Ý Đảng - Lòng dân

08:10, 05/10/2015

Thời gian qua, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi có nghe nói bài toán tiêu thụ nông sản đã có lời giải, khi các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương đã tìm được sự kết nối cung - cầu trong việc liên kết giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa địa phương với địa phương.

Ông K’Nuys (thôn 5B, xã Đinh Trang Hòa, huyện Di Linh):
 
Thời gian qua, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi có nghe nói bài toán tiêu thụ nông sản đã có lời giải, khi các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương đã tìm được sự kết nối cung - cầu trong việc liên kết giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa địa phương với địa phương. Song, trên thực tế, nông sản vẫn chưa có được “đầu ra” ổn định, mà câu chuyện con bò sữa ở Đơn Dương là một ví dụ. Ngày nay, người nông dân đã ý thức hơn về tầm quan trọng của nông sản an toàn, sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP... để đưa hàng hóa vào tiêu thụ tại các siêu thị và phục vụ xuất khẩu. Tuy nhiên, sản xuất theo những quy trình này, người nông dân phải chịu nhiều rủi ro về giá bán, trong khi chi phí đầu tư sản xuất lại quá cao, bản thân người nông dân khó có thể một mình gánh vác. 
 
Chính vì vậy, thời gian tới, tôi đề nghị Đảng bộ tỉnh cần chỉ đạo ngành nông nghiệp của tỉnh cần xây dựng cơ chế hỗ trợ nông dân duy trì sản xuất nông nghiệp tốt cũng như cung cấp thông tin thị trường và định hướng cung - cầu để người nông dân tránh được những thiệt hại do biến động thị trường gây nên.
 
Bà Trần Thị Thu Hường (thị trấn Di Linh, hội viên Hội VHNT Lâm Đồng):
 
Không như các nghệ sĩ ở các chuyên ngành văn, thơ, nhiếp ảnh, mỹ thuật..., sáng tác xong, có thể tự phổ biến tác phẩm trên Facebook, Blog hoặc Web, còn việc giới thiệu tác phẩm âm nhạc đến với công chúng của các nhạc sĩ gặp khó khăn và tốn kém hơn. Bởi, đặc trưng của tác phẩm âm nhạc là nghệ thuật của âm thanh. Do đó, nếu muốn “post” lên mạng (Facebook, Blog, Web) thôi, ít nhất cũng phải làm một File MP3. Một Demo File MP3 đơn giản nhất hiện nay tiêu tốn cỡ 2 - 3 triệu đồng. Còn theo cách truyền thống, sáng tác xong, các nhạc sĩ gửi văn bản tác phẩm âm nhạc đến Tạp chí Lang Bian của Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng để chờ đăng tải. Lang Bian mỗi tháng xuất bản 1 số và mỗi số chỉ đăng tải 3 tác phẩm. Như vậy, trong 1 năm, cũng chỉ có 36 tác phẩm xuất hiện trên Lang Bian. Con số này quá khiêm tốn so với lực lượng sáng tác của Chi hội Nhạc sĩ.
 
Những người làm nhạc chúng tôi mong muốn trong thời gian tới được tạo thêm điều kiện để phổ biến tác phẩm đến với công chúng nhiều hơn, bằng các hình thức hỗ trợ kinh phí, tăng số trang trên Tạp chí Lang Bian. Ngoài ra, trong các sự kiện văn hóa của địa phương, nên ưu tiên sử dụng các tác phẩm âm nhạc của các nhạc sĩ địa phương cũng như tôn vinh những tác phẩm âm nhạc đoạt giải...
 
Ông Nguyễn Quốc Tuấn (Bí thư Đảng ủy xã Đạ Oai, huyện Đạ Huoai):
 
Cuối năm 2014, Đạ Oai cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM và đã được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM. Từ thực tiễn lợi ích Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM mang lại, bộ mặt nông thôn xã Đạ Oai ngày càng đổi mới, cuộc sống của người dân không ngừng được tăng cao. Tuy nhiên, trình độ dân trí ở Đạ Oai không đồng đều, nên công tác vận động quần chúng rất cần đến cán bộ cơ sở. Trong khi đó, tiền phụ cấp của cán bộ cơ sở (cấp thôn, cán bộ bán chuyên trách…) đã bị cắt giảm, nên công tác vận động quần chúng cũng có phần giảm sút. Còn chức danh cán bộ Văn phòng Đảng ủy xã là cán bộ bán chuyên trách, nên chỉ được hưởng mức phụ cấp 1.050.000 đồng/tháng, trong khi khối lượng công việc lại quá nhiều.
 
Trong nhiệm kỳ tới, tôi mong muốn Đảng bộ tỉnh lần thứ X quan tâm, xem xét, điều chỉnh về chức danh cán bộ Văn phòng Đảng ủy xã là công chức hoặc chuyên trách và giải quyết chế độ phụ cấp cho cán bộ cấp thôn. 
 
TRỊNH CHU ghi