Ý Đảng - Lòng dân

03:10, 15/10/2015

Theo chỉ tiêu của tỉnh là nâng tỷ lệ trường chuẩn quốc gia lên hàng năm. Đối với huyện Đam Rông, khó khăn lớn nhất hiện nay trong việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia là về cơ sở vật chất. Vì vậy, tôi mong rằng qua Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng nhiệm kỳ này, tỉnh sẽ có những chủ trương, chính sách quan tâm đầu tư hơn nữa cho các trường vùng sâu, vùng xa để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh trong giai đoạn tới. 

Ông Trần Phú Vinh - Trưởng phòng Phòng GDĐT huyện Đam Rông:
 
Ông Trần Phú Vinh
Ông Trần Phú Vinh
Theo chỉ tiêu của tỉnh là nâng tỷ lệ trường chuẩn quốc gia lên hàng năm. Đối với huyện Đam Rông, khó khăn lớn nhất hiện nay trong việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia là về cơ sở vật chất. Vì vậy, tôi mong rằng qua Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng nhiệm kỳ này, tỉnh sẽ có những chủ trương, chính sách quan tâm đầu tư hơn nữa cho các trường vùng sâu, vùng xa để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh trong giai đoạn tới. Qua đó, để các trường vùng này có điều kiện phấn đấu xây dựng trường chuẩn quốc gia. Hiện nay, huyện Đam Rông có 17% trường đạt chuẩn, theo nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện mỗi năm huyện sẽ tăng thêm 2 trường đạt chuẩn, để đến năm 2020 tỷ lệ trường đạt chuẩn trên địa bàn huyện là 50%, bằng Nghị quyết tỉnh Đảng bộ đề ra. Bên cạnh đó, cần tiếp tục duy trì thực hiện hỗ trợ học sinh theo chế độ của Nhà nước như tiền ăn trưa cho học sinh 3, 4, 5 tuổi, học sinh bán trú… nhằm giảm tỷ lệ học sinh bỏ học để huy động học sinh ra lớp. Ngoài ra, tôi cũng đề nghị tỉnh khi đầu tư các công trình trọng tâm, trọng điểm thì quan tâm đến việc làm con đường Đạ Tông nối liền với Đưng K’Nớ của huyện Lạc Dương, vì đường Đạ Tông là đường cụt, để thông thương văn hóa – du lịch – kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS huyện Đam Rông với các địa phương khác. 
 
Cô giáo Nguyễn Thị Tính - Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, xã Phi Liêng, huyện Đam Rông: 
 
Là huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa nên rất cần có những chính sách hỗ trợ cho học sinh nghèo, đặc biệt là học sinh DTTS để các em yên tâm học tập. Đối với học sinh của trường, phần lớn nhà các em đều ở xa trường nên phải thuê nhà trọ để theo học. Nhưng chỉ có những học sinh có nhà bán kính cách trường trên 15 km mới được hỗ trợ chỗ ở, mà trường phần lớn là học sinh DTTS còn nhiều khó khăn nên việc phải tự thuê nhà, tự trang trải chi phí học tập cũng làm cho nhiều học sinh bỏ học. Vì vậy, tôi mong rằng thời gian tới, Đảng và Nhà nước cũng như chính quyền địa phương có thêm nhiều sự hỗ trợ cho học sinh nghèo, học sinh DTTS. Đồng thời, có những chính sách hỗ trợ giáo viên vùng khó khăn. Vì đa số giáo viên của trường hiện nay đều ở xa, phải ở nhà tập thể của Trường THCS Phi Liêng (trước đây cũng là khu tập thể chung của Trường THPT khi chưa tách trường). Giáo viên thì nhiều, nhu cầu chỗ ở lớn, toàn trường có hơn 20 giáo viên được bố trí ở 10 phòng, độc thân cũng có, gia đình cũng có nên cơ sở vật chất rất thiếu thốn. Điều này cũng ảnh hưởng phần nào đến sự yên tâm bám lớp, bám trường của giáo viên vùng sâu, vùng xa.
 
Em Đoàn Minh Anh - Học sinh lớp 12A1, Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, xã Phi Liêng, huyện Đam Rông:
 
Em mong muốn thời gian tới, học sinh chúng em sẽ được trang bị nhiều hơn các kiến thức về lĩnh vực xã hội cũng như kỹ năng sống để khi ra đời không bị bỡ ngỡ. Em cũng mong rằng những trường vùng sâu, vùng xa sẽ được trang bị thêm nhiều phòng thực hành, thí nghiệm để chúng em được nâng cao kỹ năng thực hành. Là học sinh cuối cấp 3 chuẩn bị thi đại học, em hy vọng tỉnh sẽ tạo cơ hội làm việc nhiều hơn cho sinh viên sau khi ra trường để chúng em có thể quay trở về phục vụ địa phương, làm giàu cho quê hương. 
 
Việt Hùng ghi