Xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc và tôn giáo

09:10, 16/10/2015

Nhìn lại những hoạt động của Mặt trận Tổ quốc tỉnh trong thời gian qua, đồng chí Phạm Kim Khang - Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh khẳng định: Đơn vị đã tập trung mở rộng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; thực hiện giám sát và phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền là những nhiệm vụ cốt lõi của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam...

Nhìn lại những hoạt động của Mặt trận Tổ quốc tỉnh trong thời gian qua, đồng chí Phạm Kim Khang - Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh khẳng định: Đơn vị đã tập trung mở rộng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; thực hiện giám sát và phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền là những nhiệm vụ cốt lõi của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Những nhiệm vụ đó có mối liên hệ hữu cơ với nhau nhằm phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, góp phần xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh; chính quyền thực sự của dân, do dân, vì dân; phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
 
Bức ảnh Bác Hồ - Bác Tôn là biểu tượng của tình đoàn kết giữa các dân tộc Việt Nam
Bức ảnh Bác Hồ - Bác Tôn là biểu tượng của tình đoàn kết giữa các dân tộc Việt Nam
Quán triệt sâu sắc bài học đại đoàn kết dân tộc là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp cách mạng, những năm qua, Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã tập trung thực hiện tốt các việc chủ yếu như: Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến các tầng lớp nhân dân, nhằm tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động trong việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh. Điểm nổi bật trong công tác này đó là đã tổ chức phổ biến, tuyên truyền kịp thời, hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Trung ương Đảng ngay sau mỗi kỳ hội nghị đến các chức sắc tôn giáo, những người tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số, đại biểu trí thức và các cá nhân tiêu biểu khác.
 
Tổ chức sâu rộng, thiết thực và hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; Cuộc vận động Ngày vì người nghèo gắn với chương trình an sinh xã hội; Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân đoàn kết, tích cực tham gia, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân. Nhiều điển hình tiên tiến trong nhân dân được ghi nhận, tôn vinh, nhân rộng, tạo sự lan tỏa và phát triển bền vững hơn của các phong trào thi đua yêu nước do Mặt trận Tổ quốc các cấp chủ trì.
 
Đặc biệt, chú trọng cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hình thức vận động, tập hợp, đoàn kết, phát huy vai trò của những người tiêu biểu trong các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, tôn giáo... thông qua việc thường xuyên gặp gỡ, thăm hỏi, tổ chức hội nghị biểu dương, gặp mặt chuyên đề, tham quan, học tập kinh nghiệm... Qua đó, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và phối hợp giải quyết phù hợp, tạo sự tin tưởng, nhất là đối với các chức sắc tôn giáo. Nhờ đó, Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã tập hợp, đoàn kết được các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, tôn giáo phát huy tinh thần yêu nước cùng với Đảng, chính quyền xây dựng tỉnh nhà ổn định và phát triển.
 
Thực hiện giám sát và phản biện xã hội theo tinh thần Quyết định 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị khóa XI là nhiệm vụ mới và khó. Tuy vậy, Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã chủ động phổ biến, tuyên truyền, xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện và đạt được những kết quả bước đầu khả quan. Đơn vị đã nhanh chóng thành lập Hội đồng tư vấn về giám sát và phản biện xã hội; từng bước xây dựng, hoàn thiện quy trình giám sát, phản biện xã hội; lựa chọn vấn đề cụ thể, thiết thực, phù hợp và tổ chức huy động lực lượng tham gia giám sát, phản biện. Trong 2 năm 2014-2015, Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã chủ trì tiến hành hoàn thành giám sát 3 nội dung chuyên đề và phản biện 3 dự thảo văn bản của Ủy ban Nhân dân tỉnh và Tỉnh ủy.
 
Cụ thể, Mặt trận Tổ quốc đã giám sát thực hiện chính sách, pháp luật đối với người có công thông qua tổng rà soát thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng; Giám sát thực hiện khoán kinh phí hoạt động của tổ chức chính trị - xã hội ở xã, phường, thị trấn và thôn, tổ dân phố theo Nghị quyết số 87 ngày 5/12/2013 của Hội đồng Nhân dân tỉnh; Giám sát thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất tại các xã nghèo theo chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững đến năm 2015 theo Quyết định số 20 ngày 2/4/2013 của Ủy ban Nhân dân tỉnh; Giám sát thực hiện một số quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có hiệu lực của Ủy ban Nhân dân tỉnh.
 
Đồng thời thực hiện phản biện 3 dự thảo của UBND tỉnh: “Quy định về quản lý đất đai đối với các hộ gia đình, cá nhân là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”; “Quy định thang, bảng điểm xét duyệt đối tượng, điều kiện thuê mua nhà ở xã hội”; “Quy định về quản lý, sử dụng, cho thuê, thuê mua và bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng” và 1dự thảo Nghị quyết của Tỉnh ủy về “Nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị năm 2015”.
 
Ngoài ra, đã phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh giám sát nhiều chuyên đề liên quan đến các lĩnh vực chính sách, pháp luật, kinh tế, xã hội. Kết quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc tỉnh được cấp ủy, chính quyền ghi nhận, đánh giá cao, được dư luận xã hội đồng tình ủng hộ; qua đó, góp phần xây dựng, hoàn thiện chủ trương, chính sách, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp.
 
NGUYỆT THU