại, tạo điều kiện cho mọi người, ở mọi lứa tuổi, mọi ngành nghề, mọi trình độ đều được học tập, cập nhật kiến thức, nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. 
 
(1) Hồ Chí Minh toàn tập - tập 4, tr.161, NXB CTQG H.2000); (2) Hồ Chí Minh toàn tập - tập 6, tr.50, NXB CTQG H.2000); (3) Hồ Chí Minh toàn tập - tập 9, tr.416, NXB CTQG H.2000). (4) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12, tr.92, NXB CTQG, H.2000; (5) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, tr.273, NXB CTQG, H.2000); (6) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5. tr.231, NXB CTQG, H.2000. 
 
BAN BIÊN TẬP